,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
521704
Chẩn đoán từ xa qua Internet: Con đường ở phía trước
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Chẩn đoán từ xa qua Internet: Con đường ở phía trước

Cập nhật lúc 09:38, Chủ Nhật, 03/10/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việt Nam đang chuẩn bị tiến vào công nghệ chẩn đoán và điều trị từ xa (TeleMedicine). Thế nhưng qua hội thảo về vấn đề này tổ chức tại TP.HCM vào ngày 2/10, có thể thấy con đường còn ở phía trước…

“Hôm qua, ở Bệnh viện Cai Lậy (Tiền Giang) có hai ca chấn thương sọ não được truyền lên Medic để chẩn đoán. Một ca được đề nghị chuyển viện, còn ca kia thì vẫn đang theo dõi…”. Ngồi dưới cử toạ, Bác sĩ (BS) Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Y khoa Medic vui vẻ kể cho các đồng nghiệp của mình nghe về hai ca bệnh mới mà Medic mới giúp chẩn đoán qua Intenet.

Chuyện không mới trong giới y học Việt Nam cũng như tại TP.HCM. Một bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa nằm tại giường bệnh ở địa phương mình nhưng vẫn có thể được các BS ở tuyến trên (tỉnh, thành phố hoặc trung ương) giúp chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng và chính xác. Phương tiện kỹ thuật để thực hiện một cuộc chẩn đoán từ xa là máy tính và đường truyền kết nối Internet, phục vụ cho phương thức TeleMedicine, hay ngắn gọn hơn là TeleMed (chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa, hay có người còn dịch là “viễn y”).

Ngoài Medic ở TP.HCM và vài đơn vị y tế khác ở Hà Nội đã và đang thực hiện TeleMed một cách dè dặt, kỹ thuật mới này vẫn còn chưa được phổ biến rộng tại Việt Nam. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Tập đoàn Y tế Quốc tế IMI, ĐH Y Dược TP.HCM cùng Công viên Phần mềm Quang Trung cùng đứng ra tổ chức hội thảo về TeleMed này ở Công viên Phần mềm Quang Trung  (Q.12, TP.HCM). Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã có mặt tại hội thảo. Cử toạ lên đến hàng trăm người, chủ yếu là các chuyên gia trong hai lĩnh vực y tế và công nghệ thông tin.

TeleMed: ngày càng phổ biến trên thế giới…

Soạn: AM 159307 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
TeleMed ở Việt Nam, bước khởi động đầu tiên bằng... hội thảo. Trong ảnh: Một diển giả đang trình bày về ích lợi của TeleMed. (Ảnh: T. Giang)

Dường như TeleMed đã ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Theo báo cáo của PGS TS. Nguyễn Hoàng Phương (Trung tâm Tin học, Bộ Y tế), ở Nhật, mạng y tế từ xa nối 14 trung tâm điều trị ung thư và thực hiện trung bình 130 ca hội thảo chẩn đoán bệnh từ xa trong một năm. Ở Đài Loan, người ta đã xây dựng được hệ thống thông tin bệnh viện giúp trao đổi thông tin y tế giữa các bệnh viện thông qua con đường Internet. Còn ở Hàn Quốc, từ năm 1998, nước này đã thực hiện TeleMed và theo điều tra, có tới 72% người bệnh thoả mãn với các dịch vụ y tế do TeleMed mang lại. Riêng Thái Lan bắt đầu thực hiện đề án TeleMed quốc gia từ năm 1994 nhằm trợ giúp y học cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Mạng y tế từ xa của Thái Lan đã kết nối Bộ Y tế Thái với 19 bệnh viện lớn và khoảng 60 bệnh viện cấp quận.

Trong khi đó, tại Việt Nam, theo báo cáo chính thức tại hội thảo, chỉ có mỗi một nghiên cứu thử nghiệm y tế từ xa được tiến hành ở phía Bắc từ tháng 5/1999 đến tháng 8/2000. Các đơn vị tham gia thử nghiệm mô hình TeleMed này: Viện Khoa học-Kỹ thuật Bưu điện, Viện Tim mạch Bạch Mai, Viện Nhi, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện đa khoa Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn.

Tuy nhiên, theo BS Phan Thanh Hải - giám đốc Medic, dù không nằm trong số diễn giả được mời đọc tham luận nhưng ông cho biết Medic đã thực hiện một loại hình của "TeleMed" từ năm… 1994 và sau đó phát triển thêm cho đến nay. Với những ca bệnh khó, Medic đã truyền hình ảnh qua Internet và hội thảo lâm sàng, chẩn đoán bệnh với các đồng nghiệp của mình ở Singapore. Báo chí trước đây đã đăng tải khá nhiều về mô hình TeleMed này ở Medic. Còn ở trong nước, Medic đã giúp cho nhiều đồng nghiệp của mình, chủ yếu là các tỉnh miền Tây chẩn đoán các ca bệnh khó qua Internet như đã kể trên. Có thể nói TeleMed đã trở thành chuyện bình thường ở Medic.

Kỹ thuật cao đòi hỏi phải đồng bộ…

Có mặt tại hội thảo, chuyên gia người Mỹ trong lĩnh vực TeleMed là GS John Joe  đã thử biểu diễn phương thức chẩn đoán từ xa bằng cách truyền hình ảnh và hội thoại qua đường truyền Internet để kết nối từ Công viên Phần mềm Quang Trung đến một trung tâm y tế ở Houston (Mỹ). Tuy nhiên, phải mấy lần báo lỗi, chương trình chẩn đoán từ xa qua mạng mới kết nối được. Ngồi bên dưới, một cán bộ ở Công viên Phần mềm Quang Trung nói nhỏ: ”Đáng lẽ, hội thảo có thể được tổ chức ở Đại học Y Dược TP,HCM, nhưng Ban tổ chức ngại đường truyền chậm nên phải dời đến đây. Với đường truyền tốc độ cao như ở đây mà còn trục trặc thì không biết ứng dụng trong thực tế sẽ như thế nào!”.

Bên ngoài hội thảo, vào giờ giải lao, BS Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã lạc quan cho biết: TP.HCM đang bắt tay vào một dự án TeleMed, ước tính khoảng bảy tỷ đồng và có

Soạn: AM 159309 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
BS Lê Trường Giang (bên trái) theo dõi một ca truyền ảnh qua Internet. (Ảnh: B.Ty)
thể triển khai vào năm 2005. Tuy nhiên, ông cũng không khỏi tỏ ra lo lắng: “Nếu thực hiện TeleMed chỉ để… biểu diễn thì có thể làm được ngay bây giờ, nhưng để đưa vào thực tế lại là chuyện khác. Vấn đề lớn nhất là con người, tổ chức con người, tổ chức dữ liệu để hệ thống có thể hoạt động 24/24 vì người bệnh đâu có… chờ được!”.

Soạn: AM 159315 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Quan tâm đến TeleMed, BS Phan Thanh Hải đang cố gắng ghi nhận diển biến hội thảo bằng chiếc camera của mình. (Ảnh: T. Giang)  

Còn BS Phan Thanh Hải, giám đốc Medic, lại đặt vấn đề một cách thực tế hơn: "Thử xem lại hệ thống tổ chức dữ liệu của các bệnh viện ở TP.HCM. Nếu muốn tìm thông tin về một bệnh nhân nào đó, ta đã có thể truy xuất được ngay chưa… trong khi TeleMed đòi hỏi phải hệ thống hoá và tổ chức kết nối dữ liệu một cách đồng bộ, khoa học. Đó là chưa nói về đường truyền, chi phí, con người… Một mình ngành y tế khó có thể giải quyết đồng bộ toàn bộ những vấn đề này được. Ở Medic, mỗi lần thực hiện TeleMed, Trung tâm phải chọn thời điểm vào nửa đêm, tức vào giờ mà đường truyền Internet ít nghẻn mạch nhất!".

Cũng bên ngoài hành lang hội thảo, ông Phạm Thiện Nghệ - tổng giám đốc Công ty Khai Trí, một đơn vị kinh doanh công nghệ thông tin chủ yếu trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế cũng tỏ ra bức xúc: “Nếu các chuyên gia y tế và các chuyên gia công nghệ thông tin không bắt tay nhau được thì khó mà nói đến chuyện TeleMed một cách có hiệu quả được”. Ông Nghệ thuật lại một kinh nghiệm: Một bệnh viện nọ ở TP.HCM định thực hiện một hệ thống máy tính nối mạng nội bộ để quản lý bệnh viện của mình. Giám đốc bệnh viện cũng là một người  có đôi chút hiểu biết về công nghệ thông tin nhưng chuyên môn chính của ông là y tế chớ không phải “dân” công nghệ thông tin chính hiệu. Nhưng bằng sự nhiệt tình và bức xúc của mình, ông tự ý xây dựng hệ thống mạng nội bộ mà không tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Kết quả: hệ thống mạng đó bị sét đánh cháy toàn bộ thiết bị do không nắm vững các giải pháp kỹ thuật chuyên nghiệp...".

Về vấn đề kinh phí đầu tư cho TeleMed, ông Phạm Thiện Nghệ đoan chắc chi phí cho TeleMed bây giờ không phải là quá đắt. Bằng chứng là Công ty Khai Trí đã có thể cung cấp cho thị trường những server mạnh, đáp ứng được cho việc triển khai TeleMed với chất lượng bảo đảm, giá cả chỉ vào khoảng 16.500 USD. Trong khi đó, một server có cấu hình tương đương nhưng của các hãng nước ngoài có thể lên đến… 500.000 USD.

Thế nhưng, theo kinh nghiệm của GS John Joe, thì “công nghệ còn dễ hơn là tính pháp lý của vấn đề”. GS John Joe cho rằng bên cạnh việc triển khai một hệ thống TeleMed, còn phải có một nền tảng pháp lý căn bản và vững chắc như các luật về tội phạm máy tính, luật đảm bảo quyền riêng tư cá nhân, luật đặc thù cho TeleMed, các qui định về an toàn dữ liệu… Xét về khía cạnh này, dường như hội thảo còn để ngỏ những vấn đề đặt ra.

Tuy nhiên, như để làm tiền đề cho một sự khởi động, TS Nguyễn Minh Dân (Vụ Khoa học-Công nghệ thuộc Bộ Bưu chính-Viễn thông) cho biết: Hiện tại, đang có sự xúc tiến để thành lập Hội Tin học Y tế do Trung tâm Tin học – Bộ Y tế chủ trì. TS Nguyễn Minh Dân cũng cho biết thêm: Đến năm 2005, có 50% bệnh viện ở Việt Nam kết nối vào Internet. “Đây là một chỉ tiêu cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được.” - ông Dân nói.

  • Bích Vân
,
,