Đàn Nam Trầm: nhạc cụ âm sắc trầm vừa được chế tạo
(VietNamNet) - Cây đàn Nam Trầm có hình dáng tựa đàn đáy, song đàn có thể đồng thời gảy, búng hoặc kéo bằng vĩ kéo. Cây đàn là kết quả nghiên cứu trong hơn một năm của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Kim Quang, trung tâm Văn Hoá TP.HCM. Ngày 22/10, một hội đồng thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM đã nghiệm thu kết quả nghiên cứu cây đàn này
Nam là cây đàn do phía Nam làm ra, Trầm là do âm sắc phát ra của đàn là âm trầm. Trao đổi với VietNamNet, nhạc sĩ Kim Quang cho biết như trên. Cây đàn được sáng tạo trên cơ sở kết hợp hai nhạc cụ truyền thống của dân tộc là đàn đáy và đàn tứ đại, vừa có thể gảy bằng phím và kéo bằng vĩ kéo, đảm nhận phần trầm trong dàn nhạc dân tộc.
Đàn Nam Trầm dài 118 cm, phần trên cùng của cần đàn được khắc hoạ một hoa văn Bông Sen. Bầu đàn có dạng hình thang cân, phía trước đàn có hình hai con chim nhạn dùng làm lỗ thoát hơi cho thùng đàn. Gỗ mặt trên của thùng đàn được làm bằng loại gỗ ngô đồng xốp, dày và được đẻo gọt cho đến độ mỏng thích hợp của đàn. Gỗ mặt dưới của đàn là loại gỗ lừng mực (một loại gỗ mọc cạnh núi đá, gỗ nhẹ nhưng rất chắc cứng). Trong thùng đàn có gắn một cần dọc thông với đuôi chim nhạn. Nhờ vậy khi gảy hoặc kéo đàn, âm thanh sẽ được cộng hưởng do được phát ra trong toàn bộ thùng đàn, (thay vì chỉ ở mặt trên của thùng đàn như một số loại đàn khác).
Dây đàn được dùng là dây cello, âm vực rộng (ba bát độ từ đồ quãng 8 lớn-đồ
quãng 8 nhỏ-đố quãng 8 thứ nhất), tạo điều kiện cho người chơi đàn có thể gảy và kéo những nốt trầm để đệm hoặc kéo solo một giai điệu ngắn dành cho đàn trầm. Vĩ kéo cần đàn được làm bằng gỗ hoặc tre, có thể dùng phím đàn hoặc búng bằng tay tuỳ bài biểu diễn. Do đàn có thể vừa gảy, kéo nên người chơi đàn có thể học cách đánh đàn nhanh hơn (từ 3-5 năm là có thể chơi được đàn Nam Trầm) thay vì phải mất 14-15 năm học mới kéo được đàn vĩ cầm.
Hiện tại nhóm nghiên cứu đã chế tạo được hai cây đàn Nam Trầm. Đàn Nam Trầm đã được nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen đưa vào biểu diễn chung với dàn nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Kim Quang cho biết: trong các loại nhạc cụ âm nhạc truyền thống, phần nền (background) dạo nhạc hầu như thiếu âm sắc trầm. Khi cần thiết, người ta phải dùng đàn organ để thay thế. Tuy nhiên cách này chỉ là bất đắc dĩ vì thiếu nhạc cụ và trong một số trường hợp, nếu không khéo léo còn có thể phá vỡ âm sắc dân tộc.
GS nhạc sĩ Ca Lê Thuần, tổng thư ký hội âm nhạc TP nhận xét: việc chế tạo ra được cây đàn đa năng có âm sắc trầm là một đóng góp có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng của các ban nhạc dân tộc. Tuy nhiên, để cây đàn có thể phổ biến sâu vào thực tế, nhóm nghiên cứu cần phải hoàn thiện thêm một số thông số kỹ thuật. Hiện nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được đơn đặt hàng của một số đơn vị ca múa nhạc phía Nam. Gía thành một cây đàn khoảng 2 triệu đồng.
-
Tin, ảnh: Thu Thảo