,
221
7941
Theo dòng thời sự
tdsk
/khoahoc/tdsk/
946406
Châu Á: "Nóng" vì an toàn vệ sinh thực phẩm
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Châu Á: 'Nóng' vì an toàn vệ sinh thực phẩm

Cập nhật lúc 10:33, Thứ Hai, 18/06/2007 (GMT+7)
,

Trong khi một số mặt hàng nhập khẩu độc hại từ Trung Quốc đang gây sốc tại nhiều nước phương Tây, thì vấn đề an toàn thực phẩm đang trở nên nóng bỏng tại nhiều nước châu Á, nơi mà việc thực thi pháp luật còn lỏng lẻo và những trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm không còn là chuyện bất thường.

 Vệ sinh và an toàn thực phẩm đang là một vấn đề nóng bỏng tại nhiều nước châu Á. (Ảnh: www.pekinghaus.de)
Thời tiết nóng, thiếu hệ thống trữ lạnh và nhu cầu cao đối với thức ăn đường phố rẻ tiền là những yếu tố khiến nhiều người bán hàng và nhà sản xuất ở châu Á tìm ra những cách ít tốn kém – và thường là nguy hiểm – để bảo quản thực phẩm.

Nhìn chung hàng xuất khẩu thường là hàng có chất lượng tốt, vì các doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định nếu họ muốn bán được hàng. Nhưng trong thị trường nội địa, hàng kém chất lượng và hàng giả vẫn nhan nhản khắp nơi, trong đó có cả những sản phẩm  xuất khẩu  không đạt tiêu chuẩn.

Chẳng hạn như Formaldehyde, một chất từ lâu được dùng để kéo dài thời hạn sử dụng của bánh hủ tiếu, bánh phở… ở một số nước châu Á, dù nhiều người biết rằng chất này có thể gây những thương tổn cho gan, thận và thần kinh. Chất này, được tìm thấy vài năm trước đây ở 7 trong số 10 cơ sở sản xuất bán phở ở Hà Nội.

Hàng triệu người đang ăn nhiều loại thực phẩm ở những sạp hàng, gánh hàng không bảo đảm vệ sinh. (Ảnh: www.learnnc.org và www.semyan.com)
Borax, một hóa chất được dùng trong sản xuất công nghiệp, cũng được sử dụng rất thường trong bảo quản cá và thịt ở Indonesia và những nước khác. Nông dân tại niều nước châu Á thường bảo quản các loại nông sản bằng những loại thuốc trừ sâu bị cấm, chẳng hạn như DDT. Ông Gerald Moy, chuyên gia an toàn thực phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Geneva, phát biểu: “Nhiều người đã làm như thế nhằm để kiếm tiền, đồng thời, nếu họ quá ngu dốt và tham lam thì đó là một sự kết hợp rất tệ hại. Đó là một hành động rồ dại”.

Chất lượng thực phẩm châu Á đang được kiểm tra rất nghiêm ngặt sau khi một số chất độc hại được khám phá trong một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Gluten lúa mì nhiễm hóa chất công nghiệp melamine xuất khẩu từ nước này bị cáo buộc đã gây ra cái chết hoặc bệnh tật cho hàng ngàn con chó và mèo ở Bắc Mỹ.

Nhiều cơ sở sản xuất bảo quản bánh phở bằng formaldehyde, một hóa chất dùng để ướp xác. (Ảnh: www.chew.hu.com)
Cá có chứa chất độc tương tự như trong cá nóc, lươn đông lạnh bị tẩm hóa chất cấm, và nước trái cây ép có pha phẩm màu công nghiệp là những thí dụ trong số rất nhiều sản phẩm độc hại xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian qua.

Diethylene glycol, một hóa chất công nghiệp có vị ngọt, đã được nhập khẩu vào Trung Quốc và được trộn vào trong thuốc ho dạng si-rô và các dược phẩm khác. Chất này bị cho là nguyên nhân gây tử vong cho ít nhất 51 người ở Panama. 

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã ngưng nhập khẩu tất cả các loại kem đánh răng do Trung Quốc sản xuất để giám định, sau khi có các báo cáo về việc diethylene glycol cũng được phát hiện trong kem đánh răng đang được tiêu thụ ở Úc, Dominican và Panama.

Vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ đáng báo động đối với Trung Quốc. Ngoài nước này, ở những nước khác, kem và kẹo có chứa thuốc nhuộm công nghiệp được dùng trong ngành may mặc đã được phát hiện tại những hàng quán trước cổng trường, và nông dân đã ngâm trái cây trong thuốc diệt cỏ – để làm chúng bóng láng – một ngày trước khi mang hàng ra chợ.

Nhiều người đã ngâm trái cây vào chất diệt cỏ để làm cho chúng bóng láng trước khi mang ra chợ bán. (Ảnh: www.healthier.harvest.com)
Tại Ấn Độ, thuốc trừ sâu đã làm cho mạch nước ngầm và nông sản bị nhiễm độc. Hai hãng nước giải khát Coca Cola và Pepsi đang tranh chấp với một nhóm hoạt động môi trường ở Ấn Độ về việc nhóm này cho rằng họ đã phát hiện hàm lượng thuốc trừ sâu ở mức không thể chấp nhận được trong sản phẩm của 2 hãng này.

Thức ăn đường phố cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Hàng triệu người đang ăn mọi thức ăn từ gà nướng cho đến cháo ở những sạp hàng, gánh hàng không bảo đảm vệ sinh. Những chất bảo quản không an toàn được bỏ vào trong thực phẩm và người bán thường sử dụng dầu ăn và nguyên liệu thuộc loại rẻ mạt.

Nhưng những thức ăn đó lại được chế biến rất ngon miệng, nóng sốt và rẻ tiền – những yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng – bất chấp những mối lo ngại về sức khỏe tại những nước mà nhiều người dân đang sống chỉ với 2 USD một ngày.

Ông Alex Hillebrand, cố vấn an toàn thực phẩm và hóa chất của Văn phòng khu vực New Delhi của WHO, nói: “Mong muốn có được chất lượng thực phẩm cao là một điều xa xỉ đối với những người dân nghèo khổ”. Theo WHO, một số nước, như Thái Lan, đang cố gắng cải thiện an toàn thực phẩm trong nước. Tại thủ đô Bangkok nhộn nhịp – nơi mà người ta có thể nhìn thấy những cái nồi và chảo sôi sùng sục tại những bếp ăn dã chiến “mọc lên” ngay trên lề đường – các chợ đã được trang bị những phương tiện thử nghiệm có khả năng phát hiện đến 22 chất độc hại.

Không ai có thể đánh giá được qui mô của tình trạng thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại ở châu Á cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe cộng đồng.

Nhiều loại thực phẩm tươi sống, như cá, được bảo quản bằng những hóa chất rẻ tiền nhưng rất độc hại đối với sức khỏe con người. (Ảnh: AP)

Ông Peter Sousa Hoejskov, chuyên gia về chất lượng và an toàn thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc ở Thái Lan, phát biểu: “Có thể là bạn chỉ ăn một món nào đó hôm nay, nhưng bạn không thể thấy được bất cứ ảnh hưởng nào của nó trong 10 năm sau. Một số thực phẩm gây ra những tác hại về lâu dài đối với sức khỏe, và cũng có những thực phẩm gây ra những hậu quả tức thời”.

Trung Quốc đã phải đối mặt với sự phẫn nộ của dân chúng trong những năm gần đây. Rượu Whiskey có chứa methanol bị xem là nguyên nhân gây ra cái chết cho ít nhất 11 người ở tỉnh Guangzhou. Ở Thượng Hải, báo chí địa phương đã phanh phui việc sản xuất đậu hũ giả từ thạch cao, vôi màu và tinh bột.

Gần đây, ít nhất có hàng chục em bé Trung Quốc đã tử vong và hơn 200 trẻ em khác ngã bệnh với những triệu chứng suy dinh dưỡng sau khi sử dụng những thức uống có rất ít chất bổ dưỡng cần thiết. Trong một trường hợp khác, mỡ heo bị phát hiện có chứa chất bẩn, thuốc trừ sâu và dầu công nghiệp tái sinh.

Tại Việt Nam, những tin tức dồn dập về việc thực phẩm Trung Quốc có chứa chất độc hại đã gây chấn động trong dư luận, khiến nhiều người đã phải thay đổi tập quán ăn uống. Họ đã tránh dùng những thực phẩm rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất, cũng như chấp nhận giá cao (lên đến 2 USD) để ăn phở tại những nhà hàng máy lạnh mà họ nghĩ rằng bánh phở ở đó không có chứa formaldehyde hay borax.

Hãng tin AP dẫn lời một phụ nữ Việt Nam – chị Dương Thúy Quỳnh, 31 tuổi – cho biết chị đang chuyển sang ăn phở bò bởi vì lo ngại trước bệnh cúm gia cầm ở gà. Chị nói: “Tôi rất lo, rất sợ về bệnh cúm gia cầm. Tôi sẵn sàng tốn thêm tiền để bảo vệ bản thân tôi và gia đình tôi”.

Nhưng hãng tin AP cũng nêu ra một ví dụ ngược lại – đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Ninh. Theo AP, anh Ninh biết bánh phở có thể chứa formaldehyde, nhưng nỗi lo về việc đang nhai một món ăn có chứa chất được dùng để ướp tử thi chưa đủ mạnh để làm anh phải ghê sợ.

Anh Ninh nói với phóng viên AP như sau: “Tôi nghĩ rằng nếu mình không tận mắt nhìn thấy người ta bỏ những hóa chất đó vào trong thực phẩm, thì mình cứ việc cho là không có chúng trong thực phẩm. Tại sao lại phải lo lắng về điều đó?”. Theo AP, anh Ninh đã nói như thế khi anh đang ăn phở bình dân với giá 5.000 đồng/tô trên một lề đường đông đúc ở Hà Nội!

  • Quang Thịnh (Theo AP, Malaysia Sun)

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,