Trị hói bằng tế bào gốc nang lông
14:18' 15/03/2004 (GMT+7)

Tế bào gốc từ nang lông của chuột đã phát triển thành tóc mới khi được cấy vào vùng không lông ở loài gặm nhấm này cũng như trên một số loài động vật khác. Thành công trên là một bước tiến lớn, dẫn tới các phương pháp điều trị bệnh hói đầu ở người trong tương lai.

Cấu tạo của tóc.

Nhóm nghiên cứu của George Cotsarelis thuộc ĐH Y Pennsylvania ở Philadelphia (Mỹ) đã sử dụng một số phương pháp di truyền để đánh dấu những tế bào gốc này, cho phép chúng được lọc sạch. Vào đầu năm 2004, nhóm nghiên cứu của Elaine Fuchs thuộc ĐH Rockefeller đã thông báo một cách khác để nhận biết tế bào gốc và điều tra những bí mật di truyền của chúng. Anthony Oro, một nhà nghiên cứu da ở ĐH Stanford, cho biết: ''Ở đây chúng ta có hai nhóm sử dụng phương pháp khác nhau song đưa ra kết luận tương tự''.

Trong nhiều năm, các nhà sinh học biết rằng tế bào tạo tóc nằm trong một vùng của nang tóc tên là bulge. Tuy nhiên, chưa có chuyên gia nào phát triển phương pháp tách chúng từ mô để nghiên cứu thêm. Hai nhóm trên đã sử dụng phương pháp di truyền khác nhau để đánh dấu tế bào gốc bulge bằng cách làm cho chúng tạo ra một protein phát sáng xanh (GFP) mà tế bào xung quanh không có. Sau đó, các máy phân loại tế bào tiêu chuẩn có thể tách tế bào phát sáng.

Cotsareli và đồng nghiệp đã cấy một số tế bào này vào cơ thể chuột và chỉ ra rằng chúng tạo ra lông và tất cả cấu trúc liên quan của lông: nang, biểu bì và các tuyến chất nhờn. Sau khi tinh lọc một lượng vừa đủ, cả hai nhóm đã sử dụng các con chip gien để xác định gien nào hoạt động trong các tế bào gốc. Từ đó, họ có thể xác định tế bào gốc tương tự ở người.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhiều gien mới có thể kiểm soát sự phát triển của tóc. Chẳng hạn như hói ở nam giới xảy ra khi nang lông bắt đầu tạo ra những sợi tóc tí hon, không màu và gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân tóc chuyển từ dày sang mỏng. Cotsarelis cho biết với những tế bào này, họ có thể tìm ra các loại thuốc trị bệnh hói hoặc bệnh rụng tóc.

Tế bào gốc nang lông không mang một protein then chốt tên là MHC, làm cho tế bào miễn dịch không thể nhìn thấy chúng. Nếu tính vô hình này bị phá vỡ, nó có thể giải thích lý thuyết: hệ miễn dịch tấn công tế bào gốc nang lông, gây ra một số dạng hói và rụng tóc.

Theo Cotsarelis, nghiên cứu còn có thể dẫn tới phương pháp điều trị bỏng và vết thương tốt hơn cũng như cung cấp hiểu biết về tiến trình lão hoá và sự phát triển của ung thư. Cotsarelis nói: ''Vết bỏng không có các nang lông. Nếu chúng ta phân lập và cấy tế bào nang lông lên một vết thương, chúng ta có thể trả lại tình trạng bình thường cho da. Tế bào gốc bulge có khả năng phát triển và sinh sôi mạnh hơn so với tế bào trưởng thành nên có thể sử dụng chúng để tạo ra một miếng da ghép. Còn đối với vấn đề lão hoá, giới khoa học tin rằng tế bào gốc của da bị chết. Nếu họ tìm cách kiểm soát tiến trình đó, họ có thể ngăn chặn tình trạng này.

  • Minh Sơn (theo NewScientist, Reuters) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi