Tiêm vắc-xin cho gà có thể là cách duy nhất để châu Á thoát khỏi cơn ác mộng cúm gia cầm hiện nay. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây nhất, biện pháp này có thể dẫn tới sự phát triển của các dạng virus mới, tăng nguy cơ gây ra đại dịch cúm H5N1 ở người. Theo các chuyên gia, chỉ có tăng cường giám sát mới có thể ngăn chặn được điều đó.
|
Tiêm vắc-xin cho gà tại Trung Quốc. |
Thật không may là các quốc gia châu Á bị ảnh hưởng bởi cúm gia cầm lại không có đủ điều kiện cần thiết để giám sát chặt chẽ. Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố các đợt dịch cúm gia cầm tại nước này đã chấm dứt và các nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin cho hàng triệu con gà còn lại. Indonesia cũng đang tiến hành biện pháp tương tự. Các quốc gia châu Á khác có dịch cúm H5N1 đang xem xét thực hiện chiến lược tương tự.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn là virus H5N1 vẫn đang lưu hành trong số gia cầm đã được tiêm vắc-xin và các chuyên gia lo ngại nó có thể đột biến thành một dạng không chỉ gây chết người giống như hiện nay mà còn có thể lây lan từ người sang người. Lý do là các loại vắc-xin cúm gia cầm không đạt hiệu quả 100%. Mặc dù chúng ngăn không cho gia cầm bị ốm song một lượng ít ỏi virus vẫn có thể sinh sôi bên trong cơ thể và lây lan từ con này sang con khác. Khó có thể phát hiện các đợt dịch âm ỉ như vậy và chúng có thể gây ra đợt dịch mới nếu nhiễm sang gia cầm chưa được tiêm vắc-xin, hoặc khi chiến dịch tiêm vắc-xin kết thúc.
Các chuyên gia thú y thường đề xuất kiểm soát các đại dịch ở vật nuôi bằng cách tiêu huỷ động vật ốm hoặc tiếp xúc với mầm bệnh. Tuy nhiên, trước tình hình H5N1 đang ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn ở châu Á, vắc-xin có thể giúp chấm dứt các đợt dịch nhanh hơn. Theo IIlaria Capua thuộc Tổ chức Sức khoẻ Động vật thế giới, càng ít gia cầm bị tiêu huỷ, nông dân càng đỡ khó khăn.
|
Hoạt động buôn bán gia cầm trở lại nhộn nhịp ở chợ Long Biên. |
Có một tiền lệ đáng lo ngại. Vào năm 1995, Mexico đã ngăn chặn được dịch cúm H5N2 nghiêm trọng bằng cách tiêm vắc-xin cho gà. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy virus vẫn đang lan truyền và nước này vẫn đang tiêm vắc-xin. Thường thì virus cúm gia cầm đột biến rất ít ở gà bởi nó hiếm khi tồn tại đủ lâu. Tuy nhiên, tại Mexico, virus H5N2 đã tiếp xúc với gà được tiêm vắc-xin trong nhiều năm và điều này đã dẫn tới sự xuất hiện của một dạng H5N2 mới. Trong một báo cáo sắp được công bố trên tạp chí Virology, nhóm nghiên cứu của TS David Suarez thuộc Phòng Nghiên cứu Gia cầm (Bộ Nông nghiệp Mỹ) tiết lộ đã tìm thấy những khác biệt lớn về kháng nguyên trong virus H5N2 được phân lập từ gà được tiêm vắc-xin ở Mexico. Virus ngày càng ''thờ ơ'' với vắc-xin và điều đó có nghĩa là gà bị ảnh hưởng sẽ tạo ra nhiều virus hơn và lan truyền dễ dàng hơn.
Virus H5N1, hiện đang lưu hành ở gà được tiêm vắc-xin tại châu Á, chắc chắn sẽ đột biến theo cách tương tự. Đã có tin đồn rằng các chương trình tiêm vắc-xin cho gà ở Trung Quốc đã dẫn tới sự thay đổi lớn hơn về gien ở virus cúm gia cầm trong hai năm qua, thậm chí có lẽ đã phần nào gây ra sự xuất hiện của dạng H5N1 hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có thể tiêu diệt các virus như H5N1 từ các đàn gia cầm được tiêm vắc-xin. Chìa khoá là làm thế nào để dò và tiêu huỷ những con bị nhiễm. Cách đơn giản để phát hiện là nhốt gà chưa được tiêm vắc-xin cạnh đàn gia cầm đã được tiêm chủng. Nếu virus cúm đang lưu hành, những con gà đó sẽ có triệu chứng rõ ràng. Vấn đề là do xót của nên thay vì sử dụng gà khoẻ mạnh, nông dân sử dụng gà bị ốm.
Phương pháp công nghệ cao là sử dụng một loại vắc-xin đánh dấu. Các cuộc xét nghiệm kháng thể sau đó có thể phân biệt giữa gia cầm nhiễm bệnh và gia cầm được tiêm vắc-xin. Vào năm 2002, Italia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới diệt trừ được cúm gia cầm nhờ sử dụng vắc-xin đánh dấu và kiểm tra thường xuyên.
Theo Capua, giám sát có ý nghĩa quan trọng. Sử dụng vắc-xin mà không giám sát thì có thể sẽ mắc vào cảnh "gậy ông đập lưng ông", khi vắc-xin trở thành công cụ lây truyền virus chứ không phải kiểm soát nó.
|