Phi công bay thử: nghề nguy hiểm
08:45' 29/04/2004 (GMT+7)

Cách đây khoảng một tháng, chiếc máy bay thử nghiệm X-43A đã bay với tốc độ trên 8.000km/g, nhanh gấp bảy lần vận tốc âm thanh. Đây là lần đầu tiên một chiếc scramjet chạy bằng oxy được bay tự do, vì thế báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để viết về nó. Tuy nhiên, có một yếu tố chưa được đề cập đến trong sự kiện quan trọng này: phi công.

Chuyến bay lịch sử

Phi công và máy bay là "hai mặt của một vấn đề".

Chuyến bay không người lái của X-43A mở ra một xu hướng mới của ngành hàng không hiện đại - phương tiện hàng không không người lái (unmanned aerial vehicle - UAV). Mọi lý do về kinh tế học, lỗi của phi công và độ an toàn cho con người, tất cả đều là động lực khiến cho khoa học phải tìm cách thay thế phi công bay thử bằng máy tính.

Dana Purifoy là phi công bay thử hàng đầu của NASA, hiện đang làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Bay Dryden tại Căn cứ Không quân Edwards ở California (Mỹ). Purifoy chính là người đã lái chiếc máy bay B-52B mang chiếc X-43A và tên lửa Pegasus nâng máy bay tới điểm phóng trên Thái Bình dương. Bay tới khu vực ngoài khơi Nam California, cách bờ 644 km, Purifoy khởi động tên lửa và chiếc X-43A tách ra khỏi máy bay B-52B. Tên lửa mang chiếc X-43A lên độ cao 29.000m, sau đó máy bay tách ra khỏi tên lửa để thực hiện chuyến bay kỷ lục của mình nhờ động cơ scramjet.

Scramjet (động cơ siêu thanh) là loại động cơ phản lực chủ yếu sử dụng nhiên liệu oxy lấy từ không gian. Như vậy, rõ ràng lợi thế của nó là không gây ô nhiễm và không đòi hỏi bình chứa nhiên liệu. Tuy nhiên, nó vẫn cần đến sự hỗ trợ của một tên lửa để đẩy vào không trung. Với phần lớn cuộc đời mình dành cho công việc lái máy bay chiến đấu thử nghiệm, Purifoy cho biết: "Tôi không cảm thấy lo lắng, bởi vì X-43A là máy bay không người lái, và đây là điều phải xảy ra đối với nghề phi công bay thử. Mỗi trải nghiệm trong ngành hàng không đều khác nhau, và phi công bay thử sẽ luôn là một phần không thể thiếu của bất cứ chuyến bay thử nào trong tương lai."

Chuck Yeager là phi công bay thử đầu tiên trên thế giới vượt qua ngưỡng tốc độ âm thanh khi ông thực hiện chuyến bay lịch sử trên chiếc máy bay X-1 tại sân bay Quân đội Muroc (giờ đây là Căn cứ Không quân Edwards). Tuy nhiên, gần 57 năm sau, phi công bay thử lại đang dần được thay thế bằng "phi công" tự động lập trình, hay còn gọi là hệ thống mô phỏng điều khiển bằng radio, khi nghề này đang ngày một trở nên nguy hiểm. Một số nhà quan sát cho rằng, một ngày nào đó, phòng điều khiển trên mặt đất với sự hỗ trợ của vô số máy tính và kỹ sư sẽ khiến cho nghề phi công bay thử trở nên lỗi thời.

Nghề bay thử có lỗi thời?

Mọi chi tiết về chiếc máy bay mới phải được thử nghiệm kỹ lưỡng.

Mặc dù vậy, giới phi công bay thử lại phản bác rằng, ngay cả khi UAV phát triển thì ngành hàng không vẫn cần đến bàn tay lành nghề của phi công để giúp máy bay cất cánh. Hệ thống phi công tự động của máy bay cũng có thể gây tai nạn như thường. Bill Reuter, tư lệnh Sư đoàn Phi Thuỷ quân tại Maryland, là người phụ trách phi công bay thử của Phi đội Đánh giá và Thử nghiệm Không quân 23, chuyên thử nghiệm và đánh giá máy bay tiêm kích của Quân đoàn Hải quân và Thuỷ quân như F/A-18 Hornets và Super Hornets. Ông nói: "Có quá nhiều yếu tố liên quan đến máy bay thử nghiệm, đòi hỏi phi công phải kiểm tra trước khi hệ thống lái tự động vận hành một cách trơn tru. Nghề bay thử sẽ không biến mất khi công nghệ mới xuất hiện, mà chỉ cùng tiến hóa song song với công nghệ mà thôi."

Đã nhiều thập kỷ nay, công việc bay thử thường do một phi công ngồi trong máy bay thử nghiệm, sau đó thực hiện động tác xoay tròn và bổ nhào hoặc cho máy bay rơi tự do từ độ cao trên 9.000m xuống với tốc độ hàng trăm dặm một giời. Phi công bay thử phải đủ điều kiện thể lực để chịu đựng lực kéo mạnh gấp tám lần sức hút trọng lực, có thể bóp méo thị lực, gây khó thở, đôi khi còn khiến cho phi công phải nôn mửa. Và không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người lái, nghề phi công bay thử còn đặt ra một bài toán khó giải cho lĩnh vực kinh tế. Số tiền cần có để mua một hệ thống lái tự động do máy tính điều khiển có khi còn rẻ hơn nhiều so với chi phí hàng triệu đô-la bỏ ra nhằm thiết kế một khoang lái vừa an toàn lại vừa tiện lợi cho phi công khi bay với tốc độ siêu thanh tại độ cao trên cả đỉnh Everest. Hơn nữa, máy tính ít gặp sai sót hơn cả những phi công tài ba nhất trong các cuộc thử nghiệm đòi hỏi độ chính xác cao. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi cho phi công bay thử trong cuộc chiến chống lại máy móc.

Theo John Haire, giám đốc liên lạc chiến thuật của Trung tâm Bay thử Không quân, trong vòng mười năm qua đã có ba phi công bay thử hy sinh tại căn cứ Edwards, còn ba người khác đã phải nhảy ra khỏi máy bay để thoát thân. Cái tên Edwards đã được đặt cho sân bay quân đội Muroc nhằm tôn vinh đại uý Glenn Edwards, người hy sinh tháng 6/1948 khi đang bay thử phi cơ chiến đấu YB-49.

Khoa học gia hàng không

Tại căn cứ không quân Edwards nằm trên sa mạc Mohave, cách Los Angeles gần 160km về phía Bắc, một lớp phi công bay thử đang làm quen với những thử thách mới. Căn cứ này là đại bản doanh của Trung tâm Bay thử Không quân Mỹ, nơi chuyên huấn luyện những phi công "đỉnh" nhất. Lớp phi công hiện tại là sự pha trộn giữa kỹ sư thử nghiệm và phi công bay thử (một vài người trong nhóm này tự gọi mình là "khoa học gia hàng không") Purifoy cho biết: "Ngày nay, nếu muốn trở thành phi công bay thử, bạn cần phải giỏi nhiều thứ ngoài tài lái máy bay. Rất nhiều người trong số các phi công sắp tốt nghiệp sẽ được cấp hai bằng - bằng kỹ sư và bằng khoa học máy tính".

Nghề phi công đòi hỏi sức khỏe phi thường và trình độ hiểu biết cao.

Một trong những yếu tố giúp cho phi công bay thử trụ lại được với nghề chính là  được làm việc với máy bay mới, từ thiết kế, thử nghiệm cho tới sản xuất. Giờ đây, công việc của họ không chỉ đơn thuần là lắng nghe kỹ sư bay, ngồi vào máy bay và thực hiện kỹ năng của mình trong không trung theo chỉ dẫn nữa. Reuter nói: "Khi không bay, phi công bay thử thế hệ mới sẽ ngồi trước máy tính, làm việc với các hệ thống mô phỏng, tạo dựng đồ án thiết kế và đảm bảo sao cho chiếc máy bay thử nghiệm sẽ hoàn hảo khi bay lên không trung. Tôi không thể tượng tượng được rằng ngành hàng không tương lai sẽ vắng bóng phi công bay thử. Họ là một phần không thể thiếu đối với toàn bộ quá trình bay của máy bay thử nghiệm."

Khánh Hà (Theo National Geographic)

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Dùng muỗi... "hạt nhân" tấn công bệnh sốt rét! (28/04/2004)
Nghiệm thu chất phụ gia PDP: Tranh cãi nảy lửa! (27/04/2004)
Anh: Thử nghiệm chứng minh thư sinh trắc học (26/04/2004)
Côn trùng và xác chết là tình yêu của tôi! (26/04/2004)
Thái Lan: Lắng nghe câu chuyện những dòng sông (20/04/2004)
Trung Quốc: Mười năm tới, hơn 10.000 máy bay siêu nhẹ! (19/04/2004)
Máy bay nhỏ Beaver ba chìm bảy nổi (18/04/2004)
VAM-1 và bài học... hàng không dân dụng (18/04/2004)
Người máy ASIMO gặp gỡ bạn bè Việt Nam (17/04/2004)
"Bàn tròn" cho phát triển bền vững, liệu đã đủ? (15/04/2004)
Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Cần tấm gương và cú hích! (14/04/2004)
Càng toàn cầu hóa, càng tăng sức ép môi trường (14/04/2004)
Tế bào chết đi như thế nào? (13/04/2004)
Đình chỉ sản xuất, nếu không di dời! (06/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang