'Xử lý theo Luật Khoa học-Công nghệ'
(VietNamNet) - Vụ 162 nhà khoa học ở ĐH Bách khoa TP.HCM “chiếm dụng” kinh phí nghiên cứu khoa học hàng chục tỷ đồng trong hàng chục năm trời... sẽ được xử lý như thế nào? Đâu là biện pháp mà Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) đề ra nhằm chấn chỉnh tình hình lãng phí kinh phí nghiên cứu khoa học? Phỏng vấn TS Lê Đình Tiến, thứ trưởng Bộ KH-CN.
Cần cơ chế thích hợp
- Thưa ông, Bộ KH-CN có trách nhiệm như thế nào đối với vụ 162 nhà khoa học “chiếm dụng” kinh phí nghiên cứu khoa học với số tiền hàng chục tỷ đồng trong nhiều năm trời mà VietNamNet đã nêu?
- Thứ trưởng Lê Đình Tiến: Trong quản lý KH-CN có sự phân cấp rất rõ ràng: Bộ KH-CN thay mặt Chính phủ quản lý nhà nước về KH-CN nói chung. Ngoài ra, hoạt động KH-CN ở các ngành thì do các Bộ, ngành quản lý. Hoạt động KH-CN ở các địa phương thì do các UBND của địa phương và thành phố trực thuộc Trung ương quản lý. Những đơn vị Bộ, ngành, địa phương đó phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý đối với các nhiệm vụ KH-CN. Bộ KH-CN xây dựng các quy định trình Chính phủ phê duyệt hoặc ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan thực hiện. Ngoài các chương trình trọng điểm, các đề tài, dự án cấp Nhà nước hoặc thuộc các đơn vị trong Bộ, Bộ không quản lý tới từng đề tài khoa học không thuộc phạm vi quản lý của mình.
Vụ việc đã xảy ra ở ĐH Bách khoa (BK) TP.HCM vừa được VietNamNet nêu là việc xảy ra ở một đơn vị cơ sở. Đơn vị chịu trách nhiệm về mặt quản lý chính là trường ĐHBK TP.HCM. Nếu là đề tài cấp Bộ, trường phải có trách nhiệm báo cáo lên Bộ GD-ĐT, đồng thời phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả của của hoạt động KH-CN trong phạm vi quản lý của họ. Với việc một đề tài nghiên cứu chỉ được cấp một khoản kinh phí rất nhỏ thì cũng là một vấn đề cần phải xem xét lại. Còn chuyện đề tài không thực hiện được hay chậm được nghiệm thu, quyết toán thì đơn vị quản lý đề tài là người phải chịu trách nhiệm chính.
- Nhưng thưa ông, có những nhà khoa học đã nợ nghiệm thu trễ hạn đề tài lên tới hàng tỷ đồng thì họ có chịu hình thức chế tài nào không?
- Dĩ nhiên là phải xử lý theo tinh thần của Luật KH-CN. Chúng ta cũng có Nghị định hướng dẫn về xử phạt hành chính trong hoạt động KH-CN. Sắp tới, Bộ KH-CN sẽ nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc những điều khoản đã được nêu trong Luật KH-CN và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
- Bộ KH-CN sẽ làm gì để chấm dứt hoặc hạn chế tình trạng “nợ trễ hạn nghiệm thu đề tài”, mà thực chất cũng là một hình thức lãng phí kinh phí Nhà nước, tiền của của nhân dân?
- Lãnh đạo Bộ KH-CN sẽ tác động cụ thể tới những nơi xảy ra những vụ việc như thế... Ngay tối 9/11, chúng tôi đã có những trao đổi với một nhà khoa học của ĐHQG TP.HCM. Ông ấy nói rằng với tinh thần của Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN mà Chính phủ mới ban hành, các đơn vị sẽ thực hiện theo tinh thần đổi mới của Đề án. Ngay những động thái của trường ĐHBK TP.HCM vừa qua cũng là những động thái tốt trong việc chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới nhằm khắc phục tình trạng nợ nghiệm thu đề tài như VietNamNet đã nêu.
Về phía lãnh đạo Bộ KH-CN, chúng tôi cũng sẽ có những tác động tới các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan theo chức năng và thẩm quyền của mình để thực sự giải quyết vấn đề này, hạn chế bớt và khắc phục cho được hiện tượng chậm nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài. Đồng thời, lãnh đạo Bộ KH-CN cũng đang phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý KH-CN.
- Và Bộ KH-CN sẽ kiên quyết với những trường hợp lãng phí kinh phí nghiên cứu khoa học?
- Sẽ có những cấp độ khác nhau trong việc xử lý. Tới đây, việc cấp kinh phí sẽ được giải quyết theo hướng: Nơi nào làm nghiên cứu tốt, có hiệu quả rõ ràng về mặt kinh tế-xã hội, nơi ấy sẽ được ưu tiên cấp kinh phí. Sẽ không cấp kinh phí nghiên cứu theo kiểu bình quân chủ nghĩa nữa, mà sẽ cấp dựa trên hiệu quả và chất lượng của công tác nghiên cứu ở từng cơ sở.
Để giải quyết căn cơ tình trạng lãng phí kinh phí nghiên cứu khoa học, hiện nay các cơ sở đã và đang làm cái việc xử lý ấy. Đó là việc dừng ngay đề tài lại; xem xét lý do đối với từng đề tài. Nếu là do chủ quan cá nhân những người tham gia đề tài hay chủ nhiệm đề tài thiếu trách nhiệm, đề tài đó phải có trách nhiệm bồi hoàn lại kinh phí đã được cấp. Trường hợp đề tài gặp những vướng mắc thật sự, hay gặp những rủi ro thật sự thì vẫn được chấp nhận là gặp rủi ro.
Những nhà khoa học chân chính bao giờ cũng có lòng tự trọng rất cao. Kinh phí nghiên cứu là cần thiết, nhưng không phải là tất cả đối với họ. Cho nên, cần phải có những cơ chế thích hợp để khuyến khích, động viên các nhà nghiên cứu làm khoa học. Cần nhìn nhận rằng sự phát triển của nền kinh tế-xã hội của một đất nước phụ thuộc rất lớn vào công sức đóng góp của các nhà khoa học.
- Từ lâu đã có dư luận về việc nhiều đề tài nghiên cứu xong thường chỉ để “cất vào ngăn kéo”. Thậm chí, nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện theo cách “moi tiền Nhà nước”. Bộ KH-CN đã có cuộc điều tra nào về các công trình nghiên cứu khoa học nằm trong các ngăn kéo, tủ hồ sơ? Hay con số thống kê về những đề tài nghiên cứu chưa xong thì đã bị lỗi thời, những đề tài cấp cơ sở nhưng lại mang tầm... dự báo chiến lược quốc gia, những đề tài đầu tư rất lớn, nhưng hiệu quả lại... rất thấp?
Luật Khoa học–Công nghệ (Do Quốc hội Khoá X, kỳ họp thứ 7 thông qua và Chủ tịch nước ban hành ngày 28/6/2000) |
Điều 57. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truiy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường: ... 2. Sử dụng sai mục đích ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. 3. Gian lận để được hưởng ưu đãi, khen thưởng trong hoạt động khoa học và công nghệ. 4. Vi phạm các quy định về tuyển chọn, giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thẩm định, đánh giá, nghiệm thu các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ... |
- Hiện nay, Bộ KH-CN rất quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các chương trình, đề tài nghiên cứu. Khi làm việc với các viện, các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, địa phương, chúng tôi đã đặt vấn đề sẽ rà soát lại trong giai đoạn 2001-2005, tổng kết lại toàn bộ hoạt động về KHCN và chuẩn bị cho kế hoạch năm năm tới. Bộ KHCN đã hướng dẫn cho các đơn vị làm báo cáo, trong đó sẽ đưa ra vấn đề đánh giá lại các nhiệm vụ KHCN. Những gì liên quan tới thực tiễn sản xuất, Bộ đã có cơ chế hỗ trợ cho sản xuất thử nghiệm nhằm đi đến ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống.
Nói đến chuyện “bỏ ngăn kéo” các đề tài nghiên cứu lúc này là không hợp lắm. Vì chuyện đó có thật, nhưng đã xưa rồi. Ngày nay, trong cơ chế thị trường, các nhà khoa học luôn tìm cách đưa các kết quả nghiên cứu của mình tiếp cận với thực tiễn, vì họ có lợi trong đó. Trong Techmart ở Hải Phòng vừa rồi chẳng hạn, các nhà khoa học rất được hoan nghênh. Chẳng hạn, trường ĐH Nông nghiệp I đã ký được tới hơn 17 tỷ đồng (chiếm hơn một nửa tổng giá trị các hợp đồng đã ký ngay trong chợ công nghệ), toàn bộ các sản phẩm của đơn vị này đã được trưng bày trong Techmart, ví như công nghệ trồng các loại hoa, quả trồng không cần đất của họ đã được các doanh nghiệp hết sức quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến thị trường của sản phẩm KHCN ngay từ khi đặt bút đăng ký đề tài nghiên cứu.
- Ông vui lòng cho biết: Có hay không số liệu thống kê trên toàn quốc về những trường hợp “nợ trễ hạn nghiệm thu đề tài” như đã xảy ra ở ĐHBK TP.HCM?
- Bộ đang triển khai đối với các Bộ, ngành, địa phương nhằm thống kê lại tình hình nghiên cứu KHCN trong năm năm qua.
- Như vậy, số liệu thực tế của ngày hôm nay là chưa có?
- Đã có, nhưng đó là những báo cáo rải rác, chưa đầy đủ của các năm. Còn báo cáo tổng kết cho cả năm năm thì đang được triển khai thực hiện. Các hoạt động về KH-CN của Bộ KH-CN được công khai rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. Đó là chủ trương phục vụ cho sự phát triển của nền KH-CN nước nhà. Ví dụ như việc tuyển chọn các đề tài, dự án, công bố các kết quả đã đạt được...
Làm sao đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh?
- Tổng số các viện nghiên cứu, các trường đại học có tham gia công tác nghiên cứu KHCN hiện nay trong cả nước là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo số liệu đăng ký ở Bộ KHCN, hiện chúng ta có hơn 1.100 các tổ chức KHCN, bao gồm các viện trong hai viện khoa học Việt Nam, các viện trong các Tổng công ty, các bộ, ngành, địa phương và trong các tổ chức chính trị, xã hội, các trường đại học... Có khoảng hơn 300 viện nghiên cứu lớn, còn lại là các viện nghiên cứu ở quy mô nhỏ do các tập thể, cá nhân thành lập.
- Theo UNESCO, tỷ lệ thành công của các đề tài nghiên cứu khoa học thường chỉ đạt 25-60%. Ở iệt Nam, tỷ lệ này được xác định là bao nhiêu?
- Thực ra, phải dựa vào những tiêu chí nhất định để đánh giá. Với các tiêu chí đánh giá khác nhau thì không thể so sánh được. Chúng ta chưa có những thống kê cụ thể nào về vấn đề này. Tuy nhiên, khi tổng kết hoạt động nghiên cứu KHCN trong các chương trình đề tài cấp Nhà nước từ 1996-2000, tỷ lệ ứng dụng thực tiễn các đề tài được đánh giá là khoảng 70%.
- Được biết Bộ KH-CN đang có chủ trương chuyển một số viện nghiên cứu thành mô hình hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Có bao nhiêu viện nghiên cứu cần chuyển sang hoạt động theo hình thức này, kinh phí dành cho họ chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học nói chung? Việc chuyển hướng hoạt động của các viện nghiên cứu như vậy sẽ có lợi như thế nào trong sự nghiệp phát triển nghiên cứu khoa học?
- Về việc chuyển một số viện nghiên cứu sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần IX của Đảng có ghi: “... khẩn trương chuyển các tổ chức KHCN nghiên cứu triển khai sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp...”. Vấn đề cần được hiểu là không phải tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học đều chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
Cụ thể: Một dạng là các hoạt động nghiên cứu (nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu về cơ chế chính sách...) được đảm bảo bởi kinh phí từ phía Nhà nước. Một dạng khác: Các viện nghiên cứu gắn với thị trường thì phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là những nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, sản phẩm của nó có thị trường, có người tiêu dùng.
- Trong việc đổi mới quản lý một số cơ quan nghiên cứu khoa học theo hướng doanh nghiệp hoá, phải chăng những vấn đề mà doanh nghiệp cần, thực tiễn cuộc sống cần thì cơ quan quản lý KHCN sẽ đồng ý giao cho việc nghiên cứu thực hiện thông qua các đơn đặt hàng trực tiếp với các doanh nghiệp? Theo ông, chúng ta đã đủ điều kiện “cần và đủ” để thực thi vấn đề này hay chưa?
- Hiện chúng ta có nhiều viện nghiên cứu có khả năng tạo ra các sản phẩm, các công nghệ mà thị trường có thể tiếp nhận được. Tuy nhiên, còn đang có những vướng mắc về cơ chế: Họ không có tư cách pháp nhân như các doanh nghiệp, không được đầu tư, không được đấu thầu, không được sản xuất kinh doanh, v.v... Tuy vậy, khi hoạt động nghiên cứu của họ tạo ra được những sản phẩm có thể đưa vào sản xuất thì họ có thể thành lập những doanh nghiệp của chính mình với cả hai chức năng: vừa được nghiên cứu như một tổ chức nghiên cứu về KHCN, vừa được phép sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp quy định.
Cần phải chuẩn bị cho các đơn vị này những cơ chế và pháp nhân để họ có được những cơ hội phát triển tốt, bởi đó là cách ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu của chính mình hay áp dụng những tiến bộ KHCN của thế giới.
- Phải giải quyết vấn đề như thế nào với các viện nghiên cứu dạng này: Cho họ thành lập một doanh nghiệp mới, hay cho họ thêm một chức năng mới?
- Thêm chức năng quyền hạn cho họ, và về mặt tổ chức cũng có những thay đổi nhất định cho phù hợp. Ví dụ, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (IMI) của Bộ Công nghiệp là một mô hình công ty mẹ-công ty con. Đây là một đơn vị thí điểm thực hiện theo mô hình viện nghiên cứu hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Thời gian qua, IMI hoạt động rất tốt. Những kết quả nghiên cứu của IMI được chuyển ngay sang các công ty con của họ và tiếp tục tiến hành sản xuất, kinh doanh hoặc liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài.
- Các hình thức hoạt động này hiện đã bắt đầu được triển khai hay mới ở dạng hoạt động thí điểm với vài đơn vị như IMI?
- Cách đây hơn một năm, IMI đã nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho hoạt động thử nghiệm. Tại Trung Quốc, đã có nhiều viện nghiên cứu dạng này. Tại Việt Nam, tháng 9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 171/QĐ-TTg, phê duyệt đề án đổi mới cơ chế quản lý hoạt động KHCN, trong đó có nội dung về việc chuyển đổi này. Trong việc tổ chức thực hiện, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ KHCN đang xây dựng Nghị định về việc này cũng như xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện. Trước hết, phải lựa chọn một số viện nghiên cứu đã có những sản phẩm gắn với thị trường trên thực tế, cho họ cơ chế và pháp nhân. Như thế, cơ hội phát triển đối với họ sẽ có. Đây chính là một hình thức đưa nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ ngay sau khi có kết quả nghiên cứu.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
-
Quý Hoài thực hiện