,
221
7941
Theo dòng thời sự
tdsk
/khoahoc/tdsk/
935960
Quản lý tàu cá nhờ công nghệ vũ trụ
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Quản lý tàu cá nhờ công nghệ vũ trụ

Cập nhật lúc 09:22, Thứ Tư, 23/05/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trung tâm Thu phát và định vị vệ tinh (Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Pháp) vừa chào bán tại Việt Nam một hệ thống định vị từ vệ tinh, cho phép quản lý vị trí của 1.000 - 1.500 tàu đánh bắt xa bờ.   

Ngày 22/5, Trung tâm Thu phát và định vị vệ tinh thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Pháp đã giới thiệu "Đề án về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong công tác quản lý tàu thuyền, giám sát vùng biển và tài nguyên biển Việt Nam" với Bộ KH-CN, Viện Công nghệ Vũ trụ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

vutri0.jpg
Hội thảo về ứng dụng công nghệ vũ trụ trong giám sát vùng biển và tài nguyên biển thu hút hàng trăm nhà khoa học (ảnh H.Y).

Ứng dụng viễn thám chưa chú ý nhiều về biển

Theo Bộ Thuỷ sản, Việt Nam hiện có khoảng 90.000 tàu cá hoạt động ở biển Đông. Ông Nguyễn Văn Chiêm (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản - Bộ Thuỷ sản), cho biết, hiện tượng thời tiết bất thường (bão, áp thấp nhiệt đới, gió lốc... ) luôn đe dọa tính mạng người đi biển. Đó là chưa kể sự cố kỹ thuật, an toàn hàng hải (mỗi tháng có 20-26 vụ tai nạn tàu cá), an ninh biển... là những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn với tàu cá. 

Chính vì vậy, Bộ Thuỷ sản vừa phê duyệt đề án Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển, với mục tiêu xây dựng một hệ thống thông tin liên lạc, đáp ứng yêu cầu thông tin tổng hợp cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển; đồng thời, các cơ quan tiếp nhận và xử lý nhanh, chính xác mọi thông tin từ tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển truyền về bờ, bằng tất cả các phương thức có thể như sóng ngắn, viba, vệ tinh...

Tuy nhiên, đề án này mới dừng ở việc đầu tư, nâng cấp các thiết bị sẵn có, ở quy mô vừa và nhỏ và làm gấp trong hai năm 2007-2008 để kịp thời phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Về lâu dài, ông Chiêm thừa nhận, cần xây dựng một hệ thống thông tin hiện đại phục vụ quản lý tàu cá và giám sát vùng biển Việt Nam, đó chính là áp dụng những thành tựu của công nghệ vũ trụ.

Trong khi đó, theo GS. Trần Mạnh Tuấn, Viện Công nghệ Vũ trụ (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam),  hạn chế trong việc sử dụng hệ thống viễn thám tại Việt Nam là chưa có nguồn cung cấp ảnh thường xuyên, do vậy, các dữ liệu không đủ để điều phối chung (điển hình là sự kiện dầu tràn ngoài biển Việt Nam đến nay vẫn chưa phát hiện ra nguyên nhân). Trong năm nay và 2008, Việt Nam mới tiến hành thành lập Uỷ ban Vũ trụ, đưa vào hoạt động trạm thu ảnh vệ tinh, phóng vệ tinh VINASAT-1...

Giám đốc Trung tâm Động lực và Môi trường biển (ĐH Quốc gia Hà Nội), GS.TS Đinh Văn Ưu, Chủ nhiệm Bộ môn Hải dương học, cũng thừa nhận, phần lớn các quan trắc viễn thám hiện nay là chỉ cung cấp các thông số của mặt biển, chưa có số liệu về lòng đại dương. 

vutri.jpg
Lãnh đạo Bộ KH-CN và các đại biểu đến từ CLS (Ảnh H.Y).

Còn về thiết bị vệ tinh, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Chương trình hợp tác Pháp Việt trong xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh (Trung tâm Viễn thám - Bộ Tài nguyên Môi trường), cho biết, các nước tiên tiến đều xây dựng đồng bộ Vệ tinh quan sát Trái đất, Trạm thu ảnh vệ tinh và Trung tâm xử lý, khai thác thông tin viễn thám cùng một lúc. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta mới có trung tâm xử lý ảnh viễn thám (năm 1980) và trạm thu, xử lý ảnh, giờ mới bắt đầt triển khai phóng vệ tinh. 

Đáng lưu ý là toàn bộ đầu tư cho ứng dụng viễn thám mới tập trung cho phần đất liền, chưa có các ứng dụng về biển.

E ngại giá cả 

Trung tâm Thu phát và Định vị Vệ tinh (CLS - Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Pháp) đã mang tới và giới thiệu tại Việt Nam đề án Movimar. Đề án này sẽ đem lại một hệ thống dữ liệu vệ tinh tổng hợp cho phép giám sát, quản lý và hỗ trợ ngành công nghiệp đánh bắt thuỷ sản ở Việt Nam, cảnh báo các tình huống khí tượng thuỷ văn, phát hiện tràn dầu và đặc biệt là giám sát, bảo vệ nguồn tài nguyên biển Việt Nam. 

Ông Christiphe Vassal, Tổng giám đốc của CLS, cho biết, ưu tiên hàng đầu của dự án này là đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển của ngư dân Việt Nam thông qua việc cung cấp một hệ thống định vị vệ tinh cho các tàu thuyền. Đó là một thiết bị nhận tín hiệu GPS, định vị 24/24 giờ, cho biết tốc độ và hướng đi của tàu. 

Thời gian đầu, theo ông Antoine Monsaingeon, Giám đốc Phát triển của CLS, đề án dự định cung cấp thiết bị này cho khoảng 1.000-1.500 tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam. Mức giá mà họ đưa ra khoảng 1.500-2.000 USD một bộ thiết bị gồm GPS, máy thu và máy phát tín hiệu).

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nhận xét, đúng là sẽ rất tuyệt vời nếu ứng dụng được công nghệ vũ trụ trong quản lý tàu cá, giám sát tài nguyên và vùng biển Việt Nam. Trở ngại lớn nhất là giá thành quá cao và các chủ tàu, ngư dân phải trả một mức phí khoảng 1 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu trang bị thiết bị của Việt Nam (máy kết nối với các đài duyên hải) chỉ 5 triệu đồng/chiếc.

Ông Christiphe Vassal giải thích, quan trọng nhất là Việt Nam xác định đơn vị nào sẽ tiếp nhận dự án này cùng với CLS chứ không phải là vấn đề nguồn vốn. Ngoài ra, cần có cơ quan điều phối đủ năng lực để tổ chức phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành liên quan như Bộ KH-CN, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài nguyên - Môi trường... Nếu dự án án này khả thi, Cơ quan Hàng không Vũ trụ quốc gia Pháp sẽ cùng phía Việt Nam đặt vấn đề với Chính phủ Pháp trong việc tìm nguồn kinh phí cho dự án.

Hiện CLS này có 6 vệ tinh, 17 hệ thống định vị và theo dõi khoảng 10.000 tàu cá hoạt động trên các vùng biển ở Đông Nam Á, Trung Quốc, Mỹ Latinh... 

Trước lo lắng của các chuyên gia khoa học Việt Nam về việc liên kết như thế nào với hệ thống giám sát tài nguyên biển đã có ở Việt Nam, ông Antoine Monsaingeon nói, khi làm đề án này, họ đã tìm hiểu kỹ hệ thống hiện có ở Việt Nam và đảm bảo không có xung đột. Hệ thống của CLS sẽ cố gắng tận dụng hệ thống thông tin, truyền tin đã có của Việt Nam. 

  • Hà Yên
,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,