Công nghệ nào cho nhà máy điện hạt nhân VN?
(VietNamNet)-Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) vào khoảng năm 2020. Tuy nhiên, nên sử dụng một hay nhiều công nghệ? Để làm rõ hơn về vấn đề này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Nguyên, nguyên Giám đốc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, bên lề Hội thảo Công nghệ Pháp-Việt.
*Gần đây Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp... tổ chức nhiều hội thảo nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về phát triển ĐHN. Theo ông, trong tương lai Việt Nam nên lựa chọn một hay nhiều công nghệ?
-Tôi cho rằng Việt Nam nên thúc đẩy các đối tác thành lập một consortium gồm nhiều nước để làm việc với Việt Nam về ĐHN, chẳng hạn như consortium gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Nga... Trong trường hợp như thế sẽ có rất nhiều thuận lợi, vì consortium huy động được nhiều vốn hơn, tạo mối quan hệ đa phương bền vững, lâu dài và một rào chắn chính trị, nghĩa là các nước tham gia đều có quyền lợi, giảm ''sự đối đầu'' giữa họ với nhau. Còn Việt Nam có thể lựa chọn điểm mạnh công nghệ của từng đối tác, chẳng hạn như Nhật Bản mạnh về điện tử, điều khiển... Nói cách khác ta có thể kết hợp ưu điểm công nghệ riêng của nhiều nước khác nhau vì một nhà máy ĐHN rất lớn, nhiều thiết bị, phụ tùng. Làm như thế sẽ tốt hơn so với chỉ có một đối tác.
*Vậy có sợ công nghệ của các nước không đồng bộ với nhau?
Thực ra hiện nay công nghệ của các nước tương đối chuẩn hoá, thiết kế theo xu hướng modul hoá nên có thể giải quyết được những vấn đề đó, chẳng hạn như hệ lò phản ứng của nước A và hệ điều khiển của nước B có thể phối hợp với nhau. Một số nước như Hàn Quốc đã làm như vậy. Do đó phải xem xét, cân nhắc kỹ.
*Dự kiến tới năm 2020 Việt Nam sẽ có nhà máy ĐHN đầu tiên. Tuy nhiên hiện vẫn chưa lựa chọn được công nghệ. Vấn đề này có làm chậm kế hoạch đó không?
Theo tính toán của các chuyên gia năng lượng , mức độ huy động tối đa khả năng các nguồn năng lượng nội địa của VN tới năm 2020 có thể đạt 165 tỷ kWh, trong đó thuỷ điện chiếm 58 tỷ, nhiệt điện khí 78 tỷ, nhiệt điện than 37 tỷ và năng lượng mới 2 tỷ kWh.
Khi đó VN còn thiếu khoảng 36-65 tỷ kWh. Nhập khẩu điện và than để giải quyết sự thiếu hụt này không phải là phương án tối ưu nếu nhìn nhận từ góc độ an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững. Do vậy, ngoài các nguồn năng lượng tái sinh như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối..., phát triển điện hạt nhân là cần thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. |
Chắc là sẽ chậm vì Việt Nam vừa mới hoàn thành Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên và trình Thủ Tướng Chính phủ. Sau đó sẽ là giai đoạn khả thi, chọn địa điểm xây dựng, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu... Những công đoạn này phải mất vài năm. Còn kể từ khi khởi công xây dựng thì phải mất 7 năm mới hoàn thành xong nhà máy. Do vậy, nếu định năm 2020 có nhà máy ĐHN thì bây giờ ta phải tiến hành rất quyết liệt rồi, nhưng hiện nay lại chậm.
*Xây một nhà máy ĐHN gồm 2 tổ máy tại một địa điểm tốn khoảng 4 tỷ đôla trong khi tuổi thọ của một nhà máy thường là 40-50 năm. Vậy khả năng thu hồi vốn sẽ như thế nào và giá điện hạt nhân có cao hơn giá điện từ các nguồn trong nước hiện có?
Khả năng thu hồi vốn khá nhanh song còn phụ thuộc vào cơ cấu vốn, liệu đó là vốn vay trả chậm hay vốn của Việt Nam. Hiện so với các nguồn trong nước thì giá điện hạt nhân cao hơn. Nếu so với giá nhập khẩu thì ĐHN cạnh tranh được. Tuy nhiên, trong vấn đề năng lượng, ngoài giá còn có vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và nhiều khi cũng phải trả giá cho cái đó. Chẳng hạn nếu ta phải nhập khẩu than thì sẽ gặp khó khăn do tình hình an ninh trong vận chuyển, giá than dao động không kém giá dầu trong tương lai...
*Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng xây dựng nhà máy ĐHN ở VN hiện không an toàn do tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản, nhập khẩu công nghệ và thiếu nguồn nhân lực?
Điều đó đúng. Hiện nay ta chưa đủ nhân lực và tác phong cũng chưa được. Tuy nhiên, phải nhìn rộng. Chẳng hạn trong xây dựng hiện có nhiều thất thoát nhưng các bạn có tin là tới năm 2020 tình hình sẽ được cải thiện? Điểm thứ hai là nếu ta quyết tâm đào tạo và tập trung một lực lượng tinh nhuệ thì sẽ làm được. Có những lĩnh vực đòi hỏi độ an toàn rất lớn mà ta vẫn đảm bảo được như an toàn hàng không, công nghệ dầu khí, công nghệ đóng tàu, xây dựng thuỷ điện. Vấn đề là phải biết tập trung, có những điểm nhấn, kể cả nhân lực, kỷ luật.
*Trước khi xây dựng nhà máy ĐHN tại một địa điểm nào đó sẽ phải thăm dò ý kiến người dân. Vậy nếu người dân phản đối?
Bản thân tôi đã chủ trì triển lãm ĐHN ở Ninh Thuận và Phú Yên, hai vùng được xếp hạng ưu tiên đặt nhà máy ĐHN đầu tiên. Trước khi tổ chức hội thảo và thuyết trình thì đại đa số người dân phản đối. Nhưng sau hội thảo và thuyết trình thì đại đa số lại ủng hộ. Vấn đề là phải chuẩn bị rất kỹ, cụ thể là cung cấp thông tin trung thực.
Xin cảm ơn ông!
-
Minh Sơn (thực hiện)