Phụ gia thực phẩm: Ôi, kinh hoàng...!
Báo động vệ sinh an toàn thực phẩm: Nước mắm có... phân u-rê; thực phẩm chế biến chứa hàn the, phẩm màu vô tội vạ; nước giải khát toàn đường hoá học...
Hơn 35 năm trước, do thiếu hiểu biết, người ta thường dùng hàn the để bảo quản thực phẩm vì nó có tác dụng tăng độ dai, giòn của các loại thực phẩm có nguồn gốc từ ngũ cốc và thịt. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng hàn the là một loại phụ gia độc hại, với khả năng tích tụ trong cơ thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng như gan, thận, cơ quan sinh dục.
“Mẹo vặt”... chết người!
Thực phẩm có chứa chất phụ gia ngoài danh mục của Bộ Y tế được bày bán tràn lan ngoài chợ. |
Chị V. bán chả cá ở một chợ trung tâm TP.HCM bĩu môi nói với chúng tôi: “Không bỏ hàn the có nước đi ăn cám à (!) Tụi nó (những người bán chả khác) làm ít cá, nhiều bột mà vẫn dai, cắn nghe sực sực… đã lắm. Mình làm nhiều cá hơn, ít bột hơn mà miếng chả không dai thì khách họ chê. Nên thiệt tình dù muốn mần ăn đàng hoàng (không pha bột nhiều - PV) đi nữa, chị cũng phải bỏ chút chút chớ”.
Chị V. tiết lộ cách chế biến như sau: nạo cá thác lác, nêm nếm tiêu, muối, tỏi, thì là…, trộn đều hỗn hợp gồm thịt cá và bột. Thi thoảng rắc đều tay chút… hàn the, rồi lại quết cho thật nhuyễn, kế đến mới cho vào chảo dầu, chiên! Đó là hiện tượng sử dụng hàn the phổ biến trong sản xuất, chế biến thực phẩm hiện nay.
Một kết quả khảo sát đáng sợ: Trong 549 mẫu thực phẩm được kiểm nghiệm gần đây tại Ninh Bình, kết quả như sau: 100% bánh đúc, 93,5% giò nạc, 88,8% chả lụa (giò) và 44% nem chua… có sử dụng hàn the. Còn tại Thái Nguyên, qua kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm ở chợ Thái, Đồng Quang, Dốc Hanh… đều cho thấy có đến 91,6% người bán biết hàn the là chất phụ gia độc hại nhưng cũng có 90%-100% mẫu giò lụa, chả nạc, chả quế ở đây có hàn the.
Ở TPHCM, một khảo sát (từ năm 2000 đến 2002) của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM khiến người ta giật mình dẫu tỷ lệ sử dụng hàn the “chỉ còn” 19%, nhưng việc xài phẩm màu trôi nổi trong chế biến thực phẩm đã lên đến 32%, đường hóa học 7%, thuốc chống mốc 40%. Để lạp xưởng có màu đỏ tươi bắt mắt, người ta thường dùng muối diêm; để bánh phồng sữa thêm độ béo, đã có axít béo; đậu hủ muốn ít vỡ, cần cho “tí” thạch cao; chân gà, tai heo cần trắng sạch để trộn gỏi, đã có thuốc tẩy; các loại trái cây như nhãn, vải khi thu hoạch đại trà muốn lâu “xuống màu” thì dùng “kỹ thuật” xông khí lưu huỳnh.
Một chuyên gia dinh dưỡng nói: “Không chỉ có đồ chế biến sẵn, hay trái cây mới có những “mẹo vặt” kinh hoàng trên. Nhan nhản ngoài đường, người ta vẫn bắt gặp những gánh xôi xanh, đỏ, tím… Rồi thịt quay, vịt quay béo vàng bắt mắt. Một kg màu thực phẩm có giá gấp 5 lần màu công nghiệp. Từ đây suy ra, một gói xôi chỉ một ngàn đồng, vậy người bán xôi lẻ có “sẵn lòng” mua màu thực phẩm hay không?”.
Ngay cả trong thứ người Việt chúng ta ăn hàng ngày là nước mắm, cũng cần đặt lại vấn đề. Theo tài liệu của Viện Pasteur Nha Trang, muốn tăng 1 độ đạm trong nước mắm (yếu tố quyết định giá thành) thì một số kẻ làm ăn gian dối đã “bón” thêm 3,3g… phân urê. Để chứng minh, viện đã phân tích 45 mẫu nước mắm lấy trên địa bàn và kết quả là 19 mẫu có hàm lượng urê lớn hơn 0,1gam/lít…
Phát hiện không xuể
Sản xuất bánh không đảm bảo vệ sinh tại một lò thủ công |
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai –Thanh tra Sở Y tế TPHCM, kể: “Chúng tôi vừa tiêu hủy 30kg mì vắt tại một cơ sở ở quận Tân Phú. Khi ập vào, đoàn kiểm tra phát hiện một bao bố hàn the hiệu Borax. Qua test nhanh thì thấy mì có hàn the, không nằm trong danh mục phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Cơ sở này đã đưa ra thị trường rất nhiều mì rồi”.
Còn tại một cơ sở sản xuất giò chả ở phường 13, Gò Vấp, cũng qua kiểm tra đột xuất, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện khoảng 30kg chả lụa, chả chiên… có hàn the. Sau đó vài ngày cũng tại cơ sở này, đoàn kiểm tra lại bắt quả tang tiếp 6,3kg chả quế cũng có hàn the.
Gần đây nhất, Công ty TNHH Kim Nông (P12 Q8) lại đi chào bán công khai sản phẩm đường hóa học sodium cyclamate, giá chỉ 4.000đ/kg.
Truy xét ngược, ngành chức năng kiểm tra đột xuất một loạt cơ sở chế biến nước giải khát, và kết quả test nhanh đều dương tính với đường hóa học. Khám xét khẩn cấp, cơ quan chức năng niêm phong tại chỗ 15,4 tấn sodium cyclamate và do có liên quan đến một đường dây nhập lậu từ phía Bắc. Vụ việc của Công ty Kim Nông được chuyển sang cơ quan điều tra.
Một số không nhỏ các loại nước giải khát như cam, xá xị, dâu của Công ty N.B ở đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, các loại phẩm màu sử dụng đều không nằm trong danh mục cho phép. Riêng số nước ngọt lon mang nhãn hiệu Thiên Hương (Tân Xuân, Hóc Môn) thì theo đoàn kiểm tra “đều sử dụng đường hóa học”.
Chuyện tái sử dụng bánh ngọt có dùng chất phụ gia ở phường 16, quận Tân Bình, còn đáng nể hơn khi cơ man nào là bánh in đậu xanh, bánh pía (bánh lột da), bánh dừa, thậm chí là bánh trung thu đã mốc meo được cơ sở này thu gom lại, nhào trộn tái chế rồi cho bột chống mốc vào, đưa ra thị trường với tên gọi “bánh chao”! Vì sao có việc sử dụng chất phụ gia, màu công nghiệp, đường hóa học và hàng loạt các chất “quái đản” khác trong chế biến thực phẩm? Phải chăng mức xử phạt đối với hành vi này chưa đủ răn đe hay vì mối lợi quá lớn trong mua bán hóa chất, phụ gia khiến những người kinh doanh tối mắt?
-
Theo SGGP