Thế giới chưa nhất trí về cách chứa chất thải hạt nhân
15:50' 30/12/2003 (GMT+7)

Kể từ khi kỷ nguyên hạt nhân bắt đầu, chất thải phóng xạ đã được vận chuyển xuyên lục địa cũng như đại dương nhằm tìm kiếm nơi cất giữ an toàn cuối cùng. Hầu hết mọi quốc gia đều có chất thải hạt nhân. Một số loại vẫn còn tính phóng xạ trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, họ lại không thể nhất trí về cách lưu trữ tốt nhất.

Một đoàn tàu chở 12 container chất thải hạt nhân đi qua biên giới Pháp - Đức vào ngày 10/11/2003.

Hiện chất thải có tính phóng xạ cao được đưa vào cất giữ tạm thời trong thời gian 30-40 năm để tính phóng xạ cũng như lượng nhiệt thải ra giảm bớt. Sau thời gian này, chất thải vẫn còn nguy hiểm nên được cất giữ vĩnh viễn ở một nơi nào đó. Tại nhiều quốc gia, vẫn chưa rõ ai sẽ trả chi phí cất giữ trong hàng trăm, thậm chí hàng trăm nghìn năm.

Phần lớn chất thải có mức phóng xạ cao, loại nguy hiểm nhất, được thải ra từ trên 400 lò phản ứng điện hạt nhân tại hơn 30 quốc gia. Việc phá huỷ các loại vũ khí hạt nhân cũng làm lượng chất thải gia tăng. Hầu hết các nước dự định cho chất thải vào thùng và đem chôn ở độ sâu 500-1.000m.

Những người hoài nghi cho rằng phương pháp trên có thể an toàn trong nhiều thập niên hoặc thế kỷ, song chất thải chắc chắn sẽ bị rò rỉ hoặc bị bọn khủng bố tấn công. Martina Krueger thuộc Tổ chức Hoà bình xanh ở Thuỵ Điển cho biết: ''Nếu chưa có một giải pháp trách nhiệm để giải quyết vấn đề chất thải hạt nhân, tốt hơn là giữ nó bên trên mặt đất trong khi chúng ta đang tìm kiếm công nghệ an toàn hơn''.

Một số chính trị gia yêu cầu xây dựng các kho chứa sao cho thế hệ tương lai có thể mở và loại bỏ chất thải bằng công nghệ mới. Tuy nhiên, những người khác lại lập luận rằng các kho chứa sẽ là mục tiêu của những bất ổn xã hội trong các thế kỷ sau. Nếu chất thải an toàn trong các kho lưu giữ tạm thời, tại sao lại không để chúng ở đó? Chắc chắn là nó an toàn song một số nhà máy điện hạt nhân đang gần hết chỗ chứa.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu dự định xây dựng kho chứa vào khoảng năm 2020 song một số thành viên vẫn chưa lựa chọn địa điểm. Vào năm 2001, Phần Lan trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trong EU quyết định một địa điểm xây dựng nơi cất giữ cuối cùng. Mỹ cũng có kế hoạch chứa chất thải phóng xạ từ 103 nhà máy điện hạt nhân bên dưới núi Yucca ở Nevada. Địa điểm này sẽ đi vào hoạt động năm 2010, song phải đối mặt với nhiều rào cản về luật pháp cũng như sự phản đối của dân chúng địa phương.

Các nhà chỉ trích cho biết những kho chứa lớn sẽ gia tăng nguy cơ tại nạn hoặc ăn trộm bởi chất thải hạt nhân phải được vận chuyển tới các kho chứa đó từ mỗi nhà máy. Trong nhiều trường hợp, vẫn chưa rõ trách nhiệm đối với kho chứa của công ty tạo ra chất thải là bao lâu và khi nào thì nhà nước kiểm soát kho chứa. Điều này khiến cho các cơ sở tạo ra chất thải phóng xạ khó tính toán chi phí, đặc biệt là nếu kho chứa được xây dựng theo cách thức phải được canh gác vì những lý do an ninh.

Yves le Bars, Chủ tịch Cơ quan quản lý chất thải phóng xạ quốc gia Pháp, cho biết: ''Thật khó khăn khi tính toán chính xác chi phí bởi Pháp vẫn chưa quyết định về chiến lược quản lý chất thải lâu dài. Chúng tôi ước tính phải tốn 15-25 tỷ EUR để xây dựng, vận hành và đóng cửa một kho chứa''. Hàn Quốc đã cố gắng trong nhiều năm để tìm ra một địa phương sẵn sàng cho xây dựng một kho chứa các chất thải có độ phóng xạ thấp hoặc trung bình. Cuối cùng, trong năm nay, huyện Buan đã chấp nhận và đưa ra đề xuất là đảo Wi-do - nơi cứ trú của 1.000 người, chủ yếu là dân chài. Họ chấp nhận bởi Chính phủ trả một khoản tiền lớn.

Theo gợi ý của ông Mohamed ElBaradei, Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các quốc gia nên xây dựng các kho chứa chung mặc dù không có quốc gia nào bị buộc xử lý chất thải hạt nhân của một nước khác.

(Minh Sơn - Theo Reuters)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi