Đấu thầu nghiên cứu khoa học: Một cách 'chi hiệu quả'
(VietNamNet)-TP.HCM sẽ tiến hành cơ chế "đấu thầu" các đề tài nghiên cứu khoa học để tìm ra người làm ra những kết quả nghiên cứu tốt nhất chứ không phải là người tiêu tiền ít nhất.
Đổi mới cơ chế tài chính cho KH-CN sẽ giúp nhà khoa học có trách nhiệm hơn với đề tài nghiên cứu. Trong ảnh: Sản phẩm robot của ĐH Bách Khoa TP.HCM tại Techmart 2005. |
Ngày 5/1, GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch (PCT) Thường trực UBND TP.HCM đã nhấn mạnh như trên trong buổi chuẩn bị cho "Hội nghị về Cơ chế tài chính cho hoạt động Khoa học Công nghệ 2006 - 2010" do TP.HCM tổ chức, dự kiến vào tháng 2 tới đây.
Theo PCT Nguyễn Thiện Nhân, cách làm mới sẽ chấm dứt tình trạng các nhà khoa học kêu ca thiếu kinh phí nên không thể làm ra sản phẩm cuối cùng từ kết quả nghiên cứu.
PCT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học là một cách "chi hiệu quả" để tăng cường tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các nhà nghiên cứu khoa học. Đồng thời, huy động chất xám phục vụ cho xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của thành phố và của vùng.
PGS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TPHCM: Đấu thầu nhnghiên cứu khoa học là một cách "chi hiệu quả" |
Bên cạnh đó, thay đổi cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học-công nghệ sẽ tiến hành theo hướng vừa bảo đảm các quy tắc tài chính, vừa đơn giản, thuận tiện trong việc thực hiện cũng như quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học.
Tham gia buổi họp trên, đại diện các Sở Tài chính TP.HCM và Sở Kế Hoạch-Đầu tư TP.HCM đồng tình với cách làm mới.
Cách làm mới sẽ vượt qua ngưỡng các văn bản lạc hậu để hướng tới những bước đột phá hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa 10 năm còn lại (từ 2006 - 2015).
Tuy nhiên, theo đại diện các sở, việc đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học-công nghệ cần có sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học.
-
Hương Cát