"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ?
06:23' 15/04/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Để tìm ra tiếng nói chung trong công tác bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường chuẩn bị kế hoạch mở rộng sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà bảo vệ môi trường theo hình thức... hội nghị bàn tròn. Thế nhưng thực tế đã cho thấy: vấn đề môi trường đã trở thành vấn nạn, do vẫn còn quá nhiều người chỉ nói suông về... vấn nạn môi trường!

Chỉ trong khoảng một năm trở lại đây, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) đã phối hợp với Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, hội nghị… tại các thành phố lớn ở ba miền của đất nước với cùng một chủ đề: phát triển bền vững. Theo giải thích của TS Nguyễn Hữu Ninh, chủ tịch Hội đồng Khoa học CERED, phát triển bền vững là một khái niệm mới, bao gồm cả ba yếu tố: phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Thế nhưng, trong thực tế, khi đưa vào Việt Nam, đây lại không phải là một lựa chọn dễ dàng… dù tất cả đều nhất trí về nguyên tắc.

Trồng... không theo kịp phá!

Phát triển bền vững có đo được không?

Có thể “đo” mức độ phát triển bền vững của một xã hội thông qua các “thước đo” (chỉ số) trên ba mặt kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường:

Bền vững về kinh tế: Trong điều kiện hiện nay, nước thu nhập thấp phải có GDP bình quân đầu người tăng vào khoảng 5% mới có thể xem là bền vững về kinh tế. Nếu thấp hơn, nền kinh tế ấy không thể xem là bền vững.

Bền vững về xã hội: Thông qua các “chỉ số phát triển con người” (Human Development Index - HDI), “chỉ số bất bình đẳng thu nhập” (còn gọi là hệ số Gini), “chỉ số về giáo dục - đào tạo”. Riêng chỉ số Gini có thể được tính và chỉ ra bằng một con số cụ thể để nói lên tình trạng phân phối bất công về thu nhập trong một xã hội. Mức bất công càng lớn thì chỉ số Gini càng lớn.

Bền vững về môi trường: Các chuyên gia có thể tính ra được tài nguyên thiên nhiên đã được sử dụng như thế nào và có thể tái tạo lại được không. Thông qua đó, biết được xã hội đó có bền vững môi trường hay không. 

Ông Tetsuzo Suzuki, đại diện Công ty Toyota Việt Nam giải thích quyết định của Công ty Toyota Việt Nam khi công ty này đồng ý hỗ trợ hai dự án về môi trường tại Việt Nam: ”Nếu không có những hành động kịp thời, nhất là khi Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng trong công cuộc phát triển đất nước, mức độ ảnh hưởng đến môi trường sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, cùng với những hậu quả ngày càng lớn”.

GS Võ Quý (Đại học quốc gia Hà Nội) nhìn nhận có bảy vấn đề về môi trường mà Việt Nam đang phải đối phó. Đó là: Nạn phá rừng. Khai thác tài nguyên sinh học quá mức. Tài nguyên đất xuống cấp. Thiếu và ô nhiễm nước ngọt. Ô nhiễm gia tăng. Hậu quả chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh để lại. Dân số tăng nhanh cùng với nạn đói nghèo.

GS Võ Quý kể lại một câu chuyện nhỏ mà ông đã tận mắt chứng kiến trong một lần đi công tác ở Tây Nguyên. Đó là cảnh một chiếc xe bò đang nặng nề kéo lê một cây giống vào rừng để trồng. Đối lập với cảnh này là một chiếc xe ben đang hùng hỗ chở ba súc gỗ to sụ mà đường kính phải mấy người ôm mới hết đang từ trong rừng phóng ra. Ông kết luận hóm hỉnh: ”Trồng rừng cũng không lại với... phá rừng”!

Thật vậy, theo số liệu của các chuyên gia, độ che phủ rừng ở Việt Nam từ 43% diện tích toàn quốc vào năm 1943 song đến nay, chỉ còn lại khoảng 35%. Hiện có đến 365 loài động vật thuộc các nhóm thú, chim, bò sát, cá... đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Riêng thực vật, có đến 355 loài đang trong tình trạng tương tự.

Việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm giảm lượng nước như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tây Nguyên. Số liệu đã công bố ở Hà Nội cho thấy: việc khai thác quá mức nước ngầm tại thủ đô đã làm mức nước ngầm giảm từ 29cm đến 35cm. GS Võ Quý cũng đưa ra một số liệu khiến mọi người không khỏi giật mình: Trong vòng một thập niên (1990-2000), tỷ lệ lương thực trên đầu người chỉ tăng 1,3 lần nhưng đến năm 2024, dự báo dân số Việt Nam sẽ tăng hơn ba lần so với hiện nay!

Đó chỉ là bức tranh sơ khởi về các vấn nạn môi trường trong phạm vi cả nước.

Cảnh mà GS Võ Quý từng chứng kiến và kể lại ở hội thảo: Trồng rừng không theo kịp phá rừng!

Còn riêng tại TP.HCM, nơi có đến 28.571 xí nghiệp, mười Khu Công nghiệp và hai Khu Chế xuất? Kỹ sư Nguyễn Văn Chiến - phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết: Chỉ riêng về chất thải rắn, bình quân, mỗi người dân thành phố thải ra 1,5kg/ngày. Riêng khu vực kênh Thầy Cai - An Hạ, nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất, nước kênh có hàm lượng BOD (một chỉ số về tình trạng ô nhiễm nước) cao gấp ba lần tiêu chuẩn cho phép,...

Vấn nạn môi trường, do chỉ nói suông về... vấn nạn!

Phát triển bền vững = Phát triển kinh tế + Bảo vệ môi trường + công bằng xã hội

Mặc dù vậy, kỹ sư Nguyễn Văn Chiến cũng thừa nhận: Tại TP.HCM, vấn đề môi trường chưa được coi là ưu tiên trong các cơ quan, ban ngành, do áp lực của phát triển kinh tế, bên cạnh đó là nhận thức thấp về môi trường.

Theo chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải, vấn đề môi trường đã trở nên một vấn nạn mà Thành phố đang phải trả giá: từ nay đến năm 2005, cần đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để bảo vệ môi trường, khắc phục nạn ô nhiễm kênh rạch, nâng cao chất lượng môi trường sống của cộng đồng dân cư và cảnh quan đô thị,... Tăng trưởng kinh tế - xã hội phải đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mà muốn làm được như vậy thì cần phải có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt - ông Hải thừa nhận như vậy!

Trong khi đó, bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực đã khẳng định rõ hơn mục tiêu phát triển bền vững: Phải chọn cả hai mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chứ không thiên về bên nào. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho rằng có sáu vấn đề cần giải quyết cấp bách: Xử lý chất thải rắn. Giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Bảo vệ đa dạng sinh học. Hoàn thiện thể chế luật pháp về bảo vệ môi trường. Nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, nội dung hàng đầu phải làm là hoàn thiện về thể chế, góp phần tạo môi trường pháp lý cần thiết cho sự phối hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Trực cho biết: Hiện có mười dự luật về môi trường đang chờ sửa đổi, bổ sung. Thế nhưng, cùng với quá trình hoàn thiện khung pháp lý về môi trường, Việt Nam còn phải nâng cao nhận thức và làm cho mọi người thay đổi hành vi trong ứng xử với các vấn đề bảo vệ môi trường, chứ không phải chỉ “biết” mà thôi! Vì vậy, Bộ Tài nguyên – Môi trường đang chuẩn bị kế hoạch mở rộng sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà bảo vệ môi trường theo hình thức hội nghị bàn tròn để tìm ra tiếng nói chung trong công tác bảo vệ môi trường.

Thế nhưng nhiều "bàn tròn" hơn, liệu có thể cứu vãn và khôi phục khẩn cấp một số chỉ tiêu chất lượng môi trường đang ở mức báo động cao?

Bởi bài học trên bình diện quốc tế lâu nay đã cho thấy: Từng có nhiều hội nghị thượng đỉnh Trái đất bàn về những vấn đề môi trường toàn cầu, song kết cục cho thấy có quá nhiều "thượng đỉnh" mà Trái đất vẫn lâm nguy (nhiều "thượng đỉnh", ít "Trái đất!").

Trở lại với mong muốn đã được Bộ trưởng Mai Ái Trực phát biểu tại hội thảo
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hôm 13/4 ở Hội trường Thống Nhất TP.HCM: "Cần chú trọng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chi trả". Liệu có thể triển khai được nguyên tắc (mong muốn) này, dẫu cho đã có công cụ pháp lý trong tay, khi mà lãnh đạo nhiều địa phương - như TP.HCM đã nêu trên, và nhiều Bộ, ngành vẫn tập trung nhiều hơn cho phát triển kinh tế, ngại phạt, ngại... tạm đình chỉ sản xuất với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chỉ vì sợ ảnh hưởng đến... sản xuất? Điển hình gần đây nhất là vụ UBND TP.HCM vẫn tiếp tục giơ cao, đánh khẽ đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ, như VietNamNet đã có bài phản ánh.

Không thể bảo vệ môi trường chỉ bằng những lời nói suông và khẩu hiệu. (Ảnh chụp tại Sapa)

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hoàng, sau khi chứng kiến thực tế tình hình ô nhiễm môi trường ở Quận 6, TP.HCM, đã kiến nghị: "Không thể đánh đổi sức khoẻ nhân dân bằng bất cứ giá nào, hoặc chỉ vì một vài đồng thuế!". Tiếc là sự lựa chọn kiên quyết ấy, phù hợp với nguyên tắc mong muốn của Bộ trưởng Mai Ái Trực, vẫn chỉ là... kiến nghị!

Nhiều "bàn tròn" hơn, nhiều tuyên bố hùng hồn hơn của các vị lãnh đạo về nhận thức vấn nạn môi trường, song môi trường vẫn lâm nguy là vì lẽ gì? Mời bạn đọc cùng xem tấm ảnh chụp ở Sapa bên cạnh để thấy rõ hơn: Không thề cứu vãn môi trường, không thể phát triển bền vững nếu chỉ dừng ở những... khẩu hiệu!

Nông Khắc Ý

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Rác thải máy tính: Nhập khẩu và xử lý... cái độc hại (06/04/2004)
Ô nhiễm kênh Thầy Cai - An Hạ: Vẫn bó tay?! (04/04/2004)
Làm sao để nuôi tôm hiệu quả và bền vững? (03/04/2004)
Vén màn thế giới bí ẩn của khủng long vùng cực (01/04/2004)
Màn bạc nhoà khói thuốc! (29/03/2004)
Chạy thử máy bay nhỏ: Thiết kế VAM-1 đạt yêu cầu (28/03/2004)
Tiêm vắc-xin ngừa cúm gà, khéo..."gậy ông đập lưng ông"! (25/03/2004)
Tất cả nước của sông Mekong đã đi đâu? (24/03/2004)
Giở lại hồ sơ thảm họa tàu chở dầu nghiêm trọng nhất nước Mỹ (24/03/2004)
Virus corona mới - Nỗi lo mới? (24/03/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang