Việt Nam sẽ có luật hạt nhân vào năm 2007
(VietNamNet)-Việt Nam hiện có một số văn bản pháp luật liên quan tới năng lượng hạt nhân (NLHN) song chỉ điều chỉnh đến an toàn bức xạ trong hoạt động hạt nhân, chưa phù hợp và đáp ứng với chương trình phát triển NLHN trong tương lai. Chính vì lý do này mà Bộ KH&CN đang tiến hành soạn thảo luật năng lượng hạt nhân.
Hội thảo về pháp luật năng lượng hạt nhân tại Hà Nội. |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Pháp luật năng lượng hạt nhân diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6 tại Hà Nội. Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Pháp đã trao đổi với phía Việt Nam nhiều kinh nghiệm liên quan tới vấn đề này nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, điều chỉnh mọi hoạt động hạt nhân ở Việt Nam. Sau khi kết thúc hội thảo, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam.
Xin ông cho biết hiện quá trình soạn thảo đang ở giai đoạn nào và dự kiến khi nào Việt Nam sẽ có luật hạt nhân?
TS Vương Hữu Tấn: Luật có vai trò rất quan trọng, là cơ sở để phát triển NLHN. Năm 2003, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo Luật NLHN và Bộ KH&CN đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Hiện Viện NLNTVN đang chủ trì soạn thảo luật cùng với Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân, Vụ pháp chế (Bộ KH&CN). Hiện chúng tôi đã hoàn thành dự thảo luật số 1 và đã tổ chức ba hội thảo tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Lạt để lấy ý kiến các chuyên gia, sau đó tiếp tục hoàn thiện.
Theo kế hoạch của Quốc hội thì năm 2007 sẽ thông qua Luật NLHN. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng xong dự thảo trong năm 2006 để trình Chính phủ.
Được biết Việt Nam hiện có nơi quản lý chung về chất thải phóng xạ từ các cơ sở y tế, công nghiệp và hạt nhân. Vậy dự luật có quy định về vấn đề này?
-Hiện nay Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ (ban hành 1997) đã quy định, điều chỉnh các cơ sở bức xạ nhưng chưa có về cơ sở hạt nhân. Luật NLHN sẽ đáp ứng yêu cầu chung hơn khi Việt Nam phát triển điện hạt nhân và luật có thể điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân.
Về mặt quốc gia thì chưa có một địa điểm chung trong toàn quốc để chôn lấp, quản lý chất thải phóng xạ. Kinh nghiệm các nước phát triển hạt nhân cho thấy quản lý chất thải phóng xạ ở một địa điểm chung thì sẽ thuận tiện và an toàn hơn. Trong tương lai, khi Việt Nam phát triển điện hạt nhân thì chắc chắn phải làm điều đó. Tất nhiên là luật NLHN sẽ có một chương riêng về quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Về quản lý chất thải phóng xạ thì hiện thải ở đơn vị nào đơn vị đó tự quản lý. Nguồn chất thải phóng xạ lớn nhất hiện nay là từ lò phản ứng ở Đà Lạt, nơi có cơ sở lưu giữ và xử lý riêng. Còn các cơ sở y tế, chẳng hạn như trong y học hạt nhân, thì chất thải thường sống ngắn nên được lưu giữ trong các bể. Sau một thời gian, chất thải đó phân rã và nếu ở mức chấp nhận được thì có thể được thải ra môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn các nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp, đã hết hạn sử dụng hoặc cường độ không đủ để bảo yêu cầu công việc, thì sẽ được lưu giữ trong kho, che chắn cẩn thận. Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân quản lý hồ sơ và hàng năm tới từng cơ sở để kiểm tra.
Việt Nam mới chỉ có ba trạm quan trắc phóng xạ thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hai phòng thí nghiệm an toàn bức xạ. Số lượng này có đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay?
-Hiện năng lực của hai phòng thí nghiệm an toàn bức xạ và một phóng chuẩn liều bức xạ quốc gia có thể đủ để theo dõi mọi nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực bức xạ ở Việt Nam, khoảng một vài ngàn người.
Còn về quan trắc phóng xạ môi trường thì ba trạm hiện nay thì tất nhiên là chưa đủ để theo dõi cảnh báo tức thì về tình trạng phóng xạ, đặc biệt là những đột biến phóng xạ từ các nước khác lan tới Việt Nam. Hiện chúng tôi đang xây dựng đề án để trình Chính phủ về việc xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia. Trong tháng sau, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo về vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!
-
Minh Sơn (thực hiện)