,
221
2124
Sức khỏe
suckhoe
/khoahoc/suckhoe/
906804
Hãy tiêm phòng cúm trước khi H5N1 đột biến!
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,
Từ cúm đến cúm gia cầm:

Hãy tiêm phòng cúm trước khi H5N1 đột biến!

Cập nhật lúc 14:16, Chủ Nhật, 11/03/2007 (GMT+7)
,

Ban tư vấn phòng chống Cúm Châu Á - Thái Bình Dương khuyến cáo, mọi người nên tiêm phòng các bệnh cúm thông thường. Đây là việc làm cần thiết trước khi H5N1 có thời gian để đột biến. 

TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương. Ảnh: N.Huyền

Đó cũng là ý kiến của TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Viện phó Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương tại Hội thảo "Thông tin chung về bệnh cúm và chuẩn bị ứng phó dịch cúm" do Ban tư vấn phòng chống Cúm Châu Á - Thái Bình Dương (APACI) tổ chức tại Hà Nội vào hôm 9/3.

TS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết theo thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, hàng năm, Việt Nam có đến hơn 1 triệu ca bệnh cúm thông thường.

Do tỷ lệ tử vong của bệnh cúm thấp nên người dân ít khi chú ý đến bệnh này so với các bệnh khác như: lao, bại liệt, sốt rét.

Có thể chia các loại vi-rút cúm thành ba nhóm: Cúm A. cúm B và cúm C.

Trong ba nhóm cúm nói trên, chỉ có cúm A có ảnh hưởng tới nhiều loài động vật như lợn, gia cầm. Còn cúm B - chỉ tác động tới người và có thể gây ra dịch bệnh.

Thành phần của các vi-rút cúm thay đổi khi chúng thực hiện nhân bản ở người và động vật dẫn tới các chủng vi-rút mới.

Những đột biến thường xuyên và liên tục nhỏ này gọi là "biến đổi kháng nguyên một phần".

Một quá trình đáng lo ngại hơn đó là "thay đổi kháng nguyên toàn phần". Trong trường hợp này, vi-rút cúm biến đổi gien hoàn toàn và gây tổn hại nghiêm trọng cho con người khi bị nhiễm bệnh.

Trong tình hình hiện nay, việc tiêm phòng cúm thông thường là một việc làm cần thiết. Ở Việt Nam, nhu cầu tự tiêm phòng cúm đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Theo thống kê của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, nhu cầu tiêm vắc-xin cúm năm 2006 tăng gấp 4 lần so với năm 2005.

Thế nhưng cho đến nay, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương chưa sản xuất được vắc-xin cúm thông thường do còn thiếu kinh phí, điều kiện nghiên cứu. Mặt khác, Viện đang phải cùng với thế giới tập trung nghiên cứu vắc xin H5N1 đề phòng đại dịch cúm gia cầm.

Chính phủ Việt Nam có kinh phí cho trẻ em tiêm 7 loại vắc xin nhưng trong đó không có vắc xin cúm. Trong khi đó, nguy cơ nhiễm cúm đối với trẻ em dưới 10 tuổi rất cao.

Mặc dù Việt Nam chưa đủ ngân sách để chi phí tiêm vắc xin phòng chống cúm cho tất cả mọi người, nhưng người dân có nhu cầu, có thể đến các cơ sở Trung tâm y tế dự phòng tại 64 tỉnh thành, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Pasteur trong nước để tiêm phòng. Liều tiêm phòng cúm có tác dụng phòng ngừa 1 năm.

Tiêm phòng cúm-việc nên làm(Ảnh minh họa từ www.kribus.de)

Cũng tại Hội thảo trên, GS. Arnold S.Monto, ĐH Michigan đã cung cấp thêm một số thông tin về tình hình phòng cúm ở Mỹ.

Theo GS. Arnold S.Monto, hiện đã có vắc-xin cúm có tác dụng ngừa cả ba loại cúm A,B và C. Ban Tư vấn Thực hành tiêm chủng (ACIP), Mỹ khuyến cáo tất cả trẻ em dưới 5 tuổi phải tiêm vắc xin cúm.

GS. Arnold S.Monto cho rằng, nếu các nước đều thực hiện được việc tiêm phòng cúm cho mọi người thì sẽ nâng cao sức đề kháng hơn nữa của cộng đồng đối với bệnh cúm. Đồng thời, đây cũng là một biện pháp phòng vệ trước tình hình cúm gia cầm (cúm A/H5N1) đột biến gien.

Các nhà chuyên môn lo ngại, vi-rút H5N1 có thể “hoán chuyển” gien với các loại vi-rút cúm thông thường để biến thành chủng vi-rút độc tính cao và gây thành đại dịch.

Theo số liệu thống kê của Ban tư vấn ở Đông Nam Á, bệnh dịch cúm gia cầm xảy ra từ tháng 12/2003 là lớn nhất và nghiêm trọng nhất.

Phần lớn các ca bệnh ở người được ghi nhận ở Chấu Á (bao gồm Việt nam, Thái Lan, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc) và lan sang Trung Đông và Bắc Phi.

Hậu quả, tính đến ngày 1/3/2007, đã có 167 trường hợp tử vong trong số 277 ca mắc bệnh cúm gia cầm.

Mặc dù ở Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào bị lây sang người trong năm 2006-2007, nhưng Việt Nam là nước có số trường hợp tử vong ở người cao nhất, với 42 người tử vong trong tổng số 93 trường hợp mắc bệnh.

Nhiều quốc gia khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bao gồm xây dựng chiến lược quốc gia đối phó đại dịch, thao diễn để thử nghiệm khả năng đáp ứng các tình huống giả định và tích trữ thuốc kháng vi-rút.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vừa ban hành hướng dẫn sử dụng thuốc kháng vi-rút để dự phòng và điều trị lây nhiễm H5N1 ở người trong thời gian có dịch.

Ban tư vấn phòng chống Cúm Châu Á - Thái Bình Dương

Ban tư vấn phòng chống Cúm Châu Á - Thái Bình Dương (APACI) được thành lập năm 2002.

Đây là một tổ chức khu vực bao gồm các chuyên gia vi-rút học, các nhà lâm sàng học và các chuyên gia hàng đầu về sức khỏe cộng đồng ở 12 nước trên toàn Châu Á. Họ có mục đích chung là hợp tác toàn diện để cùng nhau tìm ra các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát cúm tốt hơn.

Ban tư vấn cung cấp những nhận định và chỉ dẫn thông qua các tài liệu giáo dục, các chương trình hoạt động, ấn phẩm và các thông báo khoa học.

Những thành viên của Ban tư vấn cũng đóng góp vào việc phát triển của những hoạch định mang tính chiến lược về phòng chống cúm của các nước thành viên.

Ban tư vấn vẫn đang tiếp tục cập nhật về vấn đề quản lý dịch cúm và đặc biệt nhấn mạnh vào những thiệt hại của nó tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua các hoạt động hỗ trợ Chương trình hành động Gáim sát và Phòng chống Cúm toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

  •  Ngọc Huyền
,
,