Hiến, nhận giác mạc: Đem lại ánh sáng cho người mù
(VietNamNet) - Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc, trong đó có 100.000 người mù cả hai mắt. Những người này chỉ có thể nhìn lại được nếu họ được ghép giác mạc. Tuy nhiên, nguồn giác mạc thu nhận để ghép cho bệnh nhân rất hạn chế.
Nơi lưu giữ giác mạc tại Ngân hàng Mắt. Ảnh: L.Hà |
- Thưa bác sĩ, hiện nay nhu cầu ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương như thế nào?
- Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Mắt Trung ương, thời điểm này đã có hơn 500 người đăng ký để được ghép giác mạc. Đây là những người đến khám và đăng ký tại viện còn trên thực tế số người có nhu cầu còn cao hơn. Tuy nhiên, số giác mạc có được rất ít.
Hàng năm, ORBIS - một tổ chức quốc tế về phòng chống mù lòa đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Ngân hàng Mắt, mỗi năm cam kết hỗ trợ 100 chiếc giác mạc. Thế nhưng, trên thực tế viện chỉ nhận được 2/3. Như năm 2005 được 65 chiếc; năm 2006 được 87 chiếc và từ đầu năm 2007 đến nay được 44 chiếc. Lý do là vì ngay cả các ngân hàng mắt ở nước ngoài cũng không có đủ nguồn giác mạc để cung cấp cho chúng ta. Nguồn giác mạc trong nước rất hiếm. Đến nay, Bệnh viện Mắt Trung ương mới nhận được 4 giác mạc từ hai người hiến trong nước.
- Những trường hợp như thế nào thì được chỉ định ghép giác mạc?
- Tổn thương trên giác mạc có thể xảy ra với bất kỳ ai và ở mọi lứa tuổi. Người bệnh được chỉ định ghép giác mạc khi giác mạc không còn tính trong suốt. Nguyên nhân của việc hỏng giác mạc có thể do sẹo giác mạc (là hậu quả của viêm loét giác mạc, loét giác mạc, bỏng mắt, sau chấn thương); các bệnh bẩm sinh và có tính gia đình như giác mạc hình chóp, loạn dưỡng giác mạc; đục giác mạc do biến chứng của phẫu thuật (như sau mổ thể thuỷ tinh).
Mắt có bệnh lý ở giác mạc chỉ ghép được khi các bộ phận khác (dịch kính, võng mạc,…) còn bình thường.
- Giác mạc để ghép được lấy từ đâu?
- Giác mạc dùng để thay thế cho bệnh nhân được lấy từ những người tình nguyện hiến tặng mắt sau khi họ qua đời. Ngân hàng Mắt sẽ thu nhận, bảo quản giác mạc trước khi phân phối cho người bệnh cần ghép. Đồng thời, Ngân hàng Mắt cũng sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để bảo đảm an toàn cho người được ghép (xét nghiệm HIV, viêm gan...).
Đến thời điểm này, Bệnh viện mắt TƯ đã nhận được đơn tình nguyện hiến giác mạc của 10 người . Đây là con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Nguồn giác mạc còn hiếm nên người bệnh chờ ghép có thể nhận được giác mạc để ghép chính từ những người thân trong gia đình, họ hàng không may qua đời.
Hiện nay, ngoài nguồn giác mạc do tổ chức ORBIS tài trợ, nguồn giác mạc trong nước có thể sử dụng là nguồn từ những người bị chấn thương. Mắt bị chấn thương, phải bỏ nhãn cầu nhưng giác mạc vẫn còn tốt thì sẽ được lấy để ghép cho những người có bệnh giác mạc.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: L.Hà. |
- Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc khi qua đời. Những người cao tuổi, người kém thị lực và ngay cả những người mắc bệnh nan y vẫn có thể hiến tặng giác mạc.
- Thủ tục hiến và nhận giác mạc như thế nào, thưa bác sĩ?
- Hiện nay, Bộ Y tế đang soạn thảo các quy định cụ thể về thủ tục hiến và nhận giác mạc để thực hiện trong cả nước. Người hiến có thể gửi đơn tình nguyện hiến tặng giác mạc tới Bệnh viện Mắt Trung ương.
Khi người đó không may qua đời, nhận được thông báo, Ngân hàng mắt sẽ cử kỹ thuật viên xuống lấy. Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng, không làm ảnh hưởng đến khuôn mặt của người hiến. Người thân của người hiến tặng không được trả tiền. Việc hiến giác mạc là hành động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Bộ Y tế sẽ tặng kỉ niệm chương “ Vì sức khỏe nhân dân” cho người hiến để vinh danh họ và gia đình.
Đối với người nhận, các bệnh nhân được thăm khám theo dõi, tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Trong trường hợp có chỉ định ghép sẽ được ghép khi có giác mạc.
- Thời gian bảo quản giác mạc sau khi nhận đến khi ghép bao lâu là tốt nhất?
- Giác mạc phải được lấy trong vòng 6-8 tiếng sau khi người hiến qua đời. Sau khi lấy, giác mạc được lưu giữ trong dung dịch bảo quản như Optisol. Với điều kiện chuẩn, giác mạc có thể lưu giữ trong 14 ngày. Tuy nhiên, giác mạc không nên để quá lâu, ghép càng sớm càng tốt.
Ngân hàng Mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương hiện đã có đường dây nóng (04 - 9454799) để hỗ trợ công tác tư vấn về ghép và hiến tặng giác mạc.
- Xin cảm ơn BS!
-
Lệ Hà (thực hiện)