Băng thông minh giám sát bàn chân bệnh nhân tiểu đường
Các bác sĩ Đan Mạch đang phát triển một loại băng thông minh, giám sát vết thương khi chúng lành. Phục vụ bệnh nhân tiểu đường, loại băng này được gắn những máy cảm biến tí hon để gửi dữ liệu tới bác sĩ thông qua mạng máy tính.
Các nhà sáng chế tại Bệnh viện Diabetic Foot ở Aarhus tin rằng băng giám sát có thể giúp bệnh nhân tiểu đường giữ bàn chân khoẻ mạnh và tránh nguy cơ bị cắt cụt. Bệnh nhân tiểu đường có tuần hoàn kém cũng như tổn thương thần kinh nên những vết cắt nhỏ hoặc phồng da trên bàn chân không được chú ý để rồi phát triển thành chỗ loét nghiêm trọng. Bác sĩ thường khuyên họ kiểm tra chân hàng ngày và tới bác sĩ nếu có dấu hiệu tổn thương. Không được điều trị và giám sát kịp thời, bệnh nhân với những vết loét như vậy có thể bị cắt cụt ngón chân, bàn chân và thậm chí là toàn bộ chân.
Sau khi có một vết loét ở chân cách đây hai tháng, bệnh nhân tiểu đường Paul Hansen buộc phải tới bệnh viện hàng tuần, cách xa nơi ở 60km. TS Niels Ejskjaer, giám đốc Bệnh viện Diabetic Foot, tin rằng một loại băng thông minh sẽ giúp bệnh nhân này không phải tới bệnh viện, giúp tiết kiệm chi phí. Ông nói: ''Công nghệ hiện đại có thể giúp chúng tôi giám sát từ xa các bệnh nhân. Máy cảm biến cung cấp thông tin về nhiệt độ, độ ẩm và thậm chí là loại vi khuẩn hiện diện''.
Dữ liệu từ băng thông minh được gửi tới bệnh viện dễ dàng thông qua điện thoại hoặc Internet. Những tiến bộ về công nghệ không dây cho phép bác sĩ kiểm tra sức khoẻ bệnh nhân hàng ngày từ khắp nơi trên thế giới. TS Ejskjaer nói: ''Với một chiếc điện thoại di động kết nối với băng thông minh, bệnh nhân có thể đi nghỉ tại một lục địa khác và vẫn được giám sát''. Hiện tại, loại băng thông minh này mới ở giai đoạn... thiết kế ý tưởng.
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã kết nối máy cảm biến nhiệt độ và độ ẩm với một chip máy tính song chúng quá lớn nên không thực tiễn. Tuy nhiên, TS Ejskjaer tin rằng băng thông minh này là một ý tưởng cần được khai thác trong các hệ thống y học viễn thông (telemedicine) của tương lai. Hiện một số dự án telemedicine đang được đánh giá tại Aarhus. Các dự án đó thay thế chuyến đi tới bệnh viện bằng những cuộc khám bệnh từ xa, tại nhà của bệnh nhân. Hình ảnh bàn chân được camera ghi lại và truyền tới bệnh viện qua kết nối Internet.
Y tá phải thăm bệnh nhân tại nhà để giám sát vết thương cũng như thay băng. Tuy nhiên, nếu băng thông minh được phát triển thành công, các chuyến thăm đó sẽ không còn cần thiết. Loại băng nguyên mẫu hiện nay vẫn thiếu một bộ phận quan trọng: mũi điện tử. Mùi của bàn chân bệnh nhân tiểu đường có thể nói lên độ khoẻ mạnh của bộ phận này. Không có máy dò mùi trong băng thông minh, bác sĩ có thể bỏ qua tình trạng nhiễm trùng đang xảy ra. Đây là một trở ngại cần phải vượt qua trong lĩnh vực y học viễn thông.
-
Minh Sơn (Theo Guardian)