Sông Nhuệ, sông Đáy có nguy cơ bị ’’khai tử’’
Năm 2007, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đề ra mục tiêu xử lý tất cả các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; khắc phục, cải tạo một số đoạn sông bị ô nhiễm nặng... Đây là nội dung được thống nhất Hội nghị liên tỉnh triển khai xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy được tổ chức vào ngày 24/4 tại Hà Nội.
Cống nước thải từ làng lụa Hà Tây (Ảnh: vacne.org.vn)
Hội nghị có sự tham dự của sáu địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Nam Định.
Cùng ’’chia sẻ’’... ô nhiễm
Chất lượng nước của 2 sông Nhuệ - Đáy đã được cảnh báo ở mức độ ô nhiễm trung bình đến ô nhiễm nặng, nặng nhất là từ Cống Thần, Đồng Quan chảy về phía Hà Nội, Hà Đông.
Theo dự báo của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, tải lượng ô nhiễm vào lưu vực sông Nhuệ từ đập Thanh Liệt sẽ tăng lên gần 16% trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010.
Ông Trần Văn Giai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định diễn giải, từ năm 1937, sau khi xây dựng xong đập Đáy, nước sông Hồng không thường xuyên chảy vào sông Đáy. Dẫn đến, 71 km của sông Nhuệ - Đáy (phần đầu nguồn sông từ km 0 đến Ba Thá) coi như là đoạn sông chết.
Theo ông Giai, hiện sông Đáy đã bị xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, phần thượng lưu và trung lưu bị ô nhiễm do nguồn nước thải ở vùng dân cư tập trung, khu công nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Hà Tây, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội.
Ông Lê Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam lại bức xúc vì Nhà máy nước Hà Nam phải đóng cửa mấy lần/năm vì nước sông Đáy quá ô nhiễm, không thể xử lý được. Trong khi đó, nước sông Nhuệ thì đen ngòm, bốc mùi tanh mà... vẫn phải dùng cho sản xuất.
Ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TNMT&NĐ) Hà Nội đưa ra con số 400.000m3/khoảng 800.000 m3 nước thải sinh hoạt mà Hà Nội ’’đổ’’ vào hệ thống sông Nhuệ - Đáy mỗi ngày.
Nguồn nước từ Hà Nội xả vào sông Nhuệ được coi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Hiện nay, lưu vực sông Nhuệ -Đáy có khoảng 130.000 cơ sở công nghiệp, trong đó có 254 cơ sở có nguồn nước thải trực tiếp vào sông, và Hà Nội cũng chiếm tới 152 cơ sở công nghiệp.
Lãnh đạo các địa phương nhận định, nguồn nước thải từ các làng nghề truyền thống ở hai bên sông, nhất là tại tỉnh Hà Tây cũng là nguồn gây ô nhiễm chính.
Qua khảo sát hiện trạng môi trường 3 loại hình sản xuất: chế biến lương thực, dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và gia công kim loại, thì các làng nghề chế biến lương thực gây ô nhiễm nặng, các làng nghề ươm tơ dệt nhuộm nước thải có độ màu rất cao (hàm lượng COD nước mặt lên tới 341 mg/l), nước thải từ các làng nghề gia công kim loại chứa hàm lượng kim loại vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2,5 đến 9 lần.
Chung tay ’’cứu’’ sông Nhuệ - Đáy
Trong phạm vi sông Nhuệ - Đáy có tới 700 nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện và sinh hoạt. Đây là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Nhuệ và sông Đáy. |
Tại Hội nghị, Hà Nội đề xuất thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy với sự tham gia của các địa phương, bộ ngành, các nhà khoa học... nhằm hoạch định và trình Chính phủ các nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy một cách cụ thể, rõ ràng.
Ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, việc bảo vệ môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là việc khó cần phải làm lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan và các địa phương liên quan.
Trong năm 2007, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - sông Đáy đề ra mục tiêu xử lý tất cả các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng; khắc phục, cải tạo một số đoạn sông bị ô nhiễm nặng; khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ nông nghiệp trong mùa khô...
Các địa phương cũng thống nhất quan điểm, việc bảo vệ môi trường nước trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là việc khó cần phải làm lâu dài và có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cơ quan và các địa phương liên quan.
Theo đó, nếu không có sự chung tay và thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ môi trường để ’’cứu’’ sông Nhuệ - Đáy thì việc ’’khai tử’’ dòng sông này là điều không tránh khỏi!
-
Kiều Minh
Ý kiến của bạn: