2008: Châu Âu đưa dự án Galileo vào hoạt động
Uỷ ban châu Âu (EC) vừa đặt ra các chiến lược vũ trụ mới cho châu Âu. Theo đó, châu Âu sẽ chú trọng đến các công nghệ vũ trụ trong bảo vệ môi trường, định vị toàn cầu, dự báo thời tiết và hệ thống cảnh báo sớm tai họa.
Hình ảnh ba vệ tinh tạo thành mạng lưới của Hệ thống Định vị Galileo trên máy tính |
Liên minh châu Âu (EU) sẽ ưu tiên hàng đầu cho phát triển dự án Galileo, tức dự án hệ thống Định vị Vệ tinh Toàn cầu GNSS (Global Navigation Satellite Systems) Galileo và thứ nữa là dự án An ninh và Giám sát Môi trường Toàn cầu (GMES).
EC cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Nga, Mỹ và các nước đang phát triển về công nghệ vũ trụ, đặc biệt là tham gia hợp tác trong một số dự án lớn với các nước kể trên. Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, một công cụ chiến lược để điều khiển từ không gian bất kỳ sự di chuyển của con người trên trái đất - một trong những chìa khóa công nghệ của thế kỷ 21. Hệ thống này cung cấp những dịch vụ cần xác định vị trí không gian thời gian trên toàn thế giới, như xác định vị trí, dẫn đường, hoa tiêu trong vận tải đường không, thuỷ và bộ. Kết hợp khả năng cơ động và khả năng xác định vị trí không gian thời gian trên toàn thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới mà hiện nay chưa thấy hết được.
GNSS đã được bình chọn trong nhóm 10 thành tựu kỳ diệu nhất của công nghệ thông tin thế kỷ 20 cùng với công nghệ chip điện tử, công nghệ phần mềm, kỹ thuật số hoá (digitalisation), công nghệ Internet/Web, dịch vụ thư điện tử (e-mail), công nghệ viễn thông, công nghệ viễn thông di động vô tuyến, công nghệ WAP (Wireless Application Protocol: giao thức ứng dụng không dây) và máy điện thoại di động vô tuyến. Với hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Galileo, EU đã tạo bước đột phá vào công nghệ vốn là độc quyền của Mỹ với hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS. Galileo dự kiến sẽ hoạt động từ năm 2008, chấm dứt mấy chục năm độc quyền của GPS.
-
Thuỵ Vũ (Theo Tân Hoa Xã/Chinabroadcast)