'Khoán': lối ra cho nghiên cứu khoa học
(VietNamNet) - Hội thảo "Đổi mới cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội" diễn ra trong hai ngày 21 & 22/12 tại TP.HCM. Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học thuộc các Viện, trường ĐH, Sở KHCN thuộc khu vực phía Nam.
-
Nghiên cứu khoa học: được phụ cấp 3.000-5.000 đồng/ngày
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong (người thứ hai từ trái sang) đang lắng nghe và ghi chép ý kiến phát biểu của các đại biểu |
Cho đến thời điểm này, việc quản lý tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện theo Thông tư 45/2001 của liên Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường và bộ Tài chính. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia phát biểu tại Hội thảo, các định mức qui định đã không còn phù hợp với thực tế và do đó gây khó khăn rất lớn cho chủ nhiệm đề tài.
TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Viện nghiên cứu Thuỷ sản 3 đã tỏ ra bức xúc: trong quá trình thực hiện đề tài, không ít lần người dân từ chối mua bán với nhà khoa học vì "ngại" khâu tiếp sau thanh toán là phải vác hộ khẩu lên Phường, xã để xác nhận. Việc mua bán cũng chỉ hay xảy ra ở chợ hoặc trực tiếp với người dân ở các địa điểm khác nhau, số lượng lại không lớn. TS Xuân Thu cho biết: thông tư đưa ra những qui định hết sức cứng nhắc, chẳng hạn chi tiền mua con giống, nguyên vật liệu, thuê ghe xuồng đều phải có biên nhận với chữ ký và con dấu xác nhận của phường, xã. Qui định này khiến cán bộ làm khoa học rất... khổ sở và làm hao tổn công sức của cán bộ nghiên cứu khi họ làm quyết toán chi phí thực hiện đề tài. Để "lách" các qui định này, nhà khoa học đành phải đi mua chứng từ, dù muốn hay không. Như vậy, theo TS Xuân Thu, điều này không chỉ khiến nhà khoa học phải tốn thêm tiền mua hoá đơn để hợp thức hoá mà còn ít nhiều ảnh hưởng đến phẩm chất trung thực ở các cán bộ khoa học.
Đồng tình với ý kiến của TS Xuân Thu, TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh, chủ nhiệm chương trình KC.03 nhận xét: cách quản lý tài chính như hiện nay, từ khâu xét duyệt đề tài, thẩm định đề tài và quyết toán kinh phí vẫn còn mang nặng tính hình thức và tạo ra...cơ chế nói dối. Chẳng hạn trong xét duyệt các đề tài KHCN trọng điểm cấp nhà nước (có thể xem là những đề tài khó và chưa bao giờ nghiên cứu trước đó) lại phải làm dự toán theo từng hạng mục, phải chi tiết đến từng linh kiện điện tử. Theo TSKH Quỳnh, để ra được dự toán chi li như vậy, chỉ có thể xảy ra hai khả năng, đó là đề tài đã được nghiên cứu, làm xong mọi việc nên mới có thể biết được chính xác đến từng con IC. Với các loại đề tài này không chừng đăng ký là..để moi tiền nhà nước. Khả năng thứ hai (khá phổ biến hiện nay) là tác giả phải...bịa hoàn toàn. Lý do là chưa nghiên cứu thì không thể nào dự toán chi tiết đến từng con IC hay từng ngày công lao động.
TS Phan Minh Tân, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết: cho đến thời điểm này, việc quản lý tài chính đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước đang được thực hiện theo thông tư 45/2001 của liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và bộ Tài chính. Tuy nhiên các định mức trong thông tư đã không còn phù hợp với thực tế và do đó gây khó khăn rất lớn cho chủ nhiệm đề tài. Chẳng hạn phụ cấp chủ nhiệm đề tài qui định là 100.000 đồng đối với đề tài cấp Bộ và 150.000 đồng đối với đề tài cấp nhà nước.Tuy vậy vẫn có nhiều đề tài tiếng là thuộc cấp Bộ, cấp Tỉnh nhưng qui mô, nội dung nghiên cứu và kinh phí thì lại không kém gì so với một số đề tài cấp Nhà nước. Vì vậy có thể nói mức kinh phí quản lý này là quá thấp, không phù hợp với thực tế.
Khoán trong tổ chức KHCN |
hực hiện Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2010, Bộ KHCN phối hợp với Bộ Nội Vụ xây dựng Dự thảo nghị đinh của Chính phủ về Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN. Các qui định đối với các tổ chức Khoa học và công nghệ chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế Doanh nghiệp. Nội dung bao gồm: 1. Các quy định đối với các tổ chức khoa học và công nghệ chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. 2. Các quy định về chế độ tài chính đối với các tổ chức khoa học và công nghệ khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức nghiên cứu khoa học được Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ được cấp kinh phí hoạt động thường xuyên từ ngân sách nhà nước tương ứng với nhiệm vụ. Các tổ chức KH&CN được tự chủ trong việc tạo nguồn thu từ các hoạt động. Mức thu do đơn vị tự thoả thuận và quyết định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí có tích luỹ, riêng mức thu phí và lệ phí được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các tổ chức KH&CN được nhà nước giao quyền sử tài sản, quyền quyết định mức thu nhập của cán bộ, viên chức theo hiệu quả của công việc. Các tổ chức KH&CN cũng được thực hiện cơ chế khoán chi đối với các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ thông qua hợp đồng kinh tế và trên cơ sở đánh giá, nghiệm thu sản phẩm đầu ra. Được quyết định mức chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước, được trích lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, phát triển hoạt động sự nghiệp. |
TS Xuân Thu đã thử làm một phép tính: với mức phụ cấp cho chủ nhiệm đề tài (CNĐT) là 100.000 đồng/tháng cho một đề tài cấp Bộ và 150.000 đồng/tháng cho một đề tài cấp Nhà nước thì tính ra mỗi ngày họ chỉ nhận được từ 3.000-5.000 đồng. Nếu một nghiên cứu viên chính có mức lương hệ số 1 là 3,35 x 290.000 đồng/tháng, công thêm phần phụ cấp là 150.000 đồng/tháng thì CNĐT thu nhập chỉ được khoảng 1 triệu đồng/tháng. Mức lương này còn thấp hơn mức lương của một công nhân bình thường. Với mức lương này, theo TS Xuân Thu, không thể tự tin để chắc chắn người làm nghiên cứu sẽ sử dụng toàn bộ kinh phí cho mục đích nghiên cứu mà không tìm cách "cấu véo" bớt phần kinh phí. TS Xuân Thu nhận xét: với cách qui định này, thật sự nhà nước đang đánh đố người làm nghiên cứu khoa học, cán bộ nghiên cứu phải đứng giữa hai sự lựa chọn, đó là sự tận tâm và trung thực với sự tồn tại và phát triển.
Không chỉ bất câp trong các qui định hết sức chặt chẽ, kinh phí từ lúc xét duyệt được thông qua cho đến khi tiền đến tay người nghiên cứu thường kéo dài và rất muộn. TS Xuân Thu đã kể lại: đã có không ít trường hợp CNĐT đã phải vét sạch tiền nhà, cơ quan chủ quản vét quỹ để ứng trước. Do việc cấp phát kinh phí thường chậm trễ (từ 3-6 tháng), chủ nhiệm đề tài nếu chờ thì sẽ không đảm bảo tiến độ thực hiện đề tài, ngoài ra CNĐT còn phải đi vay mượn thêm để có kinh phí ứng trước.
-
Kinh phí từ thuê khoán, phản biện: nhiều bất cập
PGS TS Phan Minh Tân:"Còn quá nhiều bất cập trong việc chi kinh phí nghiên cứu khoa học" |
Ngoài ra, định mức thuê khoán chuyên môn theo. Thông tư qui định là không được vượt quá 12 triệu đồng/chuyên đề đối với đề tài cấp Bộ và 20 triệu đồng/chuyên đề đối với đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước cũng có nhiều bất cập. PGS TS Phan Minh Tân đã kể lại: gần đây, một chủ nhiệm đề tài nghiên cứu đã nhận một đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với kinh phí là 500 triệu đồng. Vị chủ nhiệm này đã đề xuất đến...100 vấn đề cần thuê khoán chuyên môn với kinh phí từ 5-12 triệu đồng. Đối phó với qui định này, chủ nhiệm đề tài phải chia nhỏ các nhiệm vụ nghiên cứu để "hợp lý" (số tiền chỉ cần nhỏ hơn 12 triệu đồng là được, thậm chí có thể lên đến 100 chuyên đề cũng không sao). TS Bùi Công Quế, trưởng ban Kế hoạch tài chính Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đã nhận xét: qui định về thuê khoán chuyên môn như trên có nhiều sơ hở về mặt tài chính, chưa đề cao được vai trò và trách nhiệm cơ quan chủ trì đề tài trong việc quản lý nguồn kinh phí được giao.
Mặc dù lộ trình quản lý tài chính thông qua qui định rất chặt chẽ, chủ nhiệm đề tài đề xuất kinh phí và bảng giải trình chi tiết, sau đó đưa ra hội đồng xét duyệt để đóng góp ý kiến rồi mới trình lên cơ quan quản lý đề tài. Tuy nhiên phần vật tư, hoá chất, nguyên vật liệu phục vụ cho đề tài thì rất khó để tính được chính xác. Để đảm bảo an toàn, các nhà khoa học thường phải dự trù cao hơn mức thực tế. Điều này khiến cho các cơ quan quản lý tài chính phải so đo tính toán lại để cắt giảm. Thậm chí có đề tài bị cắt giảm từ 30-50% tổng số kinh phí nhưng nội dung nghiên cứu vẫn không thay đổi, sản phẩm nghiên cứu vẫn phải giữ nguyên như lúc đăng ký. Điều này dẫn đến sự khó khăn cho các nhà khoa học, hoặc phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài, hoặc phải "liệu cơm gắp mắm" dẫn đến việc không đảm bảo chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra qui định về phản biện đề tài (cho cả hội đồng xét duyệt và nghiệm thu) cũng được cho là không hợp lý. Để đọc tài liệu và viết ý kiến phản biện một cách nghiêm túc, người phản biện phải bỏ ra ít nhất từ ba buổi cho đến một tuần để đọc và viết, thế nhưng mỗi phản biện chỉ nhận được từ 200.000-300.000 đồng. TS Phan Minh Tâm cho rằng: mức chi quá thấp như vậy thì không thể ràng buộc trách nhiệm với người phản biện, nếu bài phản biện kém chất lượng, xuê xoa đại khái thì không thể đòi hỏi viết lại vì sẽ nhận được câu trả lời :"tiền nào của đó".
TSKH Vũ Đình Cự, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Môi trường Quốc Hội cũng tiết lộ: ngoài những "nỗi khổ" về tiền bạc mà các nhà khoa học đã đề cập ở trên, người làm khoa học còn có nỗi khổ "cống nạp". Tiền ký nhận để thực hiện đề tài là 300 triệu thì thực tế chỉ được nhận khoảng 280 triệu, số tiền 20 triệu sẽ phải được dùng để chi vào những nơi có liên quan. Chẳng hạn, ban chủ nhiệm đề tài phải nộp cho ban chủ nhiệm chương trình một số kinh phí chiếm vài phần trăm kinh phí đề tài. Nhiều nhà khoa học khi được TSKH Vũ Đình Cự hỏi đã thừa nhận có hiện tượng này, chưa kể số phần trăm này còn phải được tính để chi vào các khoảng lễ lạc, Tết nhất.
-
Khoán: le lói một lối ra
Có mặt tại buổi hội thảo, bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Hoàng Văn Phong đã đề nghị cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học nhằm tháo gỡ những rào cản bất hợp lý nói trên. Cơ chế quản lý mở này sẽ giúp phát huy tính năng động sáng tạo cho người nghiên cứu. Khoán kinh phí sẽ giúp người nghiên cứu linh động và lựa chọn phương án tối ưu, có hiệu quả nhất và không bị ràng buộc theo khoản định mức được duyệt theo các khoản ban đầu, tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu không hợp lý, tiết kiệm thời gian và công sức để nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu. Người được nhận "khoán" được toàn quyền sử dụng kinh phí và nếu làm không được phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Đa số ý kiến của các đại biểu đều cho rằng cần khoán kinh phí trong nghiên cứu khoa học công nghệ. TS Phan Minh Tân nêu một loạt các đề xuất để đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Hoặc phải sửa đổi thông tư 45 theo hướng tăng một số định mức chi từ 2-3 lần so với hiện nay: tăng phụ cấp cho các chủ nhiệm đề tài, các hợp đồng thuê khoán chuyên môn. Trao quyền cho chủ nhiệm đề tài trong việc chi kinh phí sau khi đã được hội đồng xét duyệt, chủ nhiệm đề tài có quyền chi kinh phí không theo định mức và tự quyết định phân bổ kinh phí cho các khoản chi tiêu. Tất nhiên về mặt thủ tục hành chính, chủ nhiệm đề tài vẫn phải đảm bảo có đầy đủ các chứng từ, hoá đơn cần thiết. Ngoài ra, đối với việc giám sát, theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài, Sở KHCN TP HCM đề xuất là sẽ ký hợp đồng với hai phản biện làm luôn việc theo dõi , kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện đề tài. Mức thù lao sẽ chiếm 3-5% tổng số kinh phí đề tài.
TS Phan Minh Tân cũng cho biết: "Vụ robot leo cầu thang vừa qua, cũng đã khiến cho những người làm quản lý như chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn đến việc quản lý đề tài nghiên cứu khoa học". Đó là việc quản lý đề tài lỏng lẻo và hầu như không có sự giám sát, theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện cả về phía cơ quan chủ trì và cơ quan quản lý. Các thành viên phản biện cũng không có chức năng theo dõi, kiểm tra đề tài mà chỉ dừng ở việc đọc và viết nhận xét cho phần đề cương chi tiết của đề tài khi xét duyệt và của báo cáo nghiệm thu khi họp nghiệm thu đề tài. "Với cách làm như hiện này thì việc đánh giá kết quả nghiên cứu sẽ không sâu sát và không hiệu quả",PGS TS Phan Minh Tân nói
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và Môi trường Quốc Hội đề xuất: các nhóm thực hiện đề tài phải ghi nhật ký công việc nghiên cứu. Hội đồng nghiệm thu khi đánh giá kết quả có thể xem nhật ký để biết cách thức, các bước tiến hành, tránh các sự cố đáng tiếc không làm, không nghiên cứu đến hạn nghiệm thu lại đi sao chép như vừa qua.
Cơ sở để khoán kinh phí cho các hoạt động khoa học công nghệ, theo ý kiến của TSKH Nguyễn Xuân Quỳnh là sẽ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của đề tài, quy mô và tầm cỡ của sản phẩm, căn cứ vào các khối lượng công việc được xác định trước trong đề tài.
Tuy nhiên, một đại biểu cũng cảnh báo: việc thực hiện cơ chế khoán kinh phí đối với đề tài nghiên cứu khoa học cần phải đi kèm với việc nâng cao chất lượng công tác xét duyệt đề tài, nghiệm thu đề tài. Nếu không thực hiện được điều này, lại tiếp tục rơi vào tình trạng buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho việc thất thoát kinh phí mà không mang lại hiệu quả trong nghiên cứu.
-
Bài, ảnh: Thu Thảo