(VietNamNet) - Sáng nay 17/4, 300 học sinh và khách mời của Công ty Honda Việt Nam đã tới khách sạn Horison Hà Nội giao lưu với người máy ASIMO. Buổi biểu diễn sống động đã thực sự cuốn hút cũng như khơi dậy nhiều ý tưởng sáng tạo và mơ ước của các khán giả trẻ tuổi.
|
Em muốn thi đứng một chân cùng với ASIMO! |
Đây là lần đầu tiên học sinh tại Hà Nội và Vĩnh Phúc tận mắt nhìn, bắt tay, thi đấu và chụp ảnh với một chú robot giống người. Những ánh mắt tò mò, những tiếng cười sảng khoái và nhiều tràng vỗ tay vang dội là món quà khích lệ mà các em dành tặng ASIMO - "đại sứ công nghệ" của Honda Việt Nam. Một em học sinh lớp ba tâm sự: ''Buổi biểu diễn rất thú vị và em mong ước được làm bạn với ASIMO''.
Trao đổi với chúng tôi ngay sau buổi biểu diễn, anh Hoàng Đình Hưng, một phụ huynh học sinh, cho biết: ''Ngoài mục đích giải trí, tôi đưa cháu tới buổi biểu diễn để cháu tiếp cận và học hỏi các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản''. Chị Thanh Hằng lại có mong muốn khác: ''Tôi mong ASIMO sẽ là động lực thúc đẩy các cháu sáng tạo và phấn đấu trong học tập''. Thạc sĩ giáo dục Bùi Thuý Ngọc, trường THCS Giảng Võ, nhận xét những buổi giao lưu bổ ích như thế này sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo vô tận, ''khích lệ học sinh tìm tòi, khám phá và chinh phục những điều ước mơ''.
|
Nhảy múa theo ASIMO. |
Nhiều học sinh mong muốn ASIMO có thể giúp con người làm nhiều công việc hữu ích hơn nữa. Em Phạm Trà My, học sinh đoạt giải Nhất tiếng Anh thành phố Hà Nội năm 2003, trường THCS Giảng Võ, nói: ''Em thấy buổi biểu diễn rất hay. ASIMO rất dễ thương, đáng yêu và nói tiếng Việt rất giỏi. Em muốn lớn lên được nghiên cứu và chế tạo một con người máy giống như ASIMO nhưng hoàn thiện hơn và có thể giúp đỡ con người nhiều công việc hơn, chẳng hạn như tâm sự và nói chuyện với con người lúc buồn hoặc vui''. Khi được hỏi ''là một... bé gái, em có muốn robot làm công việc nội trợ trong tương lai hay không?'', My trả lời: ''Em nghĩ là robot nên giúp con người những công việc khác thì hay hơn như sửa nhà, làm công việc nặng nhọc''!
|
Vẫy tay tạm biệt sau buổi biểu diễn. |
Theo bà Siriphorn, chuyên gia kỹ thuật về ASIMO của Honda, trong tương lai, hình dáng của chú người máy này sẽ không thay đổi nhiều song tính năng sẽ ngày càng được hoàn thiện, có thể làm công việc văn phòng, công việc gia đình, giúp đỡ người tàn tật, người cao tuổi cũng như thay thế con người làm công việc nguy hiểm. Hà Văn Hiếu, học sinh đạt giải Nhì môn Toán, trường THCS Giảng Võ, cũng mong muốn ASIMO sẽ hiện đại hơn trong tương lai. ''Em rất muốn nhưng... Việt Nam không giỏi (trong lĩnh vực này)'' là câu trả lời thẳng thắn mà cậu học sinh này đưa ra đối với câu hỏi có muốn Việt Nam chế tạo được một người máy như ASIMO hay không.
Vậy hiện tại công nghệ chế tạo người máy của Việt Nam phát triển tới mức độ nào? Theo PGS TS Đinh Văn Nhã, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Tự động hoá, ĐH Bách khoa Hà Nội, đồng thời là phó chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, thì nước ta chưa thể và còn lâu mới phát triển được công nghệ chế tạo ASIMO. Đó là công nghệ đa ngành, đa phương tiện, kết hợp giữa kỹ thuật cơ khí, điện tử, tin học, điều khiển... "Hiện công nghệ người máy của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, thử nghiệm những cánh tay máy trong phun sơn, trợ giúp người tàn tật, robot dẫn đường, robot trò chơi. Tất cả đều thuộc các đề tài cấp Nhà nước song tính năng hạn chế, chưa mềm dẻo.'' - PGS Nhã nói.
|
Học sinh tỉnh Vĩnh Phúc chụp ảnh với ASIMO. |
PGS Đinh Văn Nhã cho biết: ''Trong tương lai, Việt Nam vẫn nghiên cứu robot vì đó là một xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, cần đầu tư chế tạo người máy có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả cho những ngành nghề và công việc cụ thể chứ không nên đầu tư vào các robot quá xa vời mang tính giới thiệu, quảng cáo''.
|