Phẩm màu sudan: Độc chất gây ung thư
Gần đây, thông tin về việc có hiện tượng một số mẫu trứng gia cầm nhiễm sudan khiến dư luận quan tâm. Sudan là chất nhuộm màu, có màu đỏ tươi dễ hấp dẩn người tiêu dùng nên thường được dùng để nhuộm màu cho thực phẩm. Tuy nhiên, đây lại là chất cực độc và đã bị cấm dùng ở nhiều nước....
Bác sĩ Bùi Minh Trạng có bài viết giải thích về vấn đề này đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng.
Sudan: Chất màu đỏ tươi dễ hấp dẩn người tiêu dùng
Sudan thường được quen gọi là chất nhuộm sudan, đây là một chất nhuộm màu trong công nghiệp dùng để nhuộm màu đỏ cho plastic và các chất tổng hợp khác.
Chất đỏ sudan được thế giới xếp vào nhóm chất nhuộm màu gây độc vì chúng có khả năng gây ung thư do làm tổn thương ADN của tế bào. Sudan có đến 4 loại được tìm thấy: sudan 1 đến sudan 4 (đỏ tươi).
Ở Việt Nam, sudan ít được đề cập đến nên mọi người rất lạ khi nghe thông tin về chất này. Đối với các nước thì xét nghiệm tìm sudan được làm ở một số loại thực phẩm nhập khẩu.
Ở Nam Phi, tất cả các sản phẩm bột ớt phải được xét nghiệm tìm sudan nếu có nhiễm là hủy bất chấp hàm lượng là bao nhiêu.
Chỉ cần một nhãn hiệu bị phát hiện cho sudan thì tất cả sản phẩm đó sẽ bị hủy ngay. Đầu năm nay ở Anh quốc, người tiêu dùng phải một phen lo sợ vì các sản phẩm đông lạnh đến rau cải bị phát hiện nhiễm sudan.
Hiện nay sudan được cấm dùng trong thực phẩm ở cộng đồng chung châu Âu, Úc, New Zealand. Ở Nam Phi người ta cấm dùng sudan ở cả thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc tẩy uế.
Thay cho sudan là các chất làm đỏ khác được dùng trong nước xốt, gia vị là màu đỏ củ cải đỏ, allura, azorubine, carmoisine, ponceau 4R, carminic acid. Ở Canada trên trang web của cơ quan quản lý thực phẩm người ta cập nhập một loạt các sản phẩm được tìm thấy có chứa sudan và khuyến cáo người tiêu dùng không tiêu thụ .
Sudan trong thực phẩm
Giống như trong công nghiệp người ta dùng sudan để làm cho thực phẩm có màu đỏ tươi hấp dẫn hơn và nó sẽ giữ màu cho thực phẩm lâu dài hơn.
Trong công nghiệp thì đây là chất dùng tạo màu cho dung môi, dầu (sudan dễ tan trong chất béo), sản phẩm sáp, xăng dầu, xi đánh giày và chất đánh bóng sàn nhà…
Trong thực phẩm thì sudan hay được cho vào trong bột ớt và bột cà ri để tạo cho màu sắc sặc sỡ hấp dẫn. Vì lẽ đó nên tất cả sản phẩm liên quan đến bột ớt và bột cà ri nhập khẩu từ Ấn Độ đều được kiểm tra gắt gao, nếu phát hiện có sudan dù hàm lượng nào cũng bị Cộng đồng chung châu Âu loại bỏ.
Việc phát hiện ra sudan trong lòng đỏ trứng vừa qua chưa được các tài liệu các nước ghi nhận, khó giải thích được tại sao lòng đỏ trứng bị nhiễm sudan. Có thể đặt giả thuyết là người ta bôi màu đỏ sudan lên vỏ trứng để tạo màu đẹp và từ đó nó nhiễm vào bên trong?
Theo các chuyên gia khi nhìn bằng cảm quan nếu màu sắc đỏ càng sặc sỡ, càng duy trì lâu phai thì hàm lượng chất sudan càng cao.
Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm từ bột ớt và bột cà ri nhập khẩu có màu sắc rất hấp dẫn, bắt mắt. Nên chăng các cơ quan quản lý thử tiến hành phân tích tìm xem có sự hiện diện của sudan hay không để khuyến cáo cho người tiêu dùng?
Sudan: Chất gây ung thư mạnh
Theo các tài liệu khoa học thì sudan (từ 1 đến 4) đều là những chất sinh ung thư. Sudan vào cơ thể sẽ tách các amine và tạo ra những chất gây đột biến gen tạo ra sự tăng sinh không kiểm soát của tế bào (ung thư).
Trong đó thì sudan 1 gây nên đột biến gen mạnh do tổn thương chất liệu di truyền của tế bào, điều này dẫn đến tạo thành các khối u ác tính. Dùng liều cao sudan 1 sẽ gây ra các nốt tăng sinh ở gan được xem là yếu tố tiền ung thư (thí nghiệm trên chuột), ngoài ra sudan còn gây ung thư bạch cầu cấp và ung thư hạch ở chuột thí nghiệm (một cách chắc chắn). Nhiều nghiên cứu cho thấy sudan nhạy cảm gây bệnh cả khi tiếp xúc qua da và đường thở.
Dựa trên cơ chế tác động của sudan trên tế bào, các nhà khoa học cho rằng không có giới hạn an toàn cho sudan và ước lượng nguy cơ nên một số nước đã cấm dùng hẳn chất này trong thực phẩm.
Một số nhà khoa học thì cho rằng nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo liều lượng tiêu thụ và thời gian tiếp xúc, nếu sử dụng số lượng thực phẩm có chứa sudan càng nhiều, trong thời gian dài thì nguy cơ càng cao.
-
BS Bùi Minh Trạng