(VietNamNet) - Hai lô hàng, với hơn 64 tấn nhựa phế liệu, của hai công ty TNHH Thuận Phát (18,1 tấn) và Phú Lâm Thép (46,3 tấn) vừa nhập về Cảng Sài Gòn hiện đang bị Phòng Quản lý Môi trường (Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM) đề nghị Hải quan Cảng giữ lại, chờ xem xét.
|
Hai lô hàng bị giữ lại vì chủ yếu gồm phế liệu chai nhựa đã qua sử dụng, và các loại chai nhựa khác không rõ nguồn gốc. |
Ngày 16/6, trả lời phỏng vấn của VietNamNet, Phòng Quản lý Môi trường cho biết: Lý do để chưa cho phép doanh nghiệp được giải tỏa hai lô hàng nói trên là do các lô hàng này chủ yếu gồm phế liệu chai nhựa đã qua sử dụng (các chai đựng nước giải khát các loại Coca Cola, Pepsi, Aquafina...) và các loại chai nhựa khác không rõ nguồn gốc (hoặc trước đó đã sử dụng để đựng các loại hóa chất).
Hai lô hàng trên được nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam. Theo Quyết định 03/2004/QĐ-BTNMT ngày 2/4/2004 của Bộ TN-MT, các lô hàng trên không phải là “vật liệu tận dụng: các loại bao bì đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng”. Phòng Quản lý Môi trường đã đề nghị các công ty nhập hàng phải xin ý kiến của Bộ TN-MT đối với việc nhập khẩu lô hàng trên. Đồng thời, đề nghị Hải quan Cảng Sài Gòn “giữ nguyên trạng lô hàng” để chờ xem xét, giải quyết.
Theo các doanh nghiệp ngành nhựa, mỗi năm, Việt Nam phải tái chế 100.000 tấn nhựa phế liệu thành nhựa thành phẩm. Việc sử dụng nhựa phế liệu để làm nguyên liệu sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành tới 50% so với việc sử dụng hạt nhựa chính phẩm. Nguồn nhựa phế liệu trong nước chỉ đủ đáp ứng 50% và số còn lại phải nhập ngoại.
Phòng Quản lý Môi trường cũng khẳng định: Đã có nhiều doanh nghiệp nhập nhựa phế liệu về để tái chế và đáp ứng đúng theo tinh thần Quyết định 03/2004/QĐ-BTNMT nêu trên bảo vệ môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Thế nhưng đây là lần đầu tiên sau khi Quyết định nói trên ban hành, một số doanh nghiệp lợi dụng để nhập “rác nhựa phế liệu” thay vì “nhựa phế liệu”.
Bích Vân