6/2008, sử dụng vắc-xin gia cầm do Việt Nam sản xuất
(VietNamNet) - Theo Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, dự kiến đến khoảng 6/2008, vắc- xin tiêm phòng cho gia cầm do Việt Nam sản xuất có thể tham gia một phần trong Dự án tiêm phòng cúm gia cầm 2007-2008...
>>Dịch cúm gia cầm: Dừng tiêm văc-xin để chống lãng phí?
Việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin cho gia cầm do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học công nghệ và Viện Thú y phối hợp thực hiện.
Tiêm phòng cho gia cầm tại Lào Cai (ảnh laocai.gov.vn)
TS. Tô Long Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y TƯ, cho biết, đến nay, các nhà khoa học đã hoàn thành bước đầu tiên là tạo ra được sản phẩm từ giống vi-rút nhận của nước ngoài.
Cục Thú y cũng ưu tiên tiến hành thí nghiệm công cường độc bằng các chủng vi-rút của Việt Nam trên gia cầm được tiêm loại vắc-xin này. Từ đó, cho kết luận chính xác về tính tương đồng giữa chủng vi-rút vắc-xin với các chủng vi-rút mới phân lập từ thực địa.
Dựa trên kết quả thu được và các yếu tố khác liên quan đến giống vi-rút vắc-xin, Cục Thú y sẽ cho phép thử nghiệm trên diện hẹp, sau đó là diện rộng.
Ông Thành cho rằng, để có thể sử dụng cho đàn gia cầm trong nước, nếu mọi việc suôn sẻ thì khoảng tháng 6/ 2008, văc- xin do Việt Nam sản xuất có thể tham gia một phần nhỏ trong Dự án tiêm phòng cúm gia cầm 2007-2008. Ông lý giải, cần đặc biệt tôn trọng thời gian sinh học cần thiết và những biến động sinh học có thể xảy ra đối với chủng vi-rút vắc-xin, như theo dõi gia cầm sau khi được gây miễn dịch và được công cường độc, theo dõi khi thử nghiệm ngoài thực địa...
Cục Thú y cũng đã làm việc với Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc ( FAO) về việc nâng cấp phân xưởng sản xuất vắc-xin phòng cúm gia cầm.
Việt Nam đang phải chi hàng trăm tỷ đồng/năm để nhập khẩu vắc-xin H5N1 và H5N2 (phần lớn từ Trung Quốc) và H5N9 (từ Italy) để tiêm phòng cho gia cầm. Kế hoạch 2007-2008, Việt Nam nhập khoảng 500 triệu liều. Song mới giữa năm nay, các địa phương đã sử dụng gần hết số lượng vắc-xin của năm, phải nhập thêm 200 triệu liều nữa do việc nuôi mới thuỷ cầm tăng đột biến.
"Việc thiếu vắc-xin đơn giản là do chúng ta đang duy trì một ngành chăn nuôi mà phần lớn gia cầm không được kiểm soát, các cơ sở không thống kê được chính xác số lượng gia cầm hiện có. Con số thống kê chỉ hiện ra một cách tương đối chính xác khi chúng ta tiêm phòng gia cầm. Hiện tượng xin vắc-xin bổ sung là phổ biến đối với hầu hết các tỉnh", ông Thành nói.
Theo ông Thành, việc mua thêm vắc-xin của Việt Nam cũng đã gây khó khăn cho nhà sản xuất vì phía Trung Quốc cũng chỉ làm theo kế hoạch đã nêu trong hợp đồng trước đây.
-
H.Yên