Các quan chức ngoại giao, các nhà khoa học và nhiều giám đốc công ty đã tới thủ đô Thuỵ Điển và Na Uy vào hôm qua (9/12) để tham dự lễ trao giao giải thưởng Nobel 2003.
|
Bà Shirin Ebadi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Oslo. |
Nhà hoạt động nhân quyền người Iran Shirin Ebadi trở thành người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên nhận Giải Nobel Hoà bình vào hôm nay (10/12) do những nỗ lực đấu tranh vì dân chủ và vì quyền lợi của phụ nữ cũng như trẻ em. Bà sẽ nhận được một huy chương vàng, một văn bằng và 1,4 triệu USD tại buổi lễ diễn ra ở Toà thị chính tại Oslo, Na Uy. Giải thưởng này truyền cảm hứng cho tất cả những cá nhân đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền tại quốc gia của bà, trong thế giới Hồi giáo và tại tất cả các quốc gia nơi cuộc đấu tranh vì nhân quyền cần được thúc đẩy và ủng hộ.
10 người dành giải thưởng Nobel khác, bao gồm 6 nhà khoa học Mỹ, sẽ nhận giải thưởng tại Thủ đô Thuỵ Điển, Stockholm. Lễ trao giải sẽ diễn ra tại một phòng hoà nhạc, tiếp theo là một bữa tiệc lớn cách toà thị chính thành phố không xa. Hơn 1.300 vị khách, bao gồm gia đình của những người nhận giải, Hoàng gia Thuỵ Điển, các quan chức chính phủ, các đại sứ, nhiều nhà khoa học và giám đốc công ty đã được mời tới dự lễ.
Nhà văn Nam Phi John Maxwell Coetzee vinh dự nhận giải Nobel văn học 2003. Coetzee là nhà văn châu Phi thứ 4 nhận được giải thưởng danh giá này kể từ năm 1980. Nhà khoa học Paul C. Lauterbur người Mỹ và Peter Mansfield người Anh đã đồng giành Giải Nobel Y học do những khám phá về kỹ thuật hình ảnh cộng hưởng từ (MRI). Phát hiện đó đã dẫn tới sự phát triển của MRI hiện đại trong y học - phương pháp cung cấp hình ảnh 3 chiều về các cơ quan bên trong cơ thể con người.
Giải Nobel Vật lý thuộc về ba nhà nhà vật lý Alexei A. Abrikosov thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne (Mỹ); Anthony J. Leggett thuộc ĐH Illinois (Mỹ) và Vitaly L. Ginzburg thuộc Viện vật lý P.N. Lebedev (Nga). Họ đã có những đóng góp mang tính quyết định liên quan tới hai hiện tượng trong vật lý lượng tử: tính siêu dẫn và siêu lỏng.
Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển quyết định trao Giải Nobel Hoá học cho hai nhà khoa học người Mỹ Peter Agre, thuộc ĐH Johns Hopkins và Roderick MacKinnon thuộc Viện Hóa học Howard Hughes do làm sáng tỏ cách muối (ion) và nước được vận chuyển vào và ra khỏi các tế bào trong cơ thể. Khám phá này đã mở đường cho một loạt các nghiên cứu về hoá sinh, sinh lý học và di truyền liên quan tới các kênh vận chuyển nước ở vi khuẩn, thực vật cũng như động vật có vú.
Giải Nobel Kinh tế sẽ được trao cho hai nhà khoa học Mỹ Robert F. Engle, 60 tuổi, thuộc ĐH New York và Clive W. J. Granger, 69 tuổi, thuộc ĐH California do đã đưa ra các phương pháp phân tích số liệu kinh tế theo chuỗi thời gian. Nghiên cứu của họ mang tới cho các nhà kinh tế những công cụ mới để đánh giá rủi ro, cải thiện việc dự báo sự tăng trưởng kinh tế, lãi suất và giá cổ phiếu.
(Minh Sơn - Theo Reuters) |