(VietNamNet) - ... Và thiếu cả ngân sách riêng cho ngành tài nguyên và môi trường để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp đầu tư khắc phục ô nhiễm môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo động như vậy.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong tuần qua ở TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thống kê của Bộ TN&MT cho biết: Đến năm 2002, cả nước có gần 4.300 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó có khoảng 3.300 cơ sở sản xuất kinh doanh. Số còn lại là các bãi rác cũ, kho thuốc bảo vệ thực vật, khu tồn lưu chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Trong năm 2003, Ban chỉ đạo liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì đã có quyết định buộc phải di dời, đình chỉ sản xuất hoặc phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đối với 30 đơn vị trong tổng số 439 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
|
Công ty sản xuất cồn, hóa chất y tế ở Hóc Môn (TP.HCM) bị buộc đình chỉ sản xuất vì xả thẳng nước thải vào kênh Thầy Cai - An Hạ, gây ô nhiễm môi trường. |
Theo thứ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, một trong những khó khăn lớn nhất của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường là thiếu vốn. Hầu hết các cơ sở hoạt động công ích như kho thuốc bảo vệ thực vật, điểm tồn lưu chất độc trong chiến tranh, bãi rác và các bệnh viện do Nhà nước quản lý và hoạt động không có nguồn thu. Hoặc nếu có thì rất ít ỏi, chỉ đủ trang trải cho các hoạt động của cơ sở. Còn đối với các doanh nghiệp, vấn đề vốn để đầu tư khắc phục ô nhiễm môi trường trong sản xuất cũng là một bài toán nan giải. Nếu không có cơ chế hỗ trợ vốn của Nhà nước thì rất khó thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm.
Tính đến ngày 7/4/2004, Bộ TN&MT đã nhận được 38 dự án đề nghị hỗ trợ kinh phí của các đơn vị cần khắc phục ô nhiễm, với tổng kinh phí yêu cầu là 230 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 14 dự án được thẩm đinh và phê duyệt. Theo thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên, thời gian từ xây dựng nghiên cứu tiền khả thi đến khi được phê duyệt lại khá dài, trong khi thời gian trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại quá gấp nên rất nhiều dự án phải gác lại. Vì thế, Bộ TN&MT kiến nghị với các đại biểu Quốc hội: Nên có mục ngân sách riêng cho ngành Tài nguyên và môi trường.
Trong thực tế, đến nay Nhà nước vẫn chưa có một cơ chế về tài chính đầu tư, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các cơ sở có nhu cầu về xử lý môi trường. Ngoài ra, một trở ngại trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, kho thuốc bảo vệ thực vật là thiếu công nghệ xử lý chất độc và nước thải. Đến nay, rất nhiều Sở TN&MT ở các tỉnh, thành vẫn chưa có các trang, thiết bị phục vụ cho quan trắc môi trường, do đó công tác giám sát ô nhiễm càng thêm khó khăn.
Tin, ảnh: Thu Thảo |