Hàn the trong thực phẩm: Có là phát hiện được
(VietNamNet) - Nhiều bạn đọc thắc mắc, bộ thử nhanh hàn the do Viện Công nghệ Hoá học TP.HCM chế tạo có phát hiện được hàn the trong thực phẩm nếu hàm lượng quá thấp? Theo ThS. Phùng Văn Trung, chủ nhiệm đề tài, với độ nhạy ở mức tối thiểu là 50mg/kg nên bộ kít thử nhanh hàn the trong thực phẩm hoàn toàn có tác dụng khi thực phẩm thường chứa hàn the ở mức cao gấp 10 - 60 lần.
Trao đổi với phóng viên (PV) VietNamNet, ThS. Phùng Văn Trung, phòng "Hoá Công nghệ các Hợp chất Thiên nhiên" - Viện Công nghệ Hoá học TP.HCM, cho biết.
PV: Giới hạn phát hiện của bộ kít này là 50mg/kg, tuy nhiên, nếu mẫu thực phẩm có hàm lượng hàn the dưới 50mg/kg thì sao? Trong khi đó, qui định không cho phép có dư lượng hàn the trong thực phẩm...
ThS.Phùng Văn Trung: Trên thực tế, lượng hàn the cho vào trong thực phẩm rất cao. Vì hàn the có hai tác dụng: diệt khuẩn (bảo quản được lâu) và làm dai, dòn. Như vậy hàm lượng quá thấp thì không có tác dụng trên.
Hàn the là một loại hóa chất được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau như Tinhal, Borax, Bồng sa, Bàng sa, Nguyên thạch... Khi sử dụng sai mục đích và chức năng, hàn the có thể gây nôn mửa, ỉa chảy, co cứng cơ, ban đỏ da, màng niêm dịch, sốc trụy tim... Ăn nhiều có thể gây tử vong trong thời gian ngắn. Về lâu dài có thể gây khô da, rối loạn dạ dày, suy thận mãn tính, giảm sút trí tuệ thậm chí bị ung thư. Từ năm 1998, Bộ Y tế nước ta cũng đã lên tiếng cảnh báo, ngăn cấm sản xuất, kinh doanh hàn the. Trong pháp lệnh Vệ sinh An toàn Thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2003 cũng đã cấm sử dụng hàn the với bất kì hàm lượng hay cách thức nào. |
Theo một số tài liệu, hàn the có tính sát trùng và kích ứng nhẹ nên trong đông y để pha chế nước súc miệng trừ hôi miệng, viêm họng... , người ta cần một dung dịch với nồng độ hàn the 1-2%, tương đường 10.000mg- 20.000mg/kg.
Ngoài ra, một số nghiên cứu của nước ngoài cho thấy nồng độ gây chết thấp nhất của hàn the do ăn vào trực tiếp đối với trẻ em được công bố là 1.000 mg/kg, còn người lớn là 709 mg/ kg.
Trong thực tế, tại phòng thí nghiệm của chúng tôi, qua phân tích một số mẫu như giò chả, bánh cuốn... thì hàn lượng hàn the từ khoảng 500 - 3.000mg/kg. Do đó, giới hạn phát hiện của bộ kít, 50mg/kg, dưới mức thực tế sử dụng rất nhiều.
- Với bộ kit này, người gian lận có thể tận dụng bộ kit này để đánh lừa cơ quan kiểm tra, vì họ có thể sử dụng hàn the ở hàm lượng thấp hơn ngưỡng phát hiện, sau đó dùng kit thử xem có phát hiện không? nếu có thì họ sẽ giảm hàm lượng sử dụng xuống cho đến khi không phát hiện. Về vấn đề này, ý kiến của tác giả đề tài thế nào?
- Như tôi đã trả lời ở trên, người ta sử dụng hàn the cho mục đích bảo quản và làm cho dai, dòn. Nếu bỏ vào quá ít, thì không có tác dụng gì hết. Do đó, người sản xuất sẽ không bỏ hàn the vào làm gì khi không thể đạt được hai mục đích ấy.
Sau 3-4 phút kiểm tra một mẫu giò chả, giấy Curcumin đã chuyển sang màu cam đỏ. (Ảnh: H.Cát)
- Liệu trong thực tế có khi nào giấy thử vẫn chuyển sang màu cam nhưng không phải do hàn the gây nên mà do một loại hóa chất nào khác có trong thực phẩm không?
- Trong các chất chỉ thị khảo sát, giấy Curcumin cho sự chuyển màu rõ, nhanh, bền màu và dể thực hiện nên được chọn để chế tạo bộ kít. Sự chuyển màu của loại giấy này xảy ra ngay sau khi nhúng. Màu càng hiện rõ hơn sau 30 phút và vẫn còn giữ màu sau hơn 5 ngày. Trong thời gian nghiên cứu chế tạo bộ kít thử hàn the, một số hoá chất có thể cho ra dương tính giả. Do đó, chúng tôi mới chế tạo thêm dung dịch hiện màu.
Phản ứng kiểm tra hàn the trong thực phẩm là kết quả của ba chất: Giấy thử, hàn the có trong thực phẩm, dung dịch hiện màu. Trong trường hợp không phải hàn the, giấy thử đổi màu kết hợp với dung dịch hiện màu mà vẫn giữ nguyên màu thì hoàn toàn chưa gặp. Ngoại trừ có một chất gọi là ion sắt 3 (FE3+) có thể gây hiện tượng giấy Curcumin chuyển màu, dù đã qua dung dịch hiện màu. Tuy nhiên, phản ứng này cho ra một màu nâu chứ không phải màu cam đỏ như hàn the.
- Xin anh cho biết khi nào bộ kít này sẽ chính thức được bán đại trà trên thị trường?
- Năm 2006, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Trung Tâm Phát Triển Khoa Học và Công Nghệ Trẻ (Thành Đoàn TP.HCM) đã giao cho chúng tôi thực hiện đề tài "Nghiên cứu, chế tạo bộ kít phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm".
Theo mục tiêu của đề tài, chúng tôi đã sản xuất thử 50 hộp và tiếp tục sản xuất để hoàn thiện sản phẩm. Trong giai đoạn này, chúng tôi có thể cung cấp kít thử cho những người có nhu cầu. Sau khi được nghiệm thu vào ngày 9/4 vừa qua, kết hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM, chúng tôi đang nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để đăng ký tại Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm - Bộ Y tế để cung cấp đại trà theo yều của các cá nhân, đơn vị.
- Cảm ơn ThS. Phùng Văn Trung.
-
Hương Cát