Vắc-xin phòng cúm cho Hà Nội: Về là hết!
Lo ngại nguy cơ dịch cúm bùng phát vào mùa đông xuân năm nay, hàng ngàn người Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã đổ xô đi tiêm phòng dịch cúm. Và như mọi năm, không phải lúc nào cũng đủ vắc-xin để đáp ứng nhu cầu người dân...
"Về bao nhiêu, hết bấy nhiêu”
Chiều thứ bảy, chúng tôi đến phòng tiêm chủng của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội ở 70 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để hỏi tiêm vắc-xin phòng cúm cho cô con gái bốn tuổi. Hai nhân viên y tế trực, đang bận tiêm phòng uốn ván, quay ra trả lời: “Đầu tuần sau, chị quay lại. Hiện chúng tôi đã hết sạch vắc-xin phòng cúm. Vắc-xin không nhiều, về bao nhiêu là tiêm bấy nhiêu.”
Tại Hà Nội, điểm tiêm phòng nói trên là một trong ba địa chỉ có dịch vụ tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm (hai địa chỉ còn lại là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - 131 Lò Đúc, và Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế - 4 Sơn Tây). Năm nay, vắc-xin phòng cúm về Việt Nam (VN) muộn gần một tháng so với dự kiến nên nhiều khách sạn, công ty nước ngoài đã chủ động liên hệ với đại diện nhà sản xuất vắc-xin phòng cúm duy nhất tại VN để... tiêm phòng cho nhân viên.
Trong hơn một tháng qua, hàng chục khách sạn, cơ quan đã cho nhân viên đi tiêm ngừa. Người dân Hà Nội cũng đổ xô đến các trạm y tế phường, quận và điểm tiêm phòng để tìm hiểu thông tin. Ngày cao điểm nhất có tới 500-600 người Hà Nội đi tiêm phòng bệnh cúm.
Theo BS Phạm Ngọc Đính, viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trước nguy cơ dịch cúm có thể bùng phát trong mùa đông xuân, Viện và khu vực đã đề nghị nhà cung cấp vắc-xin cúm duy nhất tại VN cố gắng tăng số lượng vắc-xin cúm vào VN. Tuy nhiên, BS Đính cũng thừa nhận: “Vẫn thiếu vắc-xin phòng cúm, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi đang đề nghị cung cấp thêm cho VN”.
Trước nguy cơ thiếu vắc-xin (mặc dù đại diện nhà sản xuất tiết lộ đã cung cấp trên 10.000 liều vắc-xin phòng cúm cho Hà Nội), BS Đính cho rằng nên ưu tiên vắc-xin cho ba nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao, bao gồm trẻ em (nhất là trẻ 3-10 tuổi), người già trên 60 tuổi, người mắc các bệnh hô hấp mạn tính và suy giảm miễn dịch.
Vắc-xin cúm: Phòng các loại cúm nào?
Đã được cấp hơn 10.000 liều, Hà Nội vẫn thiếu trầm trọng vắc -xin phòng cúm. |
Một câu hỏi đặt ra: Liệu loại vắc-xin phòng cúm này có ngừa được tất cả các loại virus cúm, kể cả cúm do virus H5N1 hay không? Vẫn theo BS Phạm Ngọc Đính, loại vắc-xin phòng cúm năm nay (virus cúm thường xuyên đột biến nên phải tiêm lại hằng năm) có tác dụng ngừa được hai týp cúm A H3N2, H1N1 và một týp cúm B.
“Tại VN, người dân khá lo ngại virus cúm H5N1 nên chỉ nghĩ đến vắc-xin phòng loại virus này (Tổ chức Y tế Thế giới WHO thông báo đến năm 2007, vắc-xin ngừa H5N1 mới có thể chính thức ra mắt). Nhưng virus cúm H3N2, H1N1 mới gây tỷ lệ mắc cao và các chuyên gia thế giới cũng như VN đã khuyến cáo nên dự phòng bệnh cúm bằng vắc-xin hiện có. Tuy loại vắc-xin này không có tác dụng phòng H5N1 nhưng có thể đề phòng việc tái tổ hợp virus xảy ra trên cơ thể người” - BS Đính nói.
Để phòng tránh bệnh mùa đông xuân, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Nguyễn Văn Lộc cũng khuyến cáo người dân nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Ngoài các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các bậc cha mẹ nên cho con em tiêm chủng thêm vắc-xin phòng viêm não, cúm, thủy đậu...
BS Lộc cho biết: Bệnh cúm có thể lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí, hạt nước bọt li ti hoặc tiếp xúc trực tiếp. Tần suất mắc bệnh hằng năm là 5-15% ở người lớn và 15-42% ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới bốn tuổi. Cúm là căn bệnh thông thường ở VN nhưng người bị cúm có thể biến chứng sang viêm phổi, với người bệnh viêm phế quản, hen thì triệu chứng càng nặng thêm.
(Theo Tuổi Trẻ)