Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực LHQ (FAO):
Châu Á có thể phải sống chung với cúm gia cầm!
10:45' 18/02/2004 (GMT+7)
Trong bối cảnh Thái Lan, Nhật Bản và Trung Quốc phải đương đầu với những đợt dịch mới, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến cáo: Dịch cúm gia cầm tại châu Á có thể còn lâu mới chấm dứt. Theo ông Samuel Jutzi, giám đốc của FAO, có thể các nước có dịch phải sống chung với virus cúm gia cầm, như vẫn phải sống chung với các dạng bệnh khác.
Con hổ đực 7 tuổi tại Vườn thú Kaokiew (Thái Lan) đã bình phục sau khi nhiễm cúm gà H5N1.

Ông Jutzi cho biết: ''Chúng tôi vẫn hy vọng các nước châu Á có thể kiểm soát được bệnh dịch song không mấy chắc chắn liệu virus H5N1 có thể bị đẩy lùi và diệt tận gốc hay không''.

Hơn 80 triệu gia cầm đã chết hoặc bị giết do cúm gia cầm song các chuyên gia vẫn chưa xác định được nguồn gốc của dịch bệnh. Bệnh dịch đã gây tổn thất nặng nề cho ngành gia cầm châu Á cũng như cướp đi sinh mạng của 20 người.

Tại Nhật Bản, các nhà chức trách khẳng định đợt dịch cúm gà H5 thứ hai kể từ tháng 1. Bộ trưởng Nông Lâm và Ngư nghiệp Yoshiyuki Kamei đã thông báo tin này 1 ngày trước khi Nhật Bản dự định tuyên bố không còn cúm gà. Đợt dịch thứ hai xảy ra ở một nhóm gà cảnh tại thành phố Kokonoe, quận Oita, cách Tokyo 850km. Một con vịt cũng có kết quả dương tính đối với virus H5. Vẫn chưa thể khẳng định đó có phải là virus H5N1 đang hoành hành ở châu Á hay không.

Điểm dịch ở Oita cách Yamaguchi khoảng 150km nên các quan chức Bộ Nông Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản loại trừ khả năng chúng có liên quan tới nhau. Họ  nghi ngờ virus gây cúm gia cầm ở Nhật Bản là do chim di cư mang tới. Đợt dịch đầu tiên ở quận Yamaguchi cũng bị nghi ngờ là do chim di cư bởi địa điểm này gần Hàn Quốc - nơi cũng có dịch lớn về cúm gia cầm. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ giả thuyết này. Theo họ, có lẽ virus cúm gia cầm đã được đưa vào Nhật Bản thông qua người hoặc hàng hoá, bởi chim di cư khó có thể đến gần gia cầm và lây nhiễm bệnh cho chúng.

Phóng viên đang chờ ở bên ngoài nơi phát hiện đợt dịch cúm gà thứ hai ở Nhật Bản.

Hôm qua 17/2, Trung Quốc cũng thông báo thêm hai đợt dịch tại tỉnh Hồ Nam, nâng tổng số điểm có dịch cúm gia cầm lên 43. Cho tới nay, 15 tỉnh, khu tự trị và thành phố của nước này đã bị ảnh hưởng. Các nhà chức trách ở Tây Tạng đã cho giết khoảng 23.000 con gà ở thành phố Lhasa sau khi cúm gia cầm lan tới đây. Khoảng 400 con gà tại chợ Yaowangshan đã chết vào hai ngày 8 và 9/2 song mãi tới hôm 16/2 mới khẳng định thủ phạm là H5N1.

Chính quyền thành phố Lhasa đã cho đóng cửa chợ gia cầm ngay lập tức, cũng như tiến hành một loạt biện pháp ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm. Mọi gia cầm trong bán kính 3km từ chợ này đã bị giết và tiêu huỷ. Lô thiết bị tẩy uế đầu tiên đã tới Lhasa.

Minh Sơn (Tổng hợp) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi