TP.HCM di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm:
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời!
23:32' 06/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng, sau một ngày làm việc với các quận 6, 11 và Sở Công nghiệp TP.HCM về "tốc độ rùa" của Chương trình Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn Thành phố. Bức xúc của dân đã chuyển thành bức xúc của đại biểu Quốc hội, bởi vì...

Nhà máy không di dời thì dân phải... dọn đi!

Thanh sắt lan can gãy cái rụp khi đại biểu Quốc hội nắm thử. Vì sao? Tại khói thải làm sắt mục đi. Còn sức khỏe con người? Phân xưởng vẫn... thả khói lưng trời!

Ngày 6/4, Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XI đến làm việc với UBND Q.6 - TP.HCM về việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng thử chạm tay vào rào sắt lan can can lầu một của ngôi nhà 165/24A, Nguyễn Văn Luông, P.10, Q.6. Bỗng nhiên, thanh sắt lan can gãy... cái rụp! Chủ hộ, ông Huỳnh Văn Hiếu giải thích: "Rào sắt bị mục do khói thải từ Phân xưởng 3, Nhà máy Lưới thép Bình Tây gây ra"!

Phân Xưởng 3 của Nhà máy Lưới thép Bình Tây (165/5, Nguyễn Văn Luông, P.10, Q.6, TP.HCM) ở cách nhà này không xa và là một trong những địa chỉ đen được UBND Q.6 - TPHCM đánh giá là "gây ô nhiễm trầm trọng, nhân dân xung quanh liên tục phản ảnh... nhưng không tích cực chuẩn bị di dời".

Tổ dân phố 7A báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội: 30/40 hộ dân ở đây đã phải rao bán nhà do không chịu nỗi ô nhiễm. (Trong ảnh: Thêm một hộ dán bảng rao bán nhà)

Đúng như đánh giá của UBND Q.6, ông Trương Hoàng Nỗi, tổ trưởng Tổ dân phố 7A (gồm các hộ dân xung quanh phân xưởng nói trên) tiết lộ: Đến nay, đã có 30/40 hộ dân ở đây đã phải rao bán nhà do không chịu nỗi ô nhiễm. Có nhà chỉ trong một thời gian ngắn đã đổi tới ba - bốn đời chủ!

Theo báo cáo của phó chủ tịch UBND Q.6 Quách Hồng Tuyến, Quận 6 có 398 cơ sở, đơn vị sản xuất bị xếp vào loại "gây ô nhiễm". Trong đó, 45 đơn vị nhận Quyết định di dời của Thành phố song chỉ mới có 14 đơn vị "đã di dời", tức 31%. 178 đơn vị khác thuộc diện phải khắc phục ô nhiễm do nằm trong 14 ngành nghề sản xuất - kinh doanh không được cấp phép hoạt động trong khu dân cư (song cũng chỉ có 76 đơn vị "đã khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm hoặc chuyển ngành, chấm dứt hoạt động", tức 42%). Trong đó, còn có 174 đơn vị gây ồn, rung và phải khắc phục ô nhiễm (118 đơn vị đã khắc phục trong thực tế, tức 76,8%).

Trong khi đó, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội trong buổi làm việc vào sáng cùng ngày (6/4), Ban chỉ đạo Chương trình Di dời Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm Q.11 cho biết: Trong số 195 cơ sở sản xuất (hộ gia đình) cần di dời trong năm 2003, có đến 149 cơ sở (76,4%) chưa thực hiện di dời.

Nhiều khó khăn trong việc thực hiện Chương trình Di dời Cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã được đại diện hai quận kể trên phản ánh với các đại biểu Quốc Hội.

Nhà máy này vẫn "không tích cực di dời". Tại sao?

Đại diện UBND Q.6 cho rằng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương xuống. Cụ thể: Sau khi hai phân xưởng của Nhà máy Lưới thép Bình Tây gây ô nhiễm khiến nhân dân xung quanh phải kêu ca, Thành phố đã ra quyết định di dời trong năm 2003. Thế nhưng Bộ Công nghiệp lại đề nghị cho khắc phục đến năm 2005! Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế tư nhân, cá thể vẫn là vốn và địa điểm di dời. Việc thuê đất trong các Khu công nghiệp (KCN) thường vượt quá sức của các cơ sở dạng này, do đất trong các KCN dành cho từng đơn vị sản xuất lại có diện tích lớn (chỉ thích hợp với đơn vị có quy mô thích hợp), mà giá lại cao.

Đại diện UBND Quận 11 nêu rõ: Các cơ sở sản xuất nhỏ của quận hầu như không hưởng được các chính sách hỗ trợ di dời của Thành phố, do không đủ điều kiện được hỗ trợ lãi vay theo quy định. Nhiều cơ sở sản xuất di dời vào KCN Hiệp Phước (nơi duy nhất tiếp nhận các cơ sở sản xuất ô nhiễm nguồn nước) song KCN này chỉ có khả năng cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất hạn chế ở mức 5000m3/ngày đêm cho toàn khu vực 30 ha dành cho di dời. Thêm vào đó, giá nước khá cao: 400 đồng/m3. Về việc này, Văn phòng HĐND và UBND TP.HCM đã có Thông báo số 150/TB-VP ngày 12/5/2003 nêu "giao cho Ban quản lý KCN Hiệp Phước nghiên cứu đề xuất phương án giảm 50% giá nước dùng cho sản xuất, mức phí bảo dưỡng hạ tầng và phí nước thải đối với các cơ sở sản xuất nhỏ di dời vào KCN và trình UBND TP xem xét, quyết định...". Kết quả: Đến nay, Ban quản lý KCN Hiệp Phước vẫn chưa đưa ra được đề xuất nào!

"Không thể đánh đổi sức khoẻ nhân dân bằng bất cứ giá nào"

Trong khi đó, ở cấp độ Thành phố, Sở Công nghiệp TP.HCM đã có  một báo cáo mang đầy tính khả quan về tình hình thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố với Đoàn đại biểu Quốc hội vào buổi chiều cùng ngày.  Theo Sở này, năm 2003, TP.HCM đã hỗ  trợ chi phí di dời cho doanh nghiệp với tổng  số tiền lên đến 200 tỷ đồng. Quỹ Đầu tư Phát triển Đô thị ra đời theo quyết định của UBND TP.HCM để hỗ trợ các doanh nghiệp ít vốn, có nhu cầu xử lý ô nhiễm với lãi suất 0%. Doanh nghiệp không cần phải thế chấp tài sản khi vay, thời gian vay từ ba đến năm năm. Quỹ xoay vòng thuộc Dự án Cải thiện Môi trường TP.HCM cũng hướng đến các doanh nghiêp có nhu cầu về xử lý ô nhiễm với thủ tục đơn giản, số tiền vay có thể lên đến 607.000 USD với lãi suất cố định bằng tiền Việt Nam là  4%/năm.

Dù TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ, gần 66% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm (như nhà máy trong ảnh trên) vẫn chưa di dời.

Tuy vậy, mặc dù Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ chương trình di dời như Sở Công nghiệp nêu lên ở trên, kết quả lại vẫn chưa khả quan chút nào. Cụ thể, sau một năm thực hiện Chương trình di dời, Ban chỉ đạo chỉ tiếp nhận có 60  hồ sơ xin hỗ trợ. Từ 60 trường hợp này, đến nay chỉ có... tám đơn vị được hỗ trợ di dời với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Nhìn chung, chỉ mới có 385 đơn vị đã di dời trong tổng số 1.119 doanh nghiệp gây ô nhiễm buộc phải di dời, chiếm tỷ lệ khoảng 34%.  Số còn lại (gần 66% cơ sở) vẫn chưa di dời do không tìm được địa điểm, hoặc có địa điểm lại bị vướng quy hoạch, vướng thủ tục giao đất, hoặc vì giá thuê đất quá cao...

Trước tình hình tiến độ di dời còn chậm, người dân còn tiếp tục chịu đựng và sống chung với ô nhiễm, đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng nêu ý kiến sau khi chứng kiến thực tế tình hình ô nhiễm môi trường ở Quận 6: "Không thể đánh đổi sức khoẻ nhân dân bằng bất cứ giá nào, hoặc chỉ vì một vài đồng thuế! Các địa phương cần kiên quyết hơn trong việc thực hiện Chương trình di dời. Trường hợp các đơn vị cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng và thường xuyên thì nên đình chỉ sản xuất luôn...". 

Chúng ta hãy chờ xem kết luận bằng văn bản của Đòan đại biểu Quốc hội sau một ngày làm việc này, và sự tiếp thu của UBND TP.HCM ra sao trong thời gian tới. Tuy vậy, vấn đề chắc chắn sẽ còn phải đưa ra bàn thống nhất ở cấp cao hơn, vì ít ra cũng liên quan đến... quan điểm và thái độ của Bộ Công nghiệp đối với việc khắc phục ô nhiễm trong sản xuất. Bởi đúng là "Không thể đánh đổi sức khoẻ nhân dân bằng bất cứ giá nào, hoặc chỉ vì một vài đồng thuế!".

Bải, ảnh: Nông Khắc Ý - Thu Thảo

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
147 triệu USD/năm để cung cấp nước sạch cho toàn dân vào năm 2020 (22/03/2004)
Làn mi cong sắp bị vặt trụi! (21/03/2004)
Mặt trời phun trào mạnh hơn chúng ta tưởng (18/03/2004)
Khai mạc giải Olympic đầu tiên cho robot (18/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang