Trong khi Myanmar vẫn chưa xác nhận bệnh cúm gà ở nước mình, một số nước ở phía Tây quốc gia này đang nghi ngờ sự có mặt của virus cúm nguy hiểm H5N1: Pakistan và Bangladesh.
Pakistan: 22 trẻ em ở Karachi chết vì cúm "chưa xác định"
|
Bóng dáng cúm gà H5N1 dường như đang lảng vảng ở cả Pakistan và Bangladesh? |
Trong tháng 1 này, khoảng 22 trẻ em đã chết do nhiễm cúm ở 6 bệnh viện (BV) tại thành phố càng Karachi, Pakistan. Một số bác sĩ tại thành phố nghi ngờ các ca tử vong có thể liên quan tới cúm gà. Bên cạnh đó, còn có 230 người khác được đưa tới các BV ở Karachi do liên quan tới viêm phổi.
TS S.M. Afaq, một chuyên gia trẻ em đồng thời từng là nhân viên của Viện Sức khoẻ trẻ em quốc gia, đã kêu gọi gửi mẫu bệnh phẩm của gà chết và người tới các phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để xác định liệu cúm gà và cúm người có liên quan tới nhau hay không. TS Qaiser Sajjad, tổng thư ký Hội Y học Pakistan, cũng có cùng quan điểm. Thậm chí ông còn gợi ý tiến hành khám nghiệm tử thi của các trẻ em đã tử vong nếu cần. Ông không tin lời khẳng định của chính phủ rằng các dạng virus cúm H7 và H9 tìm được ở Karachi không thể truyền sang người. Ông nói: ''Chính phủ cần xác định ngay liệu dạng virus ở Karachi có giống virus ở Thái Lan hay không. Chúng ta không được phép chậm trễ''.
Trái ngược với những lời khẳng định của chính phủ Pakistan rằng các virus cúm H7, H9 không lây lan sang người, website của WHO (www.who.int) và website của Trung tâm Phòng ngừa - Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (www.cdc.gov) cho biết có 15 tiểu loại virus cúm gà; 2 trong số này (H5 và H7) là nguy hiểm nhất đối với gia cầm. Hai tiểu loại này cũng đã nhiễm sang người. Các bác sĩ đa khoa tại Pakistan đã khuyên dân chúng tạm thời tránh thịt gà để phòng ngừa.
Hôm qua (27/1), chính phủ Pakistan cũng đã bác bỏ lời khẳng định của Hiệp hội Gia cầm (PPA) nước này rằng cúm gà đã làm chết 3,5 triệu gia cầm ở Karachi trong 3 tháng qua. Bộ trưởng Nông nghiệp và Vật nuôi Pakistan cho rằng những con số trên đã bị thổi phồng và số gà chết chưa tới 1 triệu con. Afsar Qadri, Phát ngôn viên PPA cho biết: ''Chúng tôi chắc chắn rằng khoảng 3,5 triệu gia cầm đã chết do dạng virus đó kể từ cuối tháng 10/2003. Chúng tôi không tin vào xét nghiệm được tiến hành tại các phòng thí nghiệm của chính quyền tỉnh. Giờ thì dịch cúm gà đã được chứng minh, đúng như các phòng thí nghiệm khác đã khẳng định''. Abdul Maroof Siddiqui, thuộc Hiệp hội Gia cầm Pakistan, khẳng định: Dịch cúm gà bùng phát vào tuần cuối của tháng 10 tại nước này, ảnh hưởng tới hơn 2.000 trại gia cầm ở Karachi.
PPA vẫn còn do dự trong việc giết gà bị nhiễm virus do không được bồi thường, và viện cớ rằng chính phủ Pakistan đã khẳng định H7, H9 không lây sang người nên không cần giết gà hàng loạt. Uỷ ban Nghiên cứu Nông nghiệp Pakistan đã ủng hộ PPA và cho rằng virus hiện đang "rút lui nhanh chóng". Các nhà sản xuất vắc-xin cho biết họ đã cung cấp khoảng 9 triệu liều cho thị trường Pakistan trong 3 tháng qua.
Bangladesh: gà chết hàng nghìn, vì sao?
Mặc dù một số quan chức cho rằng Bangladesh chưa có dịch cúm gà, hôm nay 28/1, các nhà chức trách nước này đã ra lệnh điều tra việc hàng nghìn con gà bị chết tại huyện Gazipur ở miền Bắc, cách thủ đô Dhaka 32km. Thứ trưởng Bộ Ngư nghiệp và Vật nuôi Ukil Abus Sattar cho biết: ''50% các trang trại trong khu vực này đã thông báo có gà bị chết. Các chuyên gia đã được yêu cầu đệ trình báo cáo điều tra vào thứ sáu tới''.
Tuần trước, Bangladesh đã cấm nhập khẩu gà từ Pakistan, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm ngăn chặn cúm gà. Lính biên phòng cũng đã được lệnh tăng cường kiểm soát đối với hoạt động buôn lậu gà và trứng gà từ Ấn Độ.
Bangladesh mỗi năm nhập khẩu tới 1,5 triệu con gà 1 ngày tuổi từ 9 nước châu Á để nuôi trong các trang trại. Hiện nước này có gần 100.000 trại gà, đem lại doanh thu 330 triệu USD mỗi năm.
Minh Sơn (Tổng hợp)
|