Mới đây, các bác sĩ nhi khoa tại Mỹ đã cảnh báo: Nhiều bộ phim dành cho trẻ em chứa quá nhiều cảnh hút thuốc, khiến các em dễ nhiễm thói quen nguy hiểm này. Theo nghiên cứu gần đây do ĐH California tiến hành, gần 80% trong số 776 bộ phim được sản xuất trong năm năm qua có hình ảnh thuốc lá.
|
Do đâu trẻ em tập hút thuốc? |
Một nghiên cứu tương tự do ĐH Y Dartmouth tiến hành vào tháng 6 năm ngoái, liên quan tới 26.000 trẻ em, cũng cho thấy mối liên hệ giữa cảnh hút thuốc trong phim và sự gia tăng hút thuốc ở trẻ em. Trong nghiên cứu này, trẻ em xem phim có cảnh thuốc lá có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá cao gấp ba lần so với người cùng tuổi. Theo các nhà nghiên cứu Dartmouth, ước tính cảnh hút thuốc trong các bộ phim làm cho 360.000 trẻ em hút điếu thuốc đầu tiên trong đời mỗi năm!
Ba hãng phim lớn sử dụng nhiều cảnh hút thuốc nhất là Time Warner, Disney và Sony. Họ chiếm tới 56% tổng số hình ảnh thuốc lá trong các bộ phim được sản xuất từ năm 1999. Hãng phim Time Warner bị chỉ trích do sản xuất phim có cảnh hút thuốc với số lượng lớn nhất (25% tổng số phim được sản xuất ra). Trong số các bộ phim có cảnh hút thuốc do công ty này sản xuất, 42% dành cho giới trẻ. Tới nay, Hội Điện ảnh Mỹ vẫn im lặng và không có một nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề này.
Số lượng các cảnh hút thuốc trong phim đã tăng từ khoảng năm 1950. Nhiều bộ phim còn có cả cảnh nữ giới hút thuốc. Ngành công nghiệp điện ảnh trả lời như thế nào về vấn đề này? Vans Stevenson, phó chủ tịch Hội Điện ảnh Mỹ, cho biết: ''Chúng tôi không làm công việc quảng cáo thuốc lá mà là kể chuyện sáng tạo. Mọi yếu tố trong phim do các nghệ sĩ tham gia quyết định''. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ số cảnh hút thuốc gia tăng trong vài thập kỷ qua là do các hãng phim nhận tiền từ công ty sản xuất thuốc lá. Các bộ phim thường làm nhãn hiệu thuốc lá hiện rất rõ. Tuy nhiên, thật khó có thể chứng minh được họ đang tiến hành quảng cáo gián tiếp.
|
Cảnh hút thuốc trong phim. |
Theo Stanton Glantz, tác giả nghiên cứu đồng thời là giáo sư y học tại ĐH California, San Francisco, đã có bằng chứng dịch tễ học cho thấy cảnh hút thuốc trong các bộ phim thúc đẩy trẻ em làm theo và chúng càng xem nhiều thì hút càng nhiều. Những bộ phim phổ biến đối với giới trẻ chẳng hạn như ''Men in Black'' và ''Elf'' cho thấy người hoặc giun hoạt hoạ hút các loại thuốc cụ thể, thỉnh thoảng còn phớt lờ biển cấm hút thuốc. Theo Glantz, các bộ phim nên được xếp ở loại R (hạn chế), chứ không nên được xếp ở loại G (phổ thông) và PG (định hướng của cha mẹ) như hiện nay. Nếu điều đó trở thành hiện thực, nguy cơ phơi nhiễm thuốc lá ở trẻ em sẽ giảm 60%.
Mặc dù cảnh hút thuốc trong các bộ phim ngày nay chỉ diễn ra tổng cộng vài phút song nó gây ân tượng rất mạnh. Một ví dụ điển hình là siêu sao điện ảnh Julia Robert trong ''My Best Friend's Wedding'' - bộ phim được chiếu nhiều lần trên truyền hình vào năm 1997 với cảnh cô diễn viên này đi ra ngoài hành lang khách sạn, ngồi thụp xuống và để một bao thuốc hiệu Marlboros giữa hai chân. TS Dana Best thuộc Viện Nhi khoa Mỹ cho biết: ''Khi trẻ em nhìn thấy một diễn viên nổi tiếng hút thuốc, chúng cảm thấy hành động đó thật hấp dẫn và tuyệt vời. Chúng không nhìn thấy những hậu quả về sức khoẻ chẳng hạn như nghiện, bệnh tật và chết chóc''.
|
Sigourney Weaver hút thuốc trong bộ phim ''Death and the Maiden''. |
Quan điểm của thanh niên về vấn đề này rất đa dạng và khác biệt. Yolanda Marshall, một người 26 tuổi đang đi bộ dọc phố Market Street ở San Fransisco vào một buổi chiều, cho biết hạn chế sử dụng cảnh người lớn hút thuốc trong phim là một ý tưởng hay. Trong khi đó, Denis Esterman 17 tuổi lại cười lớn khi được hỏi liệu cảnh hút thuốc trong phim có khuyến khích trẻ em hút thuốc hay không. Cậu ta cho rằng mọi người nên chú ý tới những biển quảng cáo thuốc lá tại các cửa hàng trên phố nơi trẻ em có thể nhìn thấy.
Các bác sĩ nhi khoa tại ĐH Stanford đang thu thập các bao thuốc lá rỗng và chữ ký để chuyển tới giám đốc của các hãng phim ở Hollywood. Bức thông điệp của họ là: loại bỏ thuốc lá và các hình ảnh hút thuốc khỏi các bộ phim. Nếu không, họ phải xếp loại các bộ phim ở cấp độ R (nghĩa là hạn chế xem đối với trẻ em). Tuy nhiên, biện pháp thứ hai liệu có khả thi khi trẻ em có thể xem các bộ phim cấp R từ tủ băng đĩa của cha mẹ hoặc mua chúng bằng thẻ tín dụng? Theo GS Stanton Glantz, loại các cảnh hút thuốc trong phim dành cho trẻ em là vấn đề khẩn cấp.
|
Mỗi ngày có 4.400 thanh thiếu niên Mỹ thử hút điếu thuốc đầu tiên và 50% trong số này trở thành người hút thuốc hàng ngày. |
Các bác sĩ nhi khoa hoàn toàn không đơn độc. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Phổi của Mỹ, vấn đề đang trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu cho thấy số cảnh hút thuốc trong các bộ phim dành cho trẻ em trên 13 tuổi đã đạt tới mức cao kỷ lục vào năm 2003: 12 cảnh hút thuốc mỗi giờ. Họ đang yêu cầu các hãng phim tự nguyện giảm số cảnh hút thuốc và đưa ra chính sách phân loại phim chặt chẽ hơn. Kết quả khảo sát được công bố vào đầu tháng 3/2004 cho thấy 80% tổng số các bộ phim dành cho trẻ em trên 13 tuổi và 50% phim loại G và PG có cảnh hút thuốc. Các nghiên cứu sức khoẻ cấp liên bang cũng cho kết quả đáng lo ngại khi 25% học sinh tốt nghiệp trung học có thói quen hút thuốc.
Trước tình hình trên, 29 bang tại Mỹ đang tiến hành điều tra cảnh hút thuốc trong các bộ phim. Quốc hội Mỹ cũng dự định tổ chức các buổi điều trần về vấn đề này vào cuối năm nay. Các cảnh hút thuốc trong phim cũng ảnh hưởng tới trẻ em ở các nước khác bởi rất nhiều bộ phim Mỹ được trình chiếu trên khắp thế giới.
|