Nam Phi: đồng loạt cắt bao quy đầu để chống HIV/AIDS!
Một hội nghị phòng chống AIDS ở Nam Phi diễn ra vào tuần qua đã kêu gọi thực hiện cắt bao quy đầu hàng loạt sau khi có những nghiên cứu cho rằng như thế sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV lên tới 60%.
Nam Phi, quốc gia có số người bị nhiễm HIV nhiều nhất thế giới (5,5 triệu, chiếm 10,8 % dân số) đã tìm ra một giải pháp: cắt bao quy đầu đồng loạt. Đây là giải pháp được tổ chức phòng chống AIDS Nam Phi đưa ra.
Theo giáo sư Alan Whiteside, Giám đốc Ban nghiên cứu HIV/AIDS và kinh tế học y tế (HEARD) ở Trường Đại học KwaZulu-Natal, tất cả các cậu bé được sinh ra ở bệnh viện cộng đồng nên được cắt bao quy đầu trừ khi bố mẹ chúng phản đối, đồng thời nam giới trưởng thành muốn được phẫu thuật cũng nên được ủng hộ bằng những chương trình trợ giúp y tế.
Neil Martinson, trợ lý giám đốc Ban nghiên cứu HIV tiền sinh ở Trường Đại học Witwatersrand ở Johannesburg cho rằng có nhiều minh chứng cho thấy cắt bao quy đầu hiệu quả gần như một loại vắc xin.
Martinson cho biết cắt bao quy đầu đã phổ biến ở nhiều cộng đồng Nam Phi và nhiều nam giới lẫn nữ giới đều ủng hộ điều đó.
Tuy nhiên, một số người phê bình rằng cắt bao quy đầu đồng loạt không giải quyết những vấn đề cốt lõi, không có ích đối với phụ nữ, không ngăn cản được hiện tượng quan hệ với nhiều bạn tình, và thậm chí lại thúc đẩy nam nữ có những hành vi mạo hiểm vì nghĩ rằng cắt bao quy đầu đã giúp họ miễn dịch và không cần sử dụng bao cao su.
Thế nhưng, theo ông Martinson, nghiên cứu cho thấy điều ngược lại. Những người đàn ông bị cắt bao quy đầu không còn “đi vòng vo đây đó” và “ngủ lang chạ” nữa.
Một số người sợ rằng cắt bao quy đầu sẽ dẫn tới những hành vi mạo hiểm (ảnh: BBC)
Các nghiên cứu được thực hiện năm ngoái đã công bố kết quả là cắt bao quy đầu ở nam giới làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV lên tới 60%.
Timothy Quinlan, Giám đốc ban nghiên cứu HEARD cho rằng con số này chưa đủ xứng đáng để bỏ tiền thực hiện một chương trình cắt bao quy đầu đồng loạt. Theo ông, các nhà khoa học mong đợi một con số cao hơn 50 hay 60 % để thực hiện một chương trình như vậy. Điều đó có thể chấp nhận nếu nó chỉ là sự lựa chọn tự nguyện của người dân, còn ngân quỹ nên được để dành để thực hiện những biện pháp phòng chống HIV khác hiệu quả hơn.
Quan điểm của Whiteside là vẫn thực hiện cắt bao quy đầu nhưng điều cần tập trung hiện nay là làm sao để làm được điều đó có hiệu quả. Ông nói: “Chúng ta cần sự thông tri và sự ủng hộ tích cực được thông báo rõ ràng”.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) vừa mới công bố những nguyên tắc chỉ đạo nhằm khuyến khích thực hiện cắt bao quy đầu như một biện pháp phòng chống tiềm năng, nhấn mạnh yêu cầu phẫu thuật phải được thực hiện bởi những cán bộ y tế được đào tạo quy củ, với những thoả thuận phẫu thuật thích hợp và đây chỉ như một phận cấu thành của một chiến dịch phòng chống HIV rộng rãi hơn.
Ngày khai mạc hội nghị được đánh dấu bằng những nhận xét tích cực của một số người phát biểu về những tiến bộ ở Nam Phi trong cuộc đấu phòng chống HIV/AIDS ở Nam Phi.
Chẳng hạn, Bác sỹ Peter Piot, Trưởng ban chương trình Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đánh giá cao những tiến bộ nổi bật của đất nước này trong phép trị liệu chống lây nhiễm virút và kế hoạch chiến lược quốc gia của nó. Ông nói rằng nếu kế hoạch này thành công, Nam Phi sẽ là nước đi đầu trong phương pháp mới phòng chống AIDS ở Châu Phi.
Tuy vậy, ông và một số người khác nhấn mạnh rằng công việc thực sự chỉ mới là bước khởi đầu.
Nhiều cơ sở ủng hộ cho kế hoạch cắt bao quy đầu cho nam giới nhằm giúp các nước châu Phi ngăn chặn đại dịch AIDS xuất phát từ hai cuộc nghiên cứu được thực hiện ngẫu nhiên trên quy mô lớn ở vùng Nam sa mạc Sahara Châu Phi và Uganda được công bố trên tờ Lancet. Những nghiên cứu này cho thấy cắt bao quy đầu ở nam giới làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV lên tới 60%.
Các nghiên cứu về thực trạng bệnh trước đây không được thực hiện bằng phương pháp ngẫu nhiên đã chỉ ra rằng những người đàn ông không được cắt bao quy đầu có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn sau khi giao hợp bởi vì bao quy đầu có chứa những mô mềm không sừng hoá và các tế bào dễ bị virut tấn công.
Tóm lại, khi mà việc cắt bao quy đầu tăng khả năng phòng chống HIV/AIDS ở nam giới thì đây là việc nên được khuyến khích nhưng bên cạnh đó cần phải có nhiều biện pháp phòng chống khác để công cuộc phòng chống đại dịch này thực sự đạt hiệu quả cao nhất.
-
Hằng Minh (Theo Medical News Today, Softpedia News, AIDS Map, BBC)