Cách đây hai ngày, thêm mười nước đã gia nhập EU với hy vọng sự hợp nhất về kinh tế, chính trị và xã hội với các quốc gia láng giềng sẽ mang lại thịnh vượng và ổn định. Tuy nhiên, điều khiến cho không ít người châu Âu an tâm là các nước này cũng sẽ gia nhập vào Câu lạc bộ Hạt nhân lớn nhất thế giới.
Cam kết và Hiệp ước Euratom
|
Các lò phản ứng hạt nhân tại EU mới. |
EU bị ràng buộc bởi một cam kết phát triển ''ngành hạt nhân hùng mạnh'' có khả năng cung cấp điện năng cần thiết để nâng cao mức sống của người dân. Cam kết này dựa trên Hiệp ước Euratom được ký cách đây 47 năm mà nhiều người nói rằng đã lỗi thời, mẫu thuẫn và nên loại bỏ. Tuy nhiên, Hiệp ước này, nhằm thiết lập Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu, chắc chắn sẽ không biến mất trong ngày một ngày hai. Trên thực tế, nó là hiệp ước sẽ được giữ lại theo Hiến pháp châu Âu.
Euratom được soạn thảo trong những năm 1950 và giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực điện hạt nhân vào thời điểm đó. Những vấn đề này bao gồm bảo vệ công nhân và công chúng khỏi phóng xạ, cung cấp vật liệu để phát triển ngành điện hạt nhân, bảo vệ vật liệu hạt nhân để ngăn không cho nó được sử dụng cho các mục đích quân sự trái phép và các khía cạnh chung - như nghiên cứu và phổ biến thông tin. Uỷ ban châu Âu là cơ quan điều tiết siêu quốc gia trong ba lĩnh vực trên. Tuy nhiên, Euratom không đề cập tới an toàn khi vận hành các nhà máy điện hạt nhân cũng như việc lưu trữ chất thải phóng xạ, hoặc các cơ sở xử lý chất thải. Do vậy, các khía cạnh này thuộc trách nhiệm của... các nước thành viên.
Các lò phản ứng cũ, cách giải quyết mới?
|
Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước mình. |
Quyết định của châu Âu giữ nguyên hiện trạng năng lượng hạt nhân đã làm cho chính sách năng lượng hạt nhân của nó vốn đã lộn xộn nay càng trở nên lộn xộn hơn. Năm nước thành viên mới, không có các nhà máy điện hạt nhân (Ba Lan, Estonia, Latvia, Malta và Síp) sẽ bị ràng buộc về mặt luật pháp để tăng cường phát triển ngành này trong khi một số thành viên mới khác lại đối mặt với vấn đề trái ngược. Slovenia, Slovakia, Hungary, Lithuania và Cộng hoà Séc phụ thuộc vào điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Tuy nhiên, các nước EU đã gây áp lực lớn đòi hai trong số năm nước trên đóng cửa các lò phản ứng cũ "kiểu Xô-viết" để đảm bảo rằng chúng không gây ra một vụ tai nạn bi thảm như Chernobyl.
|
Nhà máy điện hạt nhân Craus (Pháp). | Euratom ra đời vào năm 1957 khi nhiều người còn nghi ngờ địa vị của điện hạt nhân với tư cách là công nghệ tương lai. Trong nhiều năm, Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu đã tài trợ trên 55 tỷ euro cho lĩnh vực nghiên cứu điện hạt nhân cũng như cho vay hàng trăm triệu euro nhằm giúp các nước thành viên xây dựng và cải tiến nhà máy điện hạt nhân của họ. Kết quả là EU dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân. EU mở rộng hiện có 156 lò phản ứng, sản xuất 32% tổng sản lượng điện của khối. Tỷ lệ này cao hơn Bắc Mỹ, Nhật Bản hoặc Nga.
Tuy nhiên, phần lớn các lò phản ứng đang được vận hành ở châu Âu đều đã cũ do chúng đã sản xuất điện trong khoảng 22 năm qua. Đặc biệt, kể từ khi tai nạn Chernobyl ở Ukraina xảy ra cách đây 18 năm, nhiều nước đã không còn hứng thú đối với công nghệ này. Chỉ có Pháp và Phần Lan đang dự tính xây dựng các lò hạt nhân mới trong khi Đức, Thuỵ Điển, Bỉ và Tây Ban Nha dự định loại bỏ điện hạt nhân. Italia đã làm điều đó. Benjamin Görlach thuộc Viện Chính sách Môi trường châu Âu và quốc tế ở Berlin nhận xét: ''Tình trạng trên đã làm cho Euratom trở thành một loại... hoá thạch chính trị, mất đi hầu hết lý do tồn tại của nó''!
Thay thế Euratom?
Nhà phân tích năng lượng châu Âu Antony Froggatt ở London đã so sánh vai trò của Euratom với vai trò của Liên Xô (cũ). Nước Áo, quốc gia chống hạt nhân mạnh nhất ở châu Âu, đang vận động thay thế Euratom bằng một hiệp ước ''trung lập về công nghệ'' mà, theo đó, các nước châu Âu không ưu đãi đặc biệt một phương pháp cung cấp năng lượng nào. Kế hoạch của Áo đã nhận được sự ủng hộ của Ai-len, Luxembourg, Đan Mạch, Đức, Thuỵ Điển, Estonia, Nghị viện châu Âu và khoảng 100 nhóm môi trường. Tuy nhiên, quyết định từ bỏ Euratom sẽ không dễ dàng.
|
Nhà máy điện hạt nhân Ignalina ở Lithuania: Sẽ không bị đóng cửa vì "lý do an toàn"? |
Ngành điện hạt nhân châu Âu ủng hộ Hiệp ước Euratom. Trong khi đó, các quốc gia hạt nhân như Anh thừa nhận sẽ có lợi nếu cải tổ song lại có sự bất đồng lớn về việc cải tổ như thế nào. Ngoài việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân, Euratom đặt ra các tiêu chuẩn an toàn nhằm bảo vệ sức khoẻ của công nhân và công chúng. Đây chính là mâu thuẫn quyền lợi đã đeo bám nỗ lực đóng cửa các lò phản ứng cổ "kiểu Xô-viết" của EU. Để giảm nguy cơ tai nạn, EU khuyến khích Lithuania đóng cửa lò phản ứng Ignalina 1 và 2; Slovakia đóng cửa hai lò phản ứng Bohunice 1 và 2. Tuy nhiên, mặc dù EU đã đầu tư 355 triệu USD và hứa hẹn thêm 375 triệu nữa song bốn lò trên vẫn đang hoạt động.
Ignalina 1 sẽ đóng cửa vào năm 2005. Tuy nhiên, vào tuần trước, Lithuania khăng khăng rằng sẽ không thể đóng cửa lò phản ứng này vì những lý do an toàn. Ignalina 2 sẽ bị đóng cửa vào năm 2009 trong khi Bohunice 1 và 2 sẽ bị đóng của vào năm 2006 và 2008. Tuy nhiên, thời hạn trên có thể bị trì hoãn.
Các lò phản ứng cũ ở Đông Âu |
Liên Xô (cũ) đã phát triển và chế tạo hai loại lò phản ứng chính. Loại đầu tiên là RBMK được tiết chế bằng than chì và làm mát bằng nước. Nhiên liệu của lò nằm trong các ống được đặt trong các khối than chì. Nước đi lên ống và phun lên như một hỗn hợp gồm hơi nước và nước. Sau đó, hơi nước được sử dụng để quay tua-bin và sản xuất điện. Không giống các lò phản ứng của Mỹ, RBMK có thể được nạp nhiên liệu trong khi đang vận hành. RBMK được phát triển từ các loại lò sản xuất plutonium sơ khai và do đó không bao giờ được chế tạo bên ngoài Liên Xô (cũ). Các lò phản ứng ở Chernobyl cũng như các lò khác ở Nga, Lithuania và Ukraina đều thuộc loại này.
Loại lò phản ứng thứ hai là VVER được thiết kế giống lò phản ứng nước điều áp của các nước Tây Âu (PWR). Nó được tiết chế và làm mát bằng nước với ba thiết kế hơi khác biệt đang được sử dụng. Lò phản ứng loại này được phát triển từ các lò phản ứng sử dụng cho tàu phá băng và tàu ngầm. Chúng hiện đang được sử dụng ở các nước từng thuộc Liên Xô (cũ), Phần Lan, Hungary, Bulgaria, Séc, và Slovakia.
Đối với lò phản ứng RBMK, nếu nước bị mất khỏi lõi do rò rỉ chất làm lạnh hoặc do lò quá nóng, năng lượng lò sẽ tăng lên. Sự gia tăng năng lượng sẽ làm mất khỏi lõi nhiều nước hơn. Do đó, chu trình hồi tiếp xảy ra, làm cho lò không ổn định. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới tại nạn Chernobyl. Vấn đề thứ hai là mỗi thanh kiểm soát có một đầu bằng than chì. Điều này khiến việc lắp nó sẽ làm cho năng lượng gia tăng trước khi năng lượng giảm (điều này đã xảy ra tại Chernobyl). Phương pháp đầu tiên cần khoảng 20 giây để lắp các thanh kiểm soát - đủ để làm phản ứng dây chuyền gia tăng.
Các ống dẫn nhiên liệu bị vỡ cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với lò RBMK. Như đã giải thích ở trên, khi chất làm lạnh bị rò, năng lượng sẽ gia tăng. Nếu nhiều ống bị rò, áp lực bên dưới nắp lò có thể tăng đủ mạnh để nâng nó lên cũng như mọi thanh kiểm soát. Điều này đã xảy ra tại Chernobyl. Hiện các kỹ sư đang làm mọi cách để giảm tai nạn do các ống dẫn nhiên liệu bị nứt gây ra song không thể loại bỏ nó.
|
Thiết kế của lò phản ứng VVER-440, model 230. |
Các lò VVER kiểu 230 thiếu một số đặc điểm an toàn cơ bản thường thấy ở lò phản ứng Tây Âu, đầu tiên là hệ thống làm mát lõi khẩn cấp (ECCS). Hệ thống này cần để làm mát lõi của lò nếu các phương pháp làm mát bình thường bị trục trặc do rò rỉ chất làm lạnh. VVER-230 cũng thiếu cấu trúc ngăn chặn một lượng lớn chất phóng xạ được giải phóng khi có tai nạn nghiêm trọng cũng như bảo vệ lò từ các lực bên ngoài. Mặc dù đã được cải tiến so với 230 song hệ thống làm mát lõi của VVER 440/213 vẫn ít tin cậy hơn 10-50 lần so với các hệ thống của phương Tây. Ngoài ra, nó cũng không có hệ thống ngăn chặn chất phóng xạ được giải phóng ra ngoài.
VVER 1000/320 có bình ngăn chặn chất phóng xạ được giải phóng ra bên ngoài. Tất cả bình ngăn chặn có lỗ để cho phép nhiều loại vật liệu được đưa vào lò (nước, nhiên liệu, v.v...). Đường kính của bình quá nhỏ, tạo ra một vùng đệm nước không đủ giữa các neutron được phát ra và thành bình. Kết quả là, độ giòn của bình phản ứng tăng lên. | |
|