WHO hỗ trợ các nước đang phát triển chống bệnh dại
Ngày 9/1, theo chương trình phòng chống bệnh dại và nhiễm độc toàn cầu của WHO, WHO sẽ tăng cường kế hoạch giúp các nước đang phát triển phòng, chống bệnh dại.
Ngày 9/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố chương trình phòng chống bệnh dại và nhiễm độc toàn cầu.
Trong đó, WHO nhấn mạnh kế hoạch sản xuất thuốc nhằm cứu mạng sống và tránh nguy cơ bị tàn tật đối với hàng triệu người ở các nước đang phát triển.
Mỗi năm, trên thế giới có tới 12 triệu người bị chó, rắn và bọ cạp cắn, gây ra hàng chục nghìn trường hợp tử vong,
Theo số liệu của WHO, mỗi năm thế giới cần khoảng 8 triệu liều thuốc phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao.
Một nửa cơ số thuốc là cho những trẻ em dưới 15 tuổi và hiện nay, 99% số trường hợp tử vong vì bị bệnh dại xảy ra ở châu Phi và châu Á.
Ngoài việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc chữa, WHO sẽ hỗ trợ phân phối các sản phẩm này tới các vùng xa xôi hẻo lánh ở các nước đang phát triển, nơi bệnh nhân ít có cơ hội được chăm sóc y tế và cung cấp thuốc đầy đủ.
WHO cho biết, bệnh dại do bị chó cắn nằm trong số 10 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất do bị nhiễm độc; 100% số trường hợp bị chó dại cắn có nguy cơ bị tử vong nhưng cũng 100% có thể phòng tránh và chữa lành nếu sử dụng thuốc đặc trị đúng lúc và đầy đủ.
Mỗi năm, chỉ tính riêng tại châu Phi có khoảng 1 triệu người bị rắn cắn, trong đó có tới 20.000 người tử vong, và con số tàn phế còn cao hơn nhiều.
Trong khi đó, thuốc phòng chống bệnh dại và các bệnh nhiễm độc do bị rắn, bọ cạp cắn đã không còn được các nước phát triển sản xuất vì lợi nhuận thấp và nhu cầu không ổn định, còn sản phẩm tương tự của các nước đang phát triển lại chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng.
* Ngày 9/1/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Nghị định số 05/2007/NĐ-CP về phòng chống bệnh dại ở động vật. Nghị định này quy định về phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo và một số động vật nuôi khác dễ nhiễm bệnh dại như trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ.
Nghị định gồm 5 chương, 18 điều trong đó quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước và UBND các cấp trong phòng, chống bệnh dại; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nuôi động vật, hoạt động phòng chống dịch bệnh dại ở động vật...
Cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trong Nghị định này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 129/2005/NĐ-CP ra ngày 17/10/2005 và Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
-
(Theo TTXVN)