Hà Nội: Nhiều điểm nóng ô nhiễm không khí
(VietNamNet)- Cầu vượt để giải tỏa ách tắc thì lại ách tắc và phát thải lượng NO2 và SO2 cao hơn 60 microgam/m3; vườn hoa công viên đẹp nhất Thủ đô lại là nơi ô nhiễm nhất trong 8 khu vực nội thành, cả người dân và nhà máy đều dùng than - dù biết chúng phát thải ra lượng lưu huỳnh độc hại khổng lồ...
Mật độ xe máy, tô tô dày đặc phát thải ra lượng khí NO2 và SO2 lớn!
Những thông tin trên vừa được ghi nhận trong chuyến đi thực địa một số ’’điểm nóng’’ về ô nhiễm không khí (ÔNKK) tại Hà Nội sáng 5/6 của các nhà báo môi trường cùng với các chuyên gia Chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ tổ chức, hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới.
Chỗ đẹp nhất Hà Nội "không ngờ" là chỗ ô nhiễm nhất!
’’Điểm nóng’’ về ÔNKK do giao thông và các hoạt động xây dựng được chọn làm ’’điển hình’’ là khu cầu vượt Đại La - đường Giải Phóng. Mật độ xe cộ ở đây rất cao, nhưng theo cư dân ở đây cho biết thì vẫn thường xảy ra tắc đường (dù cầu vượt được xây dựng để ’’cứu cánh’’ cho ách tắc giao thông).
Xe cộ đông và hiện tượng tắc đường tạo ra lượng khí thải rất cao, đặc biệt là chất khí NO2 (điôxit nitơ) được sản sinh ra từ phát thải của ô tô con, xe máy và chất khí SO2 (điôxit lưu huỳnh) phát thải chủ yếu từ xe buýt và xe tải (2 loại phương tiện có sử dụng dầu diezel có lưu huỳnh).
GS. Phạm Duy Hiển, cán bộ Chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ.
GS. Phạm Duy Hiển cho biết, theo kết quả quan trắc tại khu vực này thì 2 loại chất khí nêu trên phát thải cao, trên 60 microgam/m3. Trong khi đó, ở khu vực Tây Hồ, lượng khí này chỉ phát thải khoảng 25 microgam/m3.
Ngoài giao thông, mật độ xây dựng ’’ngày cũng như đêm’’ của Hà Nội là tác nhân nghiêm trọng thải ra lượng bụi PM10 lớn (gồm bụi đất do xe cộ tốc lên từ mặt đường, bụi do đốt nhiên liệu thải ra, hoặc do khí axit ngưng đọng lại trên bề mặt của chúng, bụi từ biển có chứ muối...).
GS. Hiển nhận định, người Hà Nội có thói quen làm nhà ra cạnh đường, lợi về kinh tế đến đâu không biết nhưng hàng ngày hàng giờ hít thở một lượng bụi từ giao thông, bụi từ xây dựng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với người già và trẻ em.
Tới ’’điểm nóng’’ điển hình về ÔNKK bên cạnh khu công nghiệp, phố Hạ Đình- nơi mà trước đây người Hà Nội quen gọi là khu Cao Xà Lá (cao su, xà phòng và thuốc lá - PV) bởi chỉ cần đi dọc con đường Nguyễn Trãi thì có thể lần lượt ’’ngửi’’ ngay thấy 3 mùi đặc trưng này ’’bốc’’ nồng khắp đường phố. Đây chính là nơi ’’tiêu thụ’’ lượng than khổng lồ cho sản xuất (than sản ra khí lưu huỳnh gây ô nhiễm - PV).
Tại số nhà 55 phố Hạ Đình, nơi được đặt hệ thống quan trắc không khí đã cho kết quả: lượng SO2 cao nhất trong 100 điểm nóng về ÔNKK bên cạnh khu công nghiệp của Hà Nội (91 microgam/m3). Trong khi đó, so sánh với khu Tây Hồ thì lượng khí SO2 chỉ phát thải khoảng 20 microgam/m3 và các khu vực nông thôn là 10-15 microgam/m3.
Khi hỏi một người dân sống lâu năm trên phố Hạ Đình, ông Nguyễn Văn Quý cho biết, khu vực này ô nhiễm đã lâu, xung quanh là Công ty Giày Hạ Đình, Nhà máy Phích nước Rạng Đông và Công ty May 40... nên lượng ô tô chở hàng đi lại nhiều, ’’bụi kinh khủng!’’
Còn ở khu vực vườn hoa Hàng Đậu, điểm đầu của khu phố cổ, nơi đặt trạm quan trắc đại diện cho ’’điểm nóng’’ ÔNKK khu phố cổ, kết quả thu được theo các chuyên gia của Chương trình Không khí sạch Việt Nam - Thụy Sỹ thì cũng đáng... kinh ngạc: lượng NO2 (điôxit nitơ) trên 75microgam/m3.
Vườn hoa Hàng Đậu đẹp là thế, nhưng lại là khu vực ô nhiễm nhất trong 8 khu vực nội thành. |
Đây là một trong những khu vực được coi là đẹp nhất Hà Nội với đường rợp bóng cây và vườn hoa công viên trong lành, thoáng đãng lại ’’cho’’ một kết quả ÔNKK được đánh giá là cao nhất trong 8 khu vực nội thành Hà Nội.
Đứng quan sát khu vực điểm đầu khu phố cổ này thấy có 3 điểm nổi bật: mật độ dân đông, xe máy nhiều (kể cả dận bản địa và dân các chỗ khác đến thông thương) và đường phố chật chội. Đây cũng là 3 đặc điểm điển hình gây ÔNKK cho Hà Nội, sự chật chội và đông đúc khiến cho không khí không phát tán được trong khi lượng phát thải lại quá cao.
Không khí Hà Nội - bài toán vẫn đang chờ lời giải
Tác hại của các chất gây ô nhiễm không khí |
Khí NOx (các oxit nitơ): Với nồng độ từ 5 phần triệu đến 20 phần triệu trong không khí, NO2 có thể gây tác động xấu đến phổi, tim, gan. Ở nồng độ cao, 1% trong không khí, NO2 có thể gây chết người trong vài phút. NO2 cũng góp phần gây bệnh hen, ung thư phổi và hỏng khí quản. Khí SO2 (lưuhuỳnh dioxit): có thể kết hợp với hơi nước trong không khí để tạo thành H2SO4 và xâm nhập vào máu khi hít thở. SO2 làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin. Trong máu, SO2 còn gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+(kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu, làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở. Khí CO (cacbonoxit): Khi hít phải, CO sẽ đi vào máu, chúng phản ứng với Hemoglobin (có trong hồng cầu) khiến cho cơ thể bị ngạt do máu không tải được ô xy. Khi hít phải CO2, sẽ bị đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Ở liều lượng lớn hơn, người hít phải CO bất tỉnh hoặc chết ngạt rất nhanh. Khi bị ôxy hoá, CO biến thành khí cacbonic (CO2). Khí CO2 cũng gây ngạt nhưng không độc bằng CO. (Theo tư liệu Bộ Tài nguyên-Môi trường) |
Thực trạng ÔNKK chung của Hà Nội hiện nay được TS. bác sỹ Nguyễn Duy Bảo, Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường nhận định, chưa bao giờ Hà Nội lại ÔNKK nghiêm trọng như hiện nay với lượng phát thải từ hơn 100.000 chiếc ô tô, gần 2 triệu xe máy, hơn 400 cơ sở công nghiệp trong đó có gần 200 cơ sở có khả năng gây ÔNKK.
Từ những nguồn ô nhiễm này, mỗi năm, bầu không khí tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.
Theo dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại nói trên tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7-9 lần, riêng chất hữu cơ sẽ bay vượt ngưỡng 33 lần.
Đã có rất nhiều khuyến nghị như: giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng; Tổ chức kiểm tra, giám định các phương tiện giao thông về khí thải; sử dụng xăng có hàm lượng sulfuro và benzen thấp; tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng và sự tham gia tích cực của cộng đồng vào các hoạt động giữ vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp...
Tuy nhiên, thực tế vẫn thấy là, ngay cả phương tiện công cộng (xe buýt) cũng là nguồn phát thải SO2 rất lớn; hay trong kết quả cuộc "Khám" xe máy để đo ô nhiễm môi trường mới đây của UBND TP. Hà Nội phối hợp với Chương trình Không khí sạch công bố, có tới 59% số xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải.
Hay, ngay trong cuộc thị sát các ’’điểm nóng’’ về ÔNKK vào sáng 5/6 cũng cho thấy, việc nhận thức của người dân về ÔNKK cũng chưa phải là cao. Ngay cả ông Quý, sống lâu năm trên phố ’’Cao Xà Lá’’ - người rất hiểu về tác hại của ÔNKK từ việc sử dụng than của các nhà máy xung quanh khu dân cư - thì gia đình ông cũng đang sử dụng tới... 4 cái bếp than tổ ong phục vụ cho việc kiếm sống.
Hỏi ông Quý có biết độc hại từ đun than không, ông trả lời: ’’Cả nhà máy và dân đều dùng than, chúng tôi sống chung với môi trường ô nhiễm quen rồi. Dù các nhà máy công ty đã cải thiện nhiều khi dân yêu cầu nhưng thực tế vẫn chưa thấy có cách gì hiệu quả. Báo đài đến đây nói đi nói lại nhiều nhưng đâu vẫn vào đó thôi!’’
Giải quyết ÔNKK ở Hà Nội vẫn còn ’’chờ’’ lời giải thiết thực và hiệu quả hơn!
-
Kiều Minh
TIN LIÊN QUAN:
Hà Nội: 59% số xe máy không đạt tiêu chuẩn khí thải
Hà Nội: Triển lãm ảnh về ô nhiễm không khí
Hà Nội: Khu Pháp Vân ô nhiễm cao nhất
Ô nhiễm không khí: Sống lâu ở Hà Nội, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao