,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
690060
Ngân hàng mắt: người dân chưa quen hiến mắt
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Ngân hàng mắt: người dân chưa quen hiến mắt

Cập nhật lúc 17:01, Thứ Năm, 04/08/2005 (GMT+7)
,

Trong số hơn 1 triệu người mù ở Việt Nam hiện nay, có tới 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn không có nguồn giác mạc thường xuyên để ghép. Tình trạng này có thể được khắc phục nếu "ngân hàng mắt" tại Bệnh viện Mắt Trung ương đi vào hoạt động.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, ghép giác mạc không đòi hỏi phải lấy tạng ngay khi người bệnh còn sống như đối với các ghép tạng khác. Giác mạc cho có thể lấy từ người đã chết 6 giờ, thậm chí là sau 12-14 giờ. Hơn nữa, tỷ lệ thành công trong ghép giác mạc thường cao hơn và ít tốn kém hơn. Do đó, lấy giác mạc dễ dàng hơn và ít gây tranh cãi hơn về mặt pháp lý. Nhưng rồi cũng giống như các ghép tạng khác: kho bảo quản giác mạc của BV Mắt Trung ương lúc nào cũng ở tình trạng trống trơn vì nguồn mắt dự trữ không đủ để phục vụ người bệnh.

  • Thiếu giác mạc, phải nhờ nước ngòai hiến tặng

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu do quan niệm "chết toàn thây" vẫn còn in đậm trong mỗi người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có pháp lệnh về hiến ghép mô nên mặc dù cũng có người đến đề nghị được hiến tạng, nhưng các bác sĩ nhãn khoa vẫn không thể tiến hành lấy giác mạc vì gia đình người cho không đồng ý. Do đó nguồn giác mạc hiện đang được sử dụng chủ yếu trông chờ từ các mắt chấn thương hoặc là từ các tổ chức nước ngoài hiến tặng.

"Điều này khác biệt hoàn toàn với các nước phương Tây" - bác sĩ Phạm Ngọc Đông, thành viên của dự án cho biết, thời gian qua, quả thật dự án đã nhận được nhiều lời đề nghị hiến giác mạc của người nước ngoài hơn là Việt Nam. Bà Lisa Black (Mỹ) - một người mẹ dù phải chịu nỗi đau mất con nhưng vẫn quyết định dành tặng đôi mắt con mình cho những người bệnh Việt Nam.

Trước đó, năm 2000, ông Thomas Good, Giám đốc điều hành Ngân hàng Mắt tại Mỹ đến thăm Việt Nam. Tiếp xúc với các bác sĩ nhãn khoa Việt Nam, ông Thomas Good được biết nhu cầu ghép giác mạc ở Việt Nam rất cao và nhiều người mù sẽ nhìn thấy nếu như có giác mạc để ghép. Trở về Mỹ, ông đã vận động các ngân hàng mắt ở Mỹ gửi tặng giác mạc cho các bệnh nhân Việt Nam. Tính đến tháng 5-2005, ông và các cộng sự của mình đã gửi tặng cho BV Mắt Trung ương hơn 100 giác mạc. Nhờ vậy, các bác sĩ nhãn khoa đã đem lại ánh sáng, hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân.

Tổ chức ORBIS, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận trên toàn cầu trong lĩnh vực nhãn khoa của Mỹ, cũng đang hỗ trợ BV Mắt Trung ương thông qua dự án "Nâng cao năng lực điều trị các bệnh giác mạc bằng ghép giác mạc", trị giá 500.000 USD từ năm 2004 - 2009. Trong đó, phần lớn dự án tập trung vào việc xây dựng một "ngân hàng mắt" nhằm góp phần giúp Việt Nam hạ thấp tỷ lệ mù lòa do bệnh lý giác mạc.

  • Ngân hàng mắt: Còn chờ người dân...

Trước mắt, để bảo đảm có nguồn giác mạc phục vụ nhu cầu, tổ chức ORBIS sẽ viện trợ cho Bệnh viện Mắt Trung ương 375 giác mạc để phục vụ ghép cho bệnh nhân. Ngoài ra, ORBIS còn tài trợ kinh phí để BV thực hiện các hoạt động như: Cung cấp trang thiết bị để khám và điều trị bệnh giác mạc; tài trợ cho các bác sĩ ở Viện Mắt đi đào tạo về ghép; cử các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý ngân hàng mắt, ghép giác mạc sang đào tạo các cán bộ ngân hàng mắt; Xây dựng mạng lưới tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để nâng cao kiến thức về các bệnh lý giác mạc và việc hiến giác mạc...

Dự kiến hoạt động thu nhận giác mạc tử thi sẽ thuận lợi hơn sau khi Pháp lệnh về hiến mô, tạng được thông qua. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là ý thức người dân. Một "ngân hàng mắt" chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có nguồn giác mạc được lấy từ chính trong nước chứ không đơn thuần là việc có đầy đủ hệ thống trang thiết bị và nguồn nhân lực. Do đó làm thế nào để người dân ý thức được tầm quan trọng của việc hiến giác mạc sau khi qua đời đang là vấn đề đáng quan tâm.

  • Theo Tin tức
,
,