Theo nghiên cứu của Hiệp hội Báo chí thế giới, số lượng báo điện tử toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1999, còn lượng độc giả đọc báo điện tử tăng 350% trong cùng thời kỳ.
|
Tại Nga, tổng số phát hành báo giấy tăng gấp đôi trong năm 2003. |
Kết quả nghiên cứu do Timothy Balding, tổng giám đốc Hiệp hội Báo chí thế giới, công bố trước đông đảo các tổng biên tập và giám đốc của hàng trăm tờ báo. Họ đang tham dự hội nghị thường niên của Hiệp hội ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, trong tuần này. Ông Balding cho biết năm 2003 là năm thách thức đối với các tờ báo giấy của thế giới. Tổng số báo giấy phát hành toàn cầu giảm nhẹ trong năm 2003 tại 208 quốc gia mà Hiệp hội khảo sát.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Báo chí thế giới - đại diện cho 18.000 tờ báo, doanh thu của các tờ báo tăng 4,75% trong năm năm qua. Người châu Âu đang mua ít báo hơn. Lượng phát hành giảm tại 13 trong số 15 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, ngoại trừ các thành viên mới được kết nạp vào hồi tháng 5 vừa qua. Lượng phát hành giảm mạnh nhất tại Ailen, tiếp theo là Vương quốc Anh.
Mặc dù doanh số giảm ở nhiều thị trường song một số thị trường đang phát triển vẫn mạnh. Doanh số báo giấy tăng trên 4% ở Trung Quốc - thị trường báo lớn nhất thế giới - và tăng tới 9% ở Ấn Độ. Trung Quốc có tổng số phát hành hàng ngày lớn nhất so với mọi quốc gia khác với hơn 85 triệu bản báo được bán ra, tiếp theo là Ấn Độ (72 triệu), Nhật Bản (70 triệu) và Mỹ (55 triệu). Tại Nga, số lượng nhật báo được phát hành đã tăng gần gấp đôi trong vòng hai năm qua.
Doanh số quảng cáo toàn cầu của báo giấy tăng chỉ 2% trong năm ngoái. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tăng là hơn 11%. Thị phần của báo giấy trong thị trường quảng cáo bằng phương tiện truyền thông thế giới suy giảm. Tuy nhiên, báo vẫn là phương tiện truyền thông quảng cáo lớn thứ hai sau vô tuyến. Vô tuyến chiếm 38% doanh thu quảng cáo trên các phương tiện truyền thông vào năm 2003.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của Internet băng rộng tại nhiều nước có nghĩa là mọi người đang dành ngày càng ít thời gian rỗi của họ xem vô tuyến và thích truy cập mạng nhiều hơn. Theo Hiệp hội Báo chí thế giới, điều này đã làm cho lượng người đọc báo điện tử tăng lên. Việc chuyển quảng cáo từ báo in sang báo điện tử diễn ra với tốc độ chậm. Hiện báo điện tử chỉ thu được trên 2% tổng doanh thu quảng cáo từ báo.
Hạn chế về tài chính, tổng số phát hành giảm, sự thay đổi không ngừng về công nghệ cũng như nhu cầu xác định lại quan hệ với độc giả là mối đe doạ đối với báo chí toàn thế giới. Để duy trì hoặc tăng số phát hành, nhiều tờ báo khổ rộng đã bắt đầu quan tâm tới báo khổ nhỏ. Ít nhất 20 trong số các tờ báo khổ lớn có uy tín của thế giới đã chuyển sang dạng khổ nhỏ.
Cách mạng số làm thay đổi không ngừng cách thức thu thập, sản xuất và phân phối thông tin của báo giấy. Thách thức đối với các biên tập và nhà báo là xác định được nên đầu tư vào khía cạnh nào của cuộc cách mạng này, cũng như xác định nguy cơ tiềm năng đối với nghề báo.
|