Cần cấm trồng cây, chăn nuôi nơi có độ phóng xạ cao
(VietNamNet)-Cần cấm trồng cây, chăn nuôi ở nơi có độ phóng xạ cao... Khuyến cáo của Liên đoàn địa chất xạ hiếm ở một số khu vực phát hiện có độ phóng xạ vượt chuẩn. Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Trọng, Phó trưởng phòng kỹ thuật của Liên đoàn địa chất xạ hiếm.
* PV: Được biết, từ năm 2000 tới nay Liên đoàn địa chất xạ hiếm đã tiến hành hai dự án đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ ở VN. Ông có thể nói rõ hơn về những dự án này?
-Từ năm 2000 tới năm 2002, chúng tôi đã điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ tại 5 mỏ phóng xạ và mỏ có chứa phóng xạ (chẳng hạn mỏ than Nông Sơn, mỏ graphite), xác định các thành phần môi trường phóng xạ, cụ thể là nước, không khí, đất, thực vật và bức xạ tự nhiên (tia gama). Đối với thực vật, chúng tôi tập trung chủ yếu vào cây lương thực như ngô, sắn, lúa. Nếu độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm vượt quá 1mSv thì chúng tôi sẽ khoanh lại diện tích vùng không an toàn đó và trình kết quả lên Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT).
Sau khi kết quả được phê duyệt, Liên đoàn sẽ làm công văn gửi các sở TN&MT và Uỷ ban nhân dân tỉnh, kèm theo bản đồ phân vùng, để có kế hoạch quy hoạch, bảo vệ và di dời người dân.
Đối với những vùng mà độ tích tụ năng lượng bức xạ nằm trong khoảng 0,75-1mSV, chúng tôi cũng khoanh lại và thiết lập thành vùng kiểm soát để điều tra lặp lại hàng năm. Từ năm 2002 tới 2006, chúng tôi tiếp tục điều tra 7 vùng mỏ nữa. Tất cả những vùng này tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Quảng Nam.
*Như vậy, Liên đoàn chỉ tập trung điều tra môi trường phóng xạ ở các vùng có khoáng sản...?
- Liên đoàn có tham gia điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ các đô thị, thành phố (từ thị xã trở lên) và đã có bản đồ nhưng chỉ lưu hành trong ngành.
Ngoài ra, ngành địa chất cũng đã hoàn thành bản đồ trường phóng xạ tự nhiên với tỷ lệ 1/1 triệu cho toàn quốc nhưng chưa được xuất bản. Bản đồ này này được sử dụng để tìm kiếm khoáng sản cũng như quy hoạch. Tuy nhiên, cần phải bổ sung các thành phần khác thì mới tính được phông môi trường phóng xạ, nghĩa là xác định xem các nguyên tố phóng xạ có khả năng phát tán trong nước, không khí, đất, thực vật, ảnh hưởng tới người dân hay không.
*Theo bản đồ điều tra hiện trạng môi trường phóng xạ các đô thị trên toàn quốc, nói chung độ phóng xạ tại các đô thị có vượt quá tiêu chuẩn môi trường VN?
-Có thể nói môi trường phóng xạ tại các đô thị VN không vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
*Tại sao tới giờ bản đồ trường phóng xạ vẫn chưa được xuất bản?
-Vấn đề này thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
*Ở các vùng mà môi trường phóng xạ vượt chuẩn, đời sống và sức khoẻ của người dân chịu ảnh hưởng như thế nào?
-Một số vùng như xã Tiên An (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) có nhiều người dân sinh sống. Người dân nơi đây sử dụng nguồn nước tại chỗ như nước giếng chứa quặng graphite chứa uranium để làm nước uống.
Nước giếng, nước suối gần mỏ đều có suất liều xạ chiếu trong lớn hơn 0,2mSv/năm, vượt giới hạn an toàn cho nước uống. Riêng khu vực thung lũng Nông Sơn, thôn 4 của Tiên An, có các nương, ruộng lúa nước cũng như trồng các loại cây ăn của như khoai sọ, sắn, lạc, khoai lang... Đây là những loại cây hấp thụ các hạt nhân phóng xạ rất cao.
Điều này rất nguy hiểm vì khi các nguyên tố phóng xạ có điều kiện phát tán vào nước, thực vật, không khí..., chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường thở và ăn uống, gây xuất liều chiếu trong nguy hiểm. Nói cách khác, các nguyên tố phóng xạ phân rã trong cơ thể, phá huỷ hoặc gây biến đổi mô tế bào, dẫn tới ung thư, gây đột biến gien, quái thai hoặc dị tật cho con cái của người bị chiếu xạ. Nếu bị chiếu ngoài (tia phóng xạ từ bên ngoài môi trường chiếu vào cơ thể) có thể gây máu trắng...
Ngoài ra còn có các vùng đất hiếm Nậm Xe, Đông Pao, Thèn Sin (Lai Châu), vùng mỏ đất hiếm Mường Hum (Bát Xát, Lào Cai), đều có nhiều hộ làm nhà và canh tác trên các vùng mỏ có độ phóng xạ cao. Điều đặc biệt nguy hiểm là, người dân ở Mường Hum sử dụng đất có chứa các nguyên tố phóng xạ làm tường nhà, dẫn tới tích tụ khí radon rất cao, là nguyên nhân gây ra suất liều chiếu trong nhà cao hơn bên ngoài nhiều lần.
Tuy nhiên, tất cả những vùng trên là vùng lân cận các vùng mỏ phóng xạ và mỏ chứa phóng xạ. Ở những vùng này, độ tích tụ năng lượng bức xạ trong một năm thường là 2-4mSv, cao hơn tiêu chuẩn môi trường VN cho phép. Còn những khu vực trung tâm mỏ phóng xạ, các thân quặng phóng xạ có suất liều hiệu dụng từ 10 tới 30mSv/năm đã được khoanh định vào diện tích không an toàn phóng xạ đối với nhân dân và đã kiến nghị chính quyền địa phương có phương án bảo vệ.
*Tại các vùng mà môi trường phóng xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, chính quyền cũng như người dân cần làm gì để bảo đảm an toàn cho cuộc sống của những con người ở đây?
-Sau khi nhận được công văn, tóm tắt báo cáo, bản đồ phân vùng môi trường phóng xạ của chúng tôi, các địa phương có những vùng nhiễm xạ tự nhiên không an toàn đối với người dân tiếp tục điều tra môi trường phóng xạ với tỷ lệ chi tiết hơn và tiến hành các biện pháp tiếp theo để bảo vệ người dân. Theo tôi được biết thì Tiên An, Nậm Xe đang làm điều tra này.
Chính quyền các địa phương nói trên cần phải tuyên truyền cho người dân đang sinh sống gần các mỏ phóng xạ, mỏ chứa phóng xạ về nguy cơ nhiễm phóng xạ và cắm biển cảnh báo vùng không an toàn. Ngoài ra, cần cấm trồng cây, đặc biệt là cây lương thực, chăn nuôi gia cầm, gia súc tại các vùng này. Còn đối với những vùng đã có nhà cửa thì cần di dời dân cư hoặc đầu tư, hướng dẫn sử dụng nguồn nước dẫn từ nơi khác hoặc nguồn nước được khai thác tại chỗ đã qua xử lý, đảm bảo giới hạn cho phép về an toàn bức xạ.
-Xin cảm ơn ông!
-
Minh Sơn (thực hiện)