,
221
2121
Trong nước
trongnuoc
/khoahoc/trongnuoc/
702594
Nghiên cứu tế bào gốc: Chất xám VN theo kịp thế giới
1
Article
446
Khoa học
khoahoc
/khoahoc/
,

Nghiên cứu tế bào gốc: Chất xám VN theo kịp thế giới

Cập nhật lúc 19:34, Chủ Nhật, 04/09/2005 (GMT+7)
,

Nâng cao tỷ lệ thành công nhân bản vô tính từ 0,1% lên đến 7%; trữ tinh trùng không cần đông lạnh... Từ Kobe, TS Nguyễn Văn Thuận đã cho phóng viên VietNamNet biết những thành tựu nghiên cứu mới nhất của ông và đồng nghiệp tại Nhật trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc.

 

"Nếu luật cho phép thì chúng tôi sẽ tạo được tế bào gốc của  người bằng nhân bản vô tính," TS. Nguyễn Văn Thuận khẳng định.

 Sinh năm 1966, từng là giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM và hiện là Giáo sư thỉnh giảng trường ĐH Kobe, Nhật, TS. Nguyễn Văn Thuận còn là nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Genomic Reprogramming thuộc Trung tâm Công nghệ Sinh học-Viện Sinh Lý Hóa Nhật Bản  (RIKEN – CBD).

-Thưa ông, công việc của ông tại phòng thí nghiệm “Genomic Reprogramming”  hiện nay là gì?

- Phòng thí nghiệm của chúng  tôi mang tên: “Genomic Reprogramming”. Hiểu  theo tiếng Việt là “tái biệt hóa trở lại gien đã được biệt hóa”. Như chúng ta đã biết, tế bào mầm biệt hoá thành một loại tế bào như  tế bào da, gan, tim phổi v.v. và  chỉ tạo ra  đúng loại tế bào ấy mà thôi! Tuy nhiên, ngày nay, người ta đã biết  một tế bào đã biệt hóa  vẫn  có thể tái biệt hóa (Reprogramming) trở lại để tạo thành những tế bào mầm (Stem cell). Những tế bào mầm này nếu được tác động thích hợp có thể tạo nên bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể. Đây chính là một phát hiện mới và có ý nghĩa cao nhất đối với sự thành công nhân bản động vật.

Hiện nay các nhà nghiên cứu về nhân bản vô tính trên thế giới đang tập trung tìm hiểu yếu tố nào đã tác động lên một bộ gien đã được biệt hóa và làm cho nó lập trình trở lại để có thể tạo nên bất cứ loại tế bào nào trong cơ thể chúng ta. Nếu tìm được chìa khóa tắt mở đó chúng ta không cần phải sử dụng phôi nhân bản của người để tạo ra tế bào gốc (Nuclear transfer Embryo Stem cell - ntES). Hơn thế, người ta có thể điều khiển trực tiếp tế bào biệt hóa trở thành tế bào chưa biệt hóa, sau đó hướng cho chúng biệt hóa trở lại thành loại tế bào mà chúng ta cần.

Gần đây, giới thông tin đại chúng xôn xao về nhũng kết quả mà các nhà khoa học Hàn Quốc, đứng đầu là GS Hwang Woo-suk đạt được. Theo đó, Hàn Quốc đã thành công trong việc nhân bản vô tính phôi người cho mục đích trị liệu… “Genomic Reprogramming” có đạt được tiến bộ bộ nào trong lĩnh vực này?

- Tỷ lệ thành công của nhân bản rất là thấp khoảng 0.1-2 % đối với những phòng thí nghiệm chuyên nghiệp. Do có rất nhiều những sự khác biệt giữa phôi nhân bản vô tính và phôi thụ tinh bình thường.

Soạn: AM 537612 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Phương pháp nhân bản vô tính trên chuột: 1. Loại bỏ nhiễm sắc thể của tế bào trứng chín (Lấy nhân), 2. Loại bỏ màng tế bào và tế bào chất của tế bào soma 3. Đưa nhân tế bào soma vào tế bào trứng đã lấy nhân (Chuyển nhân), 4. Kích hoạt bằng hóa chất, hoặc sung điện (Kích hoạt trứng) và ức chế sự phân chia của nhiễm sắc thể chúng ta sẽ thu đuợc phôi nhân bản vô tính. 5. Nếu nuôi phôi nhân bản trong môi trường tạo tế bào gốc chúng ta sẽ tạo được tế bào gốc, nếu chúng ta chuyển sang một thú cái mang thai hộ, chúng ta sẽ có được thú nhân bản.

Gần đây, chúng tôi đã có thể nâng tỷ lệ thành công nhân bản vô tính lên đến 7-8%, thông qua xử lý những sai sót trong quá trình biệt hóa của tế bào. Công trình này của chúng tôi sẽ được công bố vào cuối năm nay. Một mảng khác trong nghiên cứu của chúng tôi là tạo ra tế bào gốc từ phôi nhân bản. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành xác định có hay không sự khác biệt giữa tế bào tạo từ phôi nhân bản vô tính  so với tế bào tạo ra từ phôi thụ tinh bình thường. Mục đích của việc này là nhằm  đảm bảo cho việc ứng dụng tế bào mầm từ phôi nhân bản vô tính trong điều trị y học trong tương lai.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nghiên cứu về những phương pháp mới để chuyển gen tạo dòng mới trong động vật, và giải quyết những kỹ thuật mới  để tạo ra thế hệ mới hoàn toàn khỏe mạnh và an toàn. 

-Những thành tựu mà “Genomic Reprogramming” đạt được như ông vừa nêu sẽ khả dụng trong một tương lai gần?

- Hiện chúng tôi đã có thể tạo ra một cơ thể nhân bản và tế bào gốc động vật dễ dàng và từ tế bào gốc chúng tôi có thể tạo ra các loại tế bào khác nhau. Tuy nhiên, để từ tế bào gốc tạo ra một bộ phận cơ thể hoàn chỉnh thì vẫn còn trong nghiên cứu và rất phức tạp. Theo tôi, nhân loại sẽ phải mất hàng thập kỷ, thậm chí vài thập kỷ nữa thế giới mới có thể thành công trong kỹ thuật này. Thế nhưng xu hướng chung của các nhà nghiên cứu hiện nay là chuyển những gen không đào thải từ người sang động vật, ví dụ như heo (vì cơ quan nội tạng của heo có kích thước gần tương xứng với nguời). Sau đó ,chúng ta nhân bản những con heo đã được chuyển gen này và sử dụng nội tạng của nó cho người bệnh .

Về khả năng ứng dụng của kỹ thuật này, tôi nghĩ còn xa… Mặt khác, chúng còn phụ thuộc vào luật lệ của mỗi nước

TS Nguyễn Văn Thuận, sinh năm 1966. Ông tốt nghiệp bác sĩ thú y tại  ĐH Nông Lâm TP.HCM năm 1990 và được giữ lại làm việc tại trường. Năm 2002, ông đậu tiến sĩ tại ĐH Kobe, Nhật với chuyên ngành sinh sản sinh lý.

Từ tháng 4/2004 đến nay, TS Nguyễn Văn Thuận làm việc tại Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học Và Phát Triển, Viện Lý Hóa Nhật Bản (RIKEN-CDB), Phòng nghiên cứu Tái Biệt hóa Gene và Tế Bào Gốc.

Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Thuận còn là  Giáo sư thỉnh giảng tại các ĐH Kobe, ĐH Kinki; thành viên phản biện cho các tạp chí khoa học: Biology of Reproduction (USA), Reproduction (USA), Theriogenology (USA), The Journal of Reproduction and Development (Japan); Chủ tịch điều hành Hiệp Hội Công nghệ Sinh Học Sinh Sản các nước Á Châu (ARB)

-Chúng tôi được biết, gần đây, ông đã phát triển một phương pháp được gọi là “Bảo quản tinh trùng không cần đông lạnh” nhằm thay thế cho cách trữ tinh truyền thống là phải bảo quản tinh ở nhiệt độ dưới 0 độ C khá phức tạp và tốn kém. Ông có thể cho độc giả VietNamNet biết thêm về công trình này của mình?

- Phương pháp mới này giúp cho chúng ta có thể vận chuyển tinh trùng không cần phải trữ đông, mà chỉ sử dụng nước và tăng áp suất thẩm thấu của nước lên khoảng 700-800 Osmolarity (đơn vị đo thẩm thấu) bằng muối (NaCl). Như vậy chúng ta có thể mang tinh trùng từ nước này sang nước khác mà không cần nitơ lỏng. Tinh trùng chỉ cần được bảo quản trong tủ lạnh bình thường mà vẫn  có thể tạo ra thế hệ sau khỏe mạnh và an toàn.  

Công trình đã được đăng trên tạp chí Biology Reproduction ở Mỹ vào đầu năm 2005. Về mặt ý nghĩa, phương pháp trữ tinh trùng không cần đông lạnh, với việc kết hợp kỹ thuật cao trong phòng thí nghiệm chúng ta có thể làm giảm bớt chi phí bảo quản tinh trùng trong vận chuyển. Đặc biệt, kỹ thuật này có thể ứng dụng để thu hoạch tinh trùng của những thú quý hiếm bị săn bắn trong điều kiện không có thiết bị bảo quản đông lạnh, chỉ cần muối và nước. Phương pháp mới này ở Nhật Bản chúng tôi đặt tên là Shiotsuke, có nghĩa là muối dưa.

-Thưa ông, ở góc độ khác của vấn đề… nghiên cứu tế bào gốc và nhân bản vô tính đang trở thành cơn sốt trong giới khoa học. Không kể các nước phát triển với nguồn lực dồi dào, ngay cả ở châu Á, một số quốc gia như Singapore, Hàn Quốc cũng đang ôm mộng trở thành cường quốc trong lĩnh vực này. Riêng Hàn quốc đang có những thành tựu khiến thế giới phải chú ý. Ông nhận định gì về việc này?  

- Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới tạo ra phôi người thông qua kỹ thuật nhân bản, và từ phôi nhân bản đó họ đã tạo ra được tế bào gốc của người với mục đích ứng dụng trong điều trị những bệnh cần chuyển tế bào gốc. Tại sao không phải các nước khác mà là các nhà khoa học Hàn Quốc tạo ra phôi người nhân bản và tế bào gốc từ phôi người? Đó là do luật của Hàn Quốc cho phép, trong khi đó ở các nước khác thì luật không cho phép. Hiện nay, Nhật Bản đang xem xét luật về nhân bản vô tính. Nếu luật cho phép, chúng tôi sẽ tạo được tế bào gốc của  người bằng nhân bản vô tính.

Còn Việt Nam…, chúng tôi được biết Nhà nước đã có những đầu tư khá đáng kể trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc dù đây vẫn còn là một lĩnh vực mới mẽ. Ông có tin rằng, các nhà khoa học VN sẽ bắt kịp thế giới trong lĩnh vực nhân bản vô tính không?

- Theo tôi được biết, hiện ở Việt Nam có Phòng thí nghiệm Sinh học Sinh sản và Phát triển thuộc Viện Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam do TS. Bùi Xuân Nguyên phụ trách. Phòng thí nghiệm này  đang thực hiện nhân bản động vật. Qua trao đổi với TS. Nguyên, tôi cũng được biết là nhóm nghiên cứu của TS. Nguyên đã tạo ra được phôi nhân bản. Trong điều kiện kinh phí thiếu thốn và trang bị còn hạn chế, để làm được phôi và tạo ra động vật nhân bản không khó và cũng không cần phải một phòng thí nghiệm hiện đại. Tuy nhiên, điều cần thiết là những nhà nghiên cứu tâm huyết (dĩ nhiên là họ phải được đảm bảo đời sống) thì nhất định chúng ta sẽ thành công.

Phòng thí nghiệm Genomic Reprogramming được trang bị hiện đại.

Theo quan điểm của tôi, cho dù có bỏ ra hàng chục triệu đô la để xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại nhưng các nhà khoa học vẫn còn phải loay hoay lo cho cuộc sống thường nhật của mình thì đây là sự lãng phí vô cùng. Nếu không đảm bảo được nguồn nhân lực này thì cho dù có đầu tư máy móc hiện đại đến mấy rồi cũng đến lúc máy móc, thiết bị sẽ hư hỏng và lạc hậu theo thời gian.

Do đó, trả lương để đảm bảo đời sống là con đường đúng nhất để thúc đẩy sự phát triển của đất nuớc, chống được lảng phí và trên đó nữa chống tham nhũng

Theo ông, còn kinh nghiệm nào khác mà ta cần học tập các nước để nhanh chóng phát triển trình độ nghiên cứu khoa học-công nghệ nhằm bắt kịp tiến bộ thế giới?  

- Trong hoạt động khoa học ở Việt Nam hiện nay, điều mong ước của tôi là các công trình nghiên cứu phải được đăng trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới, chứ không chỉ khép kín ở hội đồng nghiệm thu trong nước. Nếu cứ khép kín như thế thì kết quả nghiên cứu đúng hay sai ít ai biết được.

Tại sao tôi nói vậy... bởi vì, trong giới khoa học, chỉ có những nhà nghiên cứu cùng thực hiện một loại đề tài nghiên cứu thì mới biết được vấn đề đó là đúng hay sai, chứ không phải là một hội đồng đầy đủ các nhà khoa học khác ngành là có thể biết được.

Hơn nữa, các nhà khoa học trên thế giới khi phản biện một kết quả nghiên cứu thì hoàn toàn không vụ lợi, không quen biết với tác giả công trình, cho nên mức độ tin cậy khi đánh giá sẽ càng cao hơn. Và chỉ có những dự án với những kết quả là những công trình được chấp nhận trên tạp chí quốc tế mới được tiếp tục tài trợ cho những nghiên cứu tiếp theo. Chúng ta có làm như vậy thì mới thúc đẩy được khoa học nước nhà và giảm thiểu sự gian lận trong khoa học, đồng thời hội nhập với khoa học thế giới trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

  • Hương Cát thực hiện

Ý kiến của bạn:

 


 

,
,