Sau hơn một năm tập trung công sức, trí tuệ, nhóm nghiên cứu của IVAC Nha Trang đã sản xuất thành công 5 lô vắcxin thành phẩm cúm A/H5N1 hấp phụ (FLUVAC), gồm 5.000 liều.
Nhóm các nhà khoa học ở Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) gồm Viện trưởng - Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, Phó Viện trưởng - Tiến sĩ Lê Văn Bé, cử nhân Nguyễn Thị Minh Hiền, Trần Ngọc Nhơn, Đặng Thị Hồng Vân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Phương và một số cộng sự là những người đã sản xuất thử nghiệm thành công loại vắcxin trên.
Theo các nhà khoa học ở IVAC Nha Trang, trên thế giới hiện chưa có vắcxin cúm A/H5N1 dùng cho người, mà hầu hết vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm. Trong khi đó dịch cúm gia cầm týp A/H5N1 đã xuất hiện từ cuối năm 2003 tại các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, sau đó tiếp tục lan rộng ra một số nước châu Á và cho tới nay cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Âu.
Dịch cúm A/H5N1 thật sự trở thành mối quan tâm lo ngại hàng đầu của cả thế giới, bởi lẽ chủng virút cúm týp A/H5N1 được các nhà khoa học xác định có khả năng lan truyền trực tiếp sang người và gây bệnh với tỉ lệ tử vong rất cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo, chỉ cần sau hai lần biến đổi gien, virút cúm gia cầm A/H5N1 có thể lây từ người sang người và sẽ gây ra đại dịch cúm H5N1. Theo thống kê, ở Việt Nam trong vòng 3 năm qua, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã xâm nhập 32 tỉnh, thành phố trong nước, gây ra hậu quả trên 50 triệu gia cầm bị tiêu hủy, 93 người mắc bệnh, trong số đó đã có 42 trường hợp tử vong.
Một phương pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch, bảo vệ cộng đồng, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong là phải sử dụng vắcxin, chính vì vậy việc phát triển vắcxin phòng cúm A/H5N1 cho người là một yêu cầu cấp bách đặt ra khiến cho nhiều nhà khoa học y học trên thế giới trăn trở tìm tòi, nghiên cứu.
Ba đơn vị trong nước đăng ký tham gia nghiên cứu quy trình sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 bất hoạt dùng cho người, mỗi đơn vị triển khai một phương pháp nghiên cứu riêng.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu trên tế bào thận khỉ tiêu phát, Viện Pasteur TP HCM nghiên cứu bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào Vero, Viện Vắcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang nghiên cứu trên trứng gà có phôi kết hợp sử dụng chủng NIBRG-14 từ Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học Vương quốc Anh (NIBSC).
|
Khỉ là loài động vật quan trọng trong quá trình thử nghiệm vắc-xin H5N1 (Ảnh tư liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương). |
Nghiên cứu sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Y tế chính thức phê duyệt vào đầu tháng 7/2006. Tuy nhiên trước đó nhiều tháng, nhóm nghiên cứu của IVAC Nha Trang gồm Viện trưởng - Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hiệp, Phó Viện trưởng - Tiến sĩ Lê Văn Bé, các cử nhân Nguyễn Thị Minh Hiền, Trần Ngọc Nhơn, Đặng Thị Hồng Vân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Phương và một số cộng sự đã đầu tư nghiên cứu chủng virút bằng kỹ thuật di truyền ngược.
Sau hơn một năm tập trung công sức, trí tuệ, nhóm nghiên cứu của IVAC Nha Trang đã sản xuất thành công 5 lô vắcxin thành phẩm cúm A/H5N1 hấp phụ (FLUVAC), gồm 5.000 liều. Trong mỗi liều tiêm cho người 0,5ml, hiệu giá kháng nguyên ngưng kết hồng cầu HA từ 1/100 đến 1/160, nồng độ chất hấp phụ Al(OH)3 là 0,5 mg + 10%, đồng thời việc pha vắcxin cũng đã đáp ứng yêu cầu cho phép về nồng độ nội độc tố và protein trên mỗi liều chủng.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, kết quả kiểm định sau các giai đoạn sản xuất độc lập 5 lô vắcxin FLUVAC cho thấy đề tài nghiên cứu có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch của vắcxin FLUVAC, nhóm nghiên cứu của IVAC Nha Trang đã tiến hành thử nghiệm trên súc vật, mỗi đối tượng thí nghiệm được tiêm 2 liều vắcxin gây miễn dịch, liều tiêm cách nhau 20 ngày, mỗi lô vắcxin tiêm cho 20 con chuột nhắt, 8 con chuột lang và 10 con gà, riêng lô đối chứng không tiêm vắcxin.
Sau liều tiêm thứ hai 10 ngày, nhóm nghiên cứu đã lấy máu của tất cả súc vật miễn dịch xác định kháng thể HA bằng phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu. Kết quả cho thấy vắcxin FLUVAC hấp phụ được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy trên trứng gà sạch có phôi đã đáp ứng miễn dịch cao trên súc vật thí nghiệm. Đáp ứng kháng thể với mức trung bình trên chuột nhắt là 76,6%, chuột lang 100% và gà là 95,6%.
Từ thành công bước đầu nêu trên, IVAC Nha Trang đã gửi mẫu vắcxin cúm A/H5N1 dùng cho người đến Trung tâm Kiểm định quốc gia và các phòng kiểm định đạt chuẩn của WHO ở nước ngoài để kiểm tra, đánh giá hiệu quả.
Dự kiến đầu năm tới, IVAC Nha Trang sẽ tiếp tục sản xuất 5.000 liều vắcxin FLUVAC để phục vụ công tác kiểm định và tổ chức thử nghiệm trên người tình nguyện khi được phép của các cơ quan chức năng.
Được biết việc sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 dùng cho người theo phương pháp nuôi cấy trên trứng gà có phôi có nhiều ưu điểm nổi bật được WHO khuyến cáo áp dụng, chi phí thấp, giá thành rẻ. Với kết quả sản xuất thử nghiệm thành công vắcxin FLUVAC, hy vọng cúm A/H5N1 sẽ được ngăn chặn hữu hiệu.
|