Trà sữa trân châu: không nguồn gốc, bán vẫn chạy
Tìm mỏi mắt cũng không thể thấy một vài chữ số dễ hiểu nhất cho biết ngày sản xuất, hạn sử dụng. Gói trân châu nào trông cũng ướt nhớt, mở một túi hạt trân châu, mùi bốc ra rất khó chịu, phẩm màu từ hạt trân châu thôi đỏ trên tay, rửa mãi không sạch.
Đó là loại thực phẩm hiện được kinh doanh và tiêu thụ khá mạnh tại nhiều nơi ở Hà Nội và TPHCM.
Không thể hình dung nổi cốc trà này được làm từ nguyên liệu như thế nào?-Ảnh: Hồng Vĩnh
Không rõ nguồn gốc vẫn tiêu thụ tốt
Chưa vào hè nhưng thị trường bột trà sữa trân châu ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) đã tấp nập. Khách thường mua hàng túi giá 30 – 35.000 đồng/kg hoặc cả bao tải lớn. Theo một chủ kiốt tại chợ Đồng Xuân, chỉ cần mua một túi này về có thể pha được vài chục cốc trà sữa.
Ngoài bột trà sữa còn có hạt trân châu hình viên bi nhỏ xíu được đóng thành từng gói nhỏ toàn chữ Trung Quốc với đủ màu xanh, đỏ, đen, trắng...
Tìm mỏi mắt cũng không thể thấy một vài chữ số dễ hiểu nhất cho biết ngày sản xuất, hạn sử dụng. Gói trân châu nào trông cũng ướt nhớt, mở một túi hạt trân châu, mùi thiu, ẩm mốc bốc ra rất khó chịu, phẩm màu từ hạt trân châu thôi đỏ trên tay, rửa mãi không sạch.
Một chủ quán trà sữa di động trên đường Huỳnh Tịnh Của (Q.3,TPHCM) cho biết: “Ra ngoài các sạp hàng khô, đồ đóng gói… ở chợ Bình Tây, Q.6 mua bao nhiêu cũng có. Hàng loại nào, giá nào cũng có, mua dễ như đi chợ mua… rau”.
Khi được hỏi về xuất xứ của những sản phẩm này, chị này cho biết: “Đều nhập từ Đài Loan và Trung Quốc về cả. Có bảo hành 1 tháng hẳn hoi”. Tuy nhiên, trên sản phẩm bột trái cây không hề ghi ngày sản xuất, ngoài bao chỉ có ghi hạn sử dụng 1 tháng.
“Các anh yên tâm, ở cửa hàng của tôi ngày nào cũng bán cả 50 - 100 kg nguyên liệu cho những người bán trà sữa lớn nhỏ”- Một chủ cửa hàng nói.
Nguyên liệu sữa trà được bán trong chợ Đồng Xuân- Nguồn : TPO |
Chưa xét nghiệm độc hại vì tốn kém...
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm cho biết chưa nhận được thông tin nào về trà sữa trân châu Trung Quốc.
Trong khi đó, theo GS Nguyễn Thị Dụ - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm chuyển mùa bệnh nhân ngộ độc thực phẩm bắt đầu gia tăng, trong đó không ít trường hợp do uống nước giải khát.
“Khó có thể xác định được nguyên nhân ngộ độc vì chúng tôi không có mẫu thức ăn bệnh nhân đã dùng. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp khi được hỏi đã “khai” ra từng ăn hoặc uống thực phẩm ngoài đường phố” – GS Dụ cho biết.
"Tôi chưa thể khẳng định về mặt an toàn của sản phẩm này, nhưng hẳn là mất vệ sinh nếu chúng được nhuộm phẩm màu loè loẹt, ướt nhớt và đóng trong bao gói không hề có hạn sử dụng như vậy” – GS Dụ nói.
GS Dụ còn cho biết: “Để xác định phẩm mầu trong trà sữa, hay xác định độ an toàn của bột trà sữa bán trên thị trường có an toàn không, nếu độc hại thì nguyên nhân là vì chất gì, mức độ độc hại đến đâu, cần phải có máy móc xét nghiệm. Một mẫu xét nghiệm hoá chất hay phẩm mầu thường rất đắt, từ 300.000 đồng - 500.000 đồng. Các cơ quan có loại máy móc đắt tiền này thường chỉ làm xét nghiệm theo đơn đặt hàng của các công ty hay hãng thực phẩm muốn công bố chất lượng và bán sản phẩm của họ ở thị trường Việt Nam”.
Như vậy, muốn biết loại bột trà sữa và hạt trân châu Trung Quốc bán tràn ngập ngoài thị trường có độc hại hay không, phải chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc.
Trong khi đó, các cửa hàng trà sữa trân châu mọc như nấm khắp Hà Nội và TPHCM vẫn bán rất chạy, chủ yếu cho học sinh và các cháu nhỏ.
(Theo Tiền phong)