Robot leo cầu thang: 'Nghiên cứu' = Sao chép?
(VietNamNet) - Robot này do một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM chế tạo. Thế nhưng, ngay tại cuộc họp nghiệm thu đề tài này vào ngày 10/12, Hội đồng nghiệm thu đã phát hiện đây là... robot sao chép của nước ngoài!
Nhóm nghiên cứu đề tài đã cất công mang hai con robot đến tận phòng họp. Mỗi robot nặng 5kg. Đây là những chú robot mà nhóm đề tài cho biết là đã "nghiên cứu chế tạo trong vòng một năm qua"...
Robot dỏm: Thang giả, leo được; còn thang thật thì...
Robot leo cầu thang đã vượt dốc nhanh chóng ở cầu thang tự tạo của nhóm nghiên cứu. Còn với những cầu thang khác thì... (!) |
Khi biểu diễn, robot này đã vượt dốc cầu thang một cách lẹ làng. Thế nhưng khi Hội đồng Nghiệm thu Đề tài đề nghị nhóm nghiên cứu cho robot leo thử cầu thang thật thì... có "vấn đề" ngay! Ở một cầu thang ngay hành lang Văn phòng Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN) TP.HCM, robot đã không tự vượt nổi nấc thang đầu tiên. Nhóm nghiên cứu đã loay hoay tìm một bậc tam cấp khác trong khuôn viên Sở thì robot leo được hai bậc, đến bậc thứ ba thì... đứng im. Khi được ủn vào phần đuôi để leo dốc cầu thang, robot leo được lên thêm bậc thang thứ ba... rồi thôi!
Một thành viên Hội đồng Nghiệm thu nhận xét: "Nếu làm robot mà chỉ để chạy lên chạy xuống cầu thang cho vui thì sinh viên làm cũng được!".
Nghiên cứu? Không, sao chép đó mà!
Đến phần thảo luận, KS Đoàn Thế Thảo - thành viên nhóm nghiên cứu đã "khoe" nhóm có tới hai bài báo được đăng ở Kỷ yếu Hội nghị Cơ điện tử quốc tế tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2004. Ngoài ra, nhóm còn giải quyết được nhiều bài toán về nguyên lý liên quan đến việc chế tạo robot như momen động cơ, bài toán hình học và động lực học, phần mềm kiến trúc robot... Theo KS Thảo, việc giải quyết được các bài toán nguyên lý nói trên sẽ được áp dụng vào thực tế khi có điều kiện chế tạo robot chữa cháy thật.
Thử thách thứ thiệt: Khi yêu cầu biểu diễn với một cầu thang bất kỳ, robot leo cầu thang đã không thể leo nổi. Trong ảnh: Robot không vượt được cầu thang ở Sở KH-CN TP.HCM. |
Điều đáng ngạc nhiên là KS Đỗ Văn Dũng (Viện Cơ học Ứng dụng) đã phát hiện mô hình robot leo cầu thang của nhóm nghiên cứu được chế tạo gần như hoàn toàn theo robot Shrimp của hãng Bluebotics (Thuỵ Sĩ), nhưng trong phần báo cáo kết quả nghiên cứu không hề thấy nhắc đến bản quyền.
KS Dũng thắc mắc: Nhóm nghiên cứu liệu có làm được gi mới so với robot đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất thương mại của hãng này. Mô hình... là của người ta, báo cáo lại không chỉ ra được nét gì mới so với cái đã có thì hoá ra suốt một năm nghiên cứu chỉ làm công việc... lắp ráp?! Và như vậy, nếu cho phép nghiệm thu đề tài, không khéo Hội đồng Nghiệm thu cũng sẽ bị kiện ra toà vì tội thông qua đề tài sao chép!
KS Đoàn Thế Thảo liền phản bác: Nhóm nghiên cứu có tham khảo mô hình làm robot Shrimp của Thuỵ Điển. Theo KS Thảo, "nhóm nghiên cứu có sử dụng lại công thức nhưng đã có sự tính toán chi tiết cho phù hợp với các kích thước đã chọn. Ngoài ra do kinh phí không có nhiều nên nhóm nghiên cứu cũng phải tự xoay sở và tự làm lấy một số thiết bị cảm biến, mạch giao tiếp... Hơn nữa mục tiêu của nhóm nghiên cứu là khi đăng ký đề tài là nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình robot thông minh, dùng để thám hiểm địa hình". Cũng theo ông, "robot leo cầu thang phục vụ việc chữa cháy là đề xuất thêm nhiệm vụ của Hội đồng Xét duyệt Đề tài. Tuy nhiên, đây là việc làm bình thường vì trong nghiên cứu luôn có sự kế thừa và phải biết đứng trên vai của người khác".
Tuy nhiên khi Thư ký Hội đồng lục lại biên bản cuộc họp ngày 7/7/2003 với nội dung kết luận là: "giao cho nhóm nghiên cứu thiết kế chế tạo mô hình robot leo cầu thang định vị vị trí để phục vụ cho mục tiêu chữa cháy". Nghe xong, các thành viên đề tài đã không có ý kiến gì thêm.
Không đạt do "chưa thực hiện đúng hợp đồng"? |
Theo Hợp đồng 166/HĐ-SKHCN giữa Sở KHCN với trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề tài "Mô hình robot leo cầu thang" được giao cho nhóm đề tài do TS Nguyễn Văn Giáp và KS Đoàn Thế Thảo (Bộ môn Cơ-Điện tử, Khoa Cơ khí) làm chủ nhiệm. Kinh phí thực hiện đề tài là 68 triệu đồng trong thời gian một năm (tính từ tháng 9/2003). Đề tài nghiên cứu sẽ phải thực hiện bảy nội dung: Tìm hiểu các mạch, thiết bị thu nhận tính hiệu không dây; tìm hiểu, lựa chọn các cảm biến vật cản; phân tích thiết kế mô hình robot leo cầu thang; một số giải thuật xử lý ảnh có liên quan; một số giải thuật linh hoạt sử dụng các cảm biến; hợp nhất các tín hiệu thu được từ các loại cảm biến khác nhau; báo cáo nghiệm thu. Trong hợp đồng có ghi rõ: Nếu Hội đồng Nghiệm thu đánh giá kết quả nghiên cứu không đạt, phía thực hiện đề tài phải tiếp tục nghiên cứu thêm để đưa ra nghiệm thu lần thứ hai mà không được đòi hỏi Sở KHCN phải trả thêm một khoản kinh phí nào. Theo ý kiến chính thức của Hội đồng nghiệm thu, đề tài không đạt là do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu trong hợp đồng. |
Tiếp đó, TSKH Bùi Song Cầu - Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp, Thiết bị Công nghiệp, trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thành viên Hội đồng Nghiệm thu có ý kiến: "Toàn bộ công thức tính toán, thuật toán, hình vẽ, sơ đồ của nhóm báo cáo giống đến 100% tài liệu của robot Shrimp, không khác cả về câu chữ (bằng tiếng Anh). Tuy nhiên, một vài chỗ báo cáo cố tình làm khác đi thì rất tiếc lại... làm sai, hoặc chép nhầm (bản gốc trong phần toán hình học in sai phần sin là dương, nhóm cũng chép luôn y nguyên phần sai). Trong thiết kế robot, việc giải bài toán động lực là rất quan trọng, thế nhưng phần tính toán động năng, thế năng, tốc độ, gia tốc, năng lượng lại không hề được đề cập. Thuật toán cần xác định bảy thông số thì nhóm tự động cho trước đến năm thông số. Song vì sao cho như thế, cơ sở và cách cho cụ thể là như thế nào... thì lại không hề được lý giải. Chưa kể là đối với robot leo cầu thang, phần tính toán bánh xe để điều khiển robot là cực kỳ quan trọng, bánh xe thay đổi liên tục thế nhưng cho trước năm thông số cố định thì liệu có đảm bảo được sự điều khiển? Do hệ phương trình tính toán lại không sẵn có chi tiết nên nhóm nghiên cứu gần như nêu lại sơ đồ và chỉ tính một cách đơn giản N1, N2...".
TSKH Bùi Song Cầu cũng lưu ý nhóm tác giả: Hai bài báo bằng tiếng Anh đăng ở Hội nghị Cơ điện tử quốc tế cũng là có dấu hiệu sao chép lại. Một bài chép nguyên văn 100% từ chữ nghĩa cho đến công thức, hình vẽ của tài liệu nước ngoài. Bài còn lại chỉ chép 50%, phần còn lại tự viết... nhưng mà viết sai do tính toán không đúng (!).
Đáp lại ý kiến của TSKH Bùi Song Cầu, KS Đoàn Thế Thảo trả lời: "Việc nhóm nghiên cứu tham khảo tài liệu khoa học của nước ngoài là việc làm bình thường! Trong nghiên cứu khoa học, luôn có sự kế thừa và phải biết đứng trên vai của người khác".
Nghe vậy, TSKH Bùi Song Cầu liền "đáp" lại: Mặc dù đồng ý với tác giả là muốn làm được gì đó phải biết đứng trên vai người khác, việc tính toán quả thật có thể dựa trên ý kiến tham khảo từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, giá như tác giả chỉ dựa vào công thức để tính và tính đúng thì không có gì để nói, đằng này lại chép một cách tuỳ tiện và không suy nghĩ. "Tôi thật sự thất vọng vì sự thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học và sự thiếu tôn trọng đối của nhóm tác giả đối với Hội đồng." - TSKH Song Cầu nói.
Trong robot, chỉ thấy... rơ-le!
TSKH Bùi Song Cầu trao đổi trực tiếp với chủ nhiệm đề tài về những điểm sai trong báo cáo. |
Do việc "nghiên cứu, thiết kế, chế tạo" mô hình robot leo cầu thang được làm hoàn toàn theo bản vẽ nước ngoài, phần tính toán hầu như không có nên TSKH Bùi Song Cầu đề nghị điểm cho đề tài là 0 điểm. Tuy nhiên, một số thành viên Hội đồng lại cho rằng "phần công sức của nhóm đề tài trong việc gia công cơ khí cần phải được ghi nhận". Kỹ sư Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Công ty Petech và là thành viên Hội đồng Nghiệm thu, cho rằng "dù làm theo công thức và bản vẽ nước ngoài nhưng nhóm nghiên cứu cũng đã bỏ nhiều công sức để làm ra được một con robot" và "kết quả của đề tài là có khả năng ứng dụng thực tế". Vì vậy, ông đề nghị Hội đồng cho phép nghiệm thu đề tài.
Tranh cãi căng thẳng... Cuối cùng, một thành viên trong Hội đồng Nghiệm thu là TS Nguyễn Thị Phương Hà, ĐH Bách khoa TP.HCM đề nghị cho mở robot leo cầu thang để xem các phần thiết kế bên trong rồi mới đánh giá. (Đến lúc này, các thành viên đề tài và báo chí được mời ra ngoài phòng họp.)
Trao đổi với VietNamNet, một thành viên Hội đồng thuật lại: Khi mở ra, bên trong robot chỉ thấy... rơ-le, không thấy bộ vi xử lý ở đâu. Robot chưa thế xem là robot khi thiếu bộ phận vi xử lý - phần điều khiển trung tâm để điều phối mô-tơ. Cả phần cấp nguồn xung yếu để tiết kiệm năng lượng cũng không hề thấy!
Chưa rõ, nguyên nhân có phải do robot mà nhóm nghiên cứu tự chế tạo là sao chép hay vì lý do nào khác. Ít ra, Hội đồng Nghiệm thu Đề tài đã xét "chưa đạt" đối với đề tài nói trên.
TSKH Nguyễn Xuân Hùng, Viện Cơ học, chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, trong phần thông báo công khai kết quả đề tài đã cho biết: Đề tài chỉ đạt điểm trung bình là 47,5, theo quy định là không đủ điểm đạt.
Khi thông báo kết quả, TSKH Nguyễn Xuân Hùng đã buồn bã nói: "Suốt hơn mười năm tôi tham gia Hội đồng Nghiệm thu cấp Thành phố, đây là lần đầu tiên có một đề tài không đạt nghiệm thu như vậy!".
-
Bài, ảnh: Phan Thu Thảo
Tin liên quan:
Robot Shrimp III: "Chuyên gia trên địa hình gập ghềnh"
|
| |||||
|
Bạn đọc có ý kiến và thông tin nào muốn góp thêm về "sự kiện" này, xin gởi về theo mẫu dưới đây: