Nhân bản người đã thất bại
00:43' 06/02/2004 (GMT+7)

Nỗ lực nhân bản người của TS sinh sản Panos Zavos (Mỹ) đã thất bại khi xét nghiệm cho thấy người phụ nữ được cấy phôi nhân bản không mang thai.

Tiến sĩ Zavos chỉ nói mà không đưa ra bằng chứng khoa học cụ thể.

Phát biểu cách đây 3 tuần tại một cuộc họp báo ở London, ông Zavos cho biết đã cấy thành công phôi thai vào tử cung của một phụ nữ 35 tuổi. Phôi đã được tạo ra bằng cách sử dụng trứng non của bà ta và một tế bào da từ người chồng. Trứng được rút nhân và thay thế nhân đó là ADN từ da của người chồng. Kỹ thuật này tương tự kỹ thuật được sử dụng để tạo cừu Dolly.

Nhóm nghiên cứu của TS Zavos đã kiểm tra một loại hormone. Loại hormone này cho biết một người đã mang thai hay chưa sau 2-3 tuần được cấy phôi. Tuy nhiên, kết quả là... âm tính. Zavos cho biết vật liệu và phương pháp mà ông ta sử dụng trong nghiên cứu sẽ được công bố trên một tạp chí khoa học trong tương lai gần. Phát biểu tại London, ông nói: ''Dù có thành công hay không, chúng tôi sẽ vẫn tiến hành các ca cấy phôi khác cho tới khi thành công''.

Một số nhà khoa học cho biết nên cấm hoàn toàn việc nhân bản người, trong khi những người khác ủng hộ nhân bản liệu pháp (phục vụ chữa bệnh). GS Richard Gardner tại Anh cho biết: ''Chúng tôi cực lực lên án mọi nỗ lực nhân bản người hiện nay. Nhân bản người không an toàn về phương diện y học và không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Nếu TS Zavos muốn giới khoa học ghi nhận những lời khẳng định của ông ta, ông ta phải đưa ra bằng chứng khoa học''.

Cho tới nay, giới khoa học đã nhân bản thành công nhiều loại động vật như chuột, lợn, la và ngựa. Tuy nhiên, nỗ lực nhân bản các loài động vật khác chẳng hạn như cừu và bò chỉ đạt được những thành công rất khiêm tốn. Các động vật nhân bản đó chết ở giai đoạn phát triển sơ khai nhất. Nếu sống sót, chúng thường mang một loạt dị tật sau khi chào đời. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu tại sao lại có những khác biệt này.

Cừu Dolly chào đời ngày 5/7/1996 ở Viện Roslin, Scotland. Tuy nhiên, vào tháng 1 năm ngoái, tình hình sức khoẻ của nó đã khiến các chuyên gia lo lắng vì họ chẩn đoán Dolly mắc một dạng viêm khớp. Viêm khớp thường thấy ở những động vật lớn tuổi hơn và một cuộc tranh luận nữa nổ ra về tuổi thực sự của Dolly cũng như nguy cơ lão hoá sớm ở động vật nhân bản. Trong tháng 2/2004 vừa qua, Viện Roslin đã quyết định ''đưa cừu Dollly vào giấc ngủ vĩnh viễn'', nhẹ nhàng, sau khi một cuộc kiểm tra thú y cho thấy nó mắc bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng và không thể cứu chữa được.

Tháng 4/2003, các nhà khoa học Mỹ đã tiêm chất độc để giết chết một con bò banteng nhân bản - một loài bò hiếm châu Á. Nguyên nhân là vì kích cỡ của nó lớn gần gấp đôi mức bình thường - yếu tố gây tử vong phổ biến ở động vật nhân bản. Kích thước cơ thể lớn của nhiều động vật nhân bản có thể dẫn tới bệnh tim mạch và gây hỏng các cơ quan khác.

3 con lợn, được một nhóm các chuyên gia Đài Loan tạo ra bằng kỹ thuật hơi khác với phương pháp nhân bản cừu Dolly, đã qua đời vào tháng 8/2003 do bị đau tim. Sự kiện này một lần nữa làm giới khoa học cũng như công chúng lo ngại về sức khoẻ động vật nhân bản. Trong số 4 con lợn được sinh ra, 1 con chết trong vòng vài ngày. 3 con còn lại qua đời khi chưa được 6 tháng tuổi. Đây quả thực là một cú sốc và nó được gọi là ''hội chứng đột tử ở động vật nhân bản''. Việc 3 con lợn tử vong là bằng chứng cho thấy động vật nhân bản hoàn toàn không bình thường. Vấn đề của chúng phát sinh có lẽ bởi ADN trưởng thành, được tiêm vào trứng rỗng đã được rút nhân, không được tái lập trình đúng cách để thúc đẩy sự tăng trưởng của phôi.

Ngay cả khi không muốn nhân bản người, các nhà nghiên cứu phải học cách nhân bản tế bào người một cách an toàn.

Ian Wilmut thuộc Viện Roslin của Scotland, người đã tạo ra cừu Dolly - động vật đầu tiên được nhân bản từ một tế bào trưởng thành, đề nghị: Những kế hoạch nhân bản người nên được dừng lại cho tới khi con người hiểu nhiều hơn về tiến trình nhân bản và tại sao nó lại thất bại quá thường xuyên như vậy!

Minh Sơn (Tổng hợp)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi