Vi-rút H5N1 lại tấn công cơ thể người
(VietNamNet) - Ngày 24/5, kết quả xét nghiệm mới nhất đối với bệnh nhân PMP, 30 tuổi ngụ tại Vĩnh Phúc khẳng định, bệnh nhân này đã nhiễm vi-rút H5N1. Kết quả xét nghiệm này do Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện.
Ca đầu tiên nhiễm cúm A/H5N1 kể từ tháng 11/2005
Bệnh nhân Nguyễn Sỹ Tuân, bệnh nhân H5N1 nặng nhất được cứu sống vào tháng 3/2005 (Ảnh: H. Vĩnh)
Ngày 24/5, tin từ Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 P.M.P (30 tuổi, Vĩnh Phúc) đã được chuyển từ Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai sang điều trị tại Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân - Phó trưởng Khoa cấp cứu của Viện, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân xét nghiệm tại Viện và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hôm nay công bố đều cho thấy bệnh nhân dương tính với vi-rút H5N1.
Bác sĩ điều trị cho biết, chiều qua, bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu. Hiện nay các bác sĩ đang điều trị tràn dịch màng phổi cho bệnh nhân P. Do cơ thể bị nhiễm độc nên nhịp tim chậm và đang phải thở máy. Đây là bệnh nhân đầu tiên nhiễm vi-rút H5N1 tại Việt Nam kể từ tháng 11/2005.
Bệnh nhân P.M.P, 30 tuổi, trú tại thôn 3, đội 16, Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Cách đây khoảng một tháng, bệnh nhân P. đi đám cưới bạn và tham gia thịt gà giúp đám cưới. Sau đó hai ngày, anh P. ho, sốt cao, khó thở.
Điều trị tại nhà vài ngày không thấy đỡ, anh P. tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Vĩnh Phúc và được giữ lại điều trị tại đây vài ngày, sau đó vì bệnh tình nặng hơn đã chuyển lên khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai rồi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực.
Còn nhiều ổ vi-rút H5N1 tiềm ẩn trong môi trường...
Vào chiều 23/5, ông Phùng Minh Chiến - Chủ tịch UBND xã Thạch Đà (Mê Linh, Vĩnh Phúc) cho biết sau khi nhận được thông báo chính thức từ Bệnh viện Bạch Mai, cho hay kết quả xét nghiệm lần 1 của anh P.M.P thường trú tại xã nhiễm vi-rút cúm A/H5N1, xã đã tiến hành phun hoá chất khử độc môi trường. 61 người có tiếp xúc với bệnh nhân đã được khám, uống thuốc Tamiflu dự phòng và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Theo ông Chiến, xã Thạch Đà không phải là điểm chăn nuôi gia cầm. Gà mà P. thịt trong đám cưới được mua từ xã bên cạnh.
Liên quan đến việc này, bác sĩ Hồng Hà (Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia) cho biết thêm, cháu gái anh P., 16 tuổi cũng bị sốt, gia đình đưa ngay cháu xuống Viện để điều trị. Kết quả xét nghiệm cháu không nhiễm vi-rút cúm A/H5N1.
Đến chiều 22/5, cháu gái này đã bình phục và được xuất viện. Các bác sĩ điều trị cho biết thêm sức khoẻ của bệnh nhân P. khá hơn so với 2 ngày trước rất nhiều. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, ăn được thức ăn lỏng như nước cháo, uống sữa...
Như vậy, đã hơn 1 năm qua cúm A/H5N1 không xuất hiện trên người. Ngay cả mùa đông, thời điểm vi-rút cúm dễ bùng phát cũng không có trường hợp nào mắc phải. Thời điểm này, khi mùa hè bắt đầu cúm A/H5N1 lại có dấu hiệu tái phát.
Giải thích vấn đề trên, PGS.TS Phạm Ngọc Đính – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cúm H5N1 trên người có mối liên quan mật thiết với cúm gia cầm trên gà, vịt... Việc xuất hiện dịch cúm trên gia cầm vào thời điểm nắng nóng hiện nay là khác hẳn với mọi năm nhưng có thể giải thích là do trong môi trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều ổ vi-rút, và vi-rút từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam.
-
Khánh Chi