,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
877870
Năm 2007, sẽ có ngân hàng cuống rốn
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Năm 2007, sẽ có ngân hàng cuống rốn

Cập nhật lúc 14:42, Thứ Tư, 20/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet)-Đừng quẳng đi, hãy gửi cuống rốn của con bạn vào ngân hàng. Một ngân hàng tế bào gốc cuống rốn sẽ được xây dựng vào năm 2007 ở phía Nam. 

Vào 16g10 ngày 11/10, anh P.T.A, 28 tuổi, hồi hộp chờ ngoài phòng sanh.

Vợ anh chuyển dạ và sinh được một bé gái xinh xắn. Nhờ dặn trước nên cô y tá đã đưa cho anh T.A. một chiếc túi, trong đó chứa phần nhau cuống rốn của cô con gái đầu lòng.

Anh T.A cho biết anh sẽ đem cái nhau cuống rốn đó về chôn trong một góc vườn trong nhà. Điều đó đánh dấu cho sự khởi đầu của một thế hệ mới trong gia đình anh.

Cuống rốn: Từ chất thải y tế...

Đứa trẻ sơ sinh với cuống rốn (màu trắng ngà) sắp bị cắt bỏ... Ảnh chụp tại BV Hùng Vương. (Ảnh:H.Cát)

Tuy nhiên, theo TS.BS Vũ Thị Nhung, Giám đốc BV Hùng Vương, cái quan niệm "chôn nhau, cắt rốn" dường như đã dần bị lãng quên trong sự bận rộn của một thành phố lớn như TP.HCM.

"Mỗi ngày, BV Hùng Vương đón nhận khoảng 100 trẻ sơ sinh. Trong khi con số đó ở BV Từ Dũ cao gấp 1,5 lần. Nhưng hiện nay, cuống rốn tại BV Hùng Vương hầu hết đều bị bỏ đi và được xử lý như chất thải y tế," TS.BS Vũ Thị Nhung nói.

Cuống rốn của những đứa trẻ sơ sinh dài ngắn khác nhau. Trung bình, cuống rốn dài khoảng 50-60cm, nhưng cũng có trẻ sở hữu một sợi dây rốn dài hơn 1m, hay thậm chí chỉ ngắn 20 - 30cm.

Cuống rốn màu trắng ngà ngà. Trong cuống rốn có nước, khi cắt ra khỏi rốn đứa trẻ, một lát sau, dây rốn sẽ khô đi. Cuống rốn của em bé sơ sinh, một vài ngày sau sinh, dần teo đi như một cành cây khô. Ít nhất, hơn chục ngày cuống rốn mới rụng.

Cuống rốn bị cắt bỏ cũng có thành phần như thịt và protein, nếu không được bảo quản tốt, qua ngày hôm sau, cuống rốn sẽ có mùi và hư đi.

... Trở thành nguồn vật liệu quý để trị bệnh 

Cách đây 4 năm, vào ngày đầu tiên của năm 2002, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố đã dùng phương pháp ghép máu cuống rốn điều trị bệnh ung thư máu. Đây là ca ghép máu cuống rốn đầu tiên không chỉ tại TP.HCM, mà còn trên khắp Việt Nam.

Cuống rốn:  Nguồn tế bào gốc

Một dây rốn có đường kính 1cm, dài 55cm thì diện tích màng lót dây rốn này khoảng 330cm2 (tương đương với một tờ giấy khổ A5). Từ màng lót dây rốn này đem nuôi trong ống nghiệm 3 tuần  sẽ thu được khoảng 6 tỷ tế bào dùng cho điều trị. Từ đầu những năm 1990 cho tới nay, người ta đã ứng dụng các tế bào gốc tạo máu phân lập từ máu dây rốn để điều trị hàng loạt bệnh lý thiếu máu và bệnh lý ác tính cơ quan tạo máu.  Các tế bào gốc tạo máu (bị ung thư) của bệnh nhân được phá hủy bởi tia xạ hoặc hóa chất và sau đó được thay thế bằng ghép tế bào gốc lấy từ máu dây rốn dị gen phù hợp. (Theo SGGP)

Bệnh nhân được ghép là một bé gái 4 tuổi, N.T.K.N, ngụ tại Bình Thạnh. Bé N. bị bệnh bạch cầu cấp. Ca ghép tế bào máu lúc đó đã thành công. Mảnh ghép bắt đầu mọc, lượng bạch cầu và tiểu cầu trở về chỉ số bình thường. Thời gian nằm viện của bé N. chỉ mất có 7 ngày.

BS Huỳnh Nghĩa, phó khoa Lâm sàng Huyết học Trẻ em, cho biết từ năm 2002 đến 2004, bệnh viện Truyền máu - Huyết học thành phố đã thực hiện được tất cả là 9 ca ghép. Trong đó, 5 ca ghép sử dụng nguồn máu từ ngân hàng máu của bệnh viện.

Năm 2002, một ngân hàng máu cuống rốn được thành lập tại BV Truyền máu - Hiuyết học TP.HCM. Nhưng trước đó, ngay từ năm 2001, đề tài về "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật xử lý tế bào gốc máu cuống rốn" hoàn thiện.

Kết luận từ nghiên cứu cho thấy, máu cuống rốn của sản phụ Việt Nam đủ chất lượng và số lượng để thay thế nguồn tế bào gốc khác từ tuỷ xương hay máu ngoại biên để điều trị các bệnh lý máu.

Đến nay, ngân hàng máu của BV Truyền máu - Huyết học đã lưu trữ được trên 1.850 mẫu máu từ cuống rốn.

"Tế bào máu cuống rốn có thế hỗ trợ trong việc điều trị bệnh lý máu ác tính hay bệnh lý máu di truyền: ung thư máu, ung thư hạch, bệnh thiếu máu tán huyết. Các loại bệnh về máu luôn là gánh nặng cho xã hội vì phải thường xuyên truyền máu và sống nhờ máu người khác," BS Huỳnh Nghĩa nói.

Hơn thế nữa, BS Nghĩa cho biết tế bào cuống rốn còn có thể biệt hoá thành những mạch máu của mạch vành hoặc các tế bào của sụn khớp.

Đừng vất bỏ cuống rốn!

Chuẩn bị ghép máu cuống rốn để điều trị bệnh về máu cho bệnh nhân tại BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM. (Ảnh:BS Huỳnh Nghĩa)

Ngày 7/12/2006, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong đã ký quyết định số 2646/QĐ- BKHCN để tiến hành xây dựng "Ngân hàng tế bào gốc cuống rốn khu vực phía Nam và ứng dụng trị liệu trên người".

Đây là đề tài nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước "Xây dựng ngân hàng tế bào gốc quốc gia và trung tâm trị liệu tế bào gốc Việt Nam".

Kinh phí đầu tư cho đề tài nhánh là 5 tỉ đồng, trong đó 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm từ 1/2007 đến ngày 1/2012.

Chủ nhiệm đề tài nhánh này là DS cao cấp Đặng Thị Kim Lan, phó giám đốc công ty Cổ phần hoá Dược phẩm Mekophar.

Theo DS Kim Lan, một ngân hàng tế gốc từ cuống rốn bao gồm tế bào gốc từ máu cuống rốn và tế bào gốc từ nhu mô cuống rốn khu vực miền nam sẽ được xây dựng tại công ty Mekophar.

"Thu hoạch cuống rốn không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ và con. Đồng thời tế bào gốc từ cuống rốn còn rất trẻ nên khả năng phân chia tốt và số lượng tế bào thu được trực tiếp sẽ rất lớn,"DS. Kim Lan giải thích.

Bên cạnh dễ thu hoạch và xử lý, nhà nghiên cứu có thể thu hoạch được nhiều loại tế bào gốc bao gồm các tế bào gốc trong máu cuống rốn (giàu tế bào gốc tạo máu) và các tế bào gốc khác trong nhu mô cuống rốn.

Trong môi trường Nito lỏng -180 độ C, cuống rốn có thể lưu trữ từ 18 - 20 năm để sử dụng điều trị cho chính người có cuống rốn ấy hoặc người thân trong gia đình, thậm chí cho những người khác.

Ngân hàng cuống rốn sẽ thu nhận và lưu trữ tất cả cuống rốn sau khi sinh. Trong đó, cuống rốn của trẻ mà cha mẹ hoặc người bảo trợ hợp pháp có nhu cầu đăng ký xử lý bảo quản tế bào gốc.

Ngoài ra, cuống rốn của trẻ mà cha mẹ hay người bảo trợ không có nhu cầu bảo quản nhưng tình nguyện hiến cho ngân hàng sử dụng để điều trị cho bệnh nhân có nhu cầu và phù hợp.

Công nghệ phân lập, bảo quản, biệt hoá và cấy ghép tế bào gốc sẽ được hợp tác với Ngân hàng máu cuống rốn Singapore, và công ty CellRearch Corp thuộc đại học Quốc gia Singapore. Công nghệ này bao gồm môi trường nuôi cấy và các phương pháp kích hoạt để phát triển tế bào gốc thành những mô đảm nhận các chức năng khác nhau của các cơ quan trên cơ thể người.

"Trước mắt chúng tôi sẽ khởi công xây dựng ngân hàng cuống rốn. Dự kiến ngân hàng sẽ hoàn thành vào năm 2008. Sau đó là xây dựng được quy trình kỹ thuật thu gom, xử lý, bảo quản và biệt hoá tế bào gốc máu dây rốn và tế bào gốc màng lót dây rốn để điều trị một số bệnh ở người," DS Kim Lan giải thích.

Mục tiêu ban đầu là tập trung nghiên cứu và biệt hoá tế bào gốc thành các tế bào da, xương khớp và tóc. Sau đó là tế bào tuỵ để điều trị cho người bệnh tiểu đường, rồi tế bào cơ tim để cấy vào những nơi cơ tim bị hoại tử; tế bào giác mạc, và tế bào máu.

Với dân số 84 triệu người và mức tăng dân số 1,4 triệu người/năm. Nếu chỉ ước tính 1% ca sinh có nhu cầu giữ hoặc hiến cuống rốn mỗi năm, ngân hàng cuống rốn có thể đã có 14.000 mẫu tế bào gốc lưu giữ để có thể điều trị cho bệnh nhân khi cần.

Thậm chí, Việt Nam có thể nghĩ đến một thị trường xuất khẩu cuống rốn. Tuy giá trị vật chất có thể không cao, nhưng giá trị chữa trị bệnh tật cho con người từ tế bào gốc cuống rốn là vô cùng to lớn.

  • Hương Cát

Ý kiến của bạn

,
,