Các loài tre kêu cứu
14:20' 11/05/2004 (GMT+7)

Một tin cực xấu, không chỉ với gấu trúc: Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ), 50% trong tổng số 1.200 loài tre trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. Con người cần hành động khẩn cấp để bảo vệ loại thực vật này cũng như các sinh vật phụ thuộc vào chúng. 

Linh dương núi phụ thuộc vào tre để lấy thức ăn và nơi cư ngụ.

Nạn phá rừng đang cướp đi môi trường sống bản địa của nhiều loài tre. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa hiểu rõ tác động này đối với sự phân bố của chúng vì nhiều khu vực nơi tre mọc ở rất xa. Để tìm hiểu bao nhiêu tre còn lại trong tự nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc Mạng lưới Mây Tre quốc tế và Trung tâm Giám sát Bảo tồn thế giới thuộc UNEP đã kết hợp hàng trăm báo cáo khoa học về sự phân bố của các loài tre khác nhau với bản đồ toàn cầu về độ che phủ rừng và tạo ra một lược đồ về các điểm nóng của tre.

Họ phát hiện khoảng 600 loài tre đang có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống bản địa của chúng rộng chưa đầy 20.000km2. Khoảng 250 loài tre còn chưa tới 2.000km2 đất (bằng kích cỡ của London) để sinh trưởng. Nhà sinh thái học Valerie Kapos, người giúp soạn thảo báo cáo, cho biết: ''Một vài loài tre không còn chỗ để mọc''. Một trong những lý do tre bị ảnh hưởng mạnh tới như vậy là bởi chu kỳ ra hoa và chết hàng loạt đặc trưng của chúng. Các cá thể trong một loài có xu hướng ra hoa cùng nhau, khoảng 10-100 năm/lần và sau đó tàn lụi. Nếu một khu rừng bị phát quang vào thời điểm này, tre sẽ không mọc trở lại. 

Lá tre, món khoái khẩu của gấu trúc.

Tre tuyệt chủng sẽ kéo theo nhiều loài cùng "ngã" với nó. Đó là những loài phụ thuộc hoàn toàn vào tre để kiếm thức ăn và cư ngụ, như vượn cáo, gấu trúc lớn, khỉ đột gorillas. Tre tuyệt chủng cũng là tin xấu đối với con người. Hàng triệu người dựa vào tre để kiếm thức ăn, nguyên liệu làm vật dụng và vật liệu xây dựng. Trên toàn thế giới có hơn 2,5 tỷ người buôn bán và sử dụng tre. Thị trường buôn bán các sản phẩm tre quốc tế trị giá hơn hai tỷ USD mỗi năm, ngang bằng doanh số ngành thịt bò của Mỹ.

Có nhiều loài tre khác nhau bao gồm tre gỗ, tre trèo và tre cỏ. Tre gỗ được tìm thấy ở châu Á, rừng Amazone, dãy núi Andes, và thậm chí là một số sa mạc châu Phi. Tại châu Á, tre gỗ là nguồn thức ăn đối với gấu trúc lớn và gấu trúc đỏ. Theo ước tính, có khoảng 1.000 gấu trúc lớn trong thiên nhiên, mỗi cá thể ăn chừng 38kg lá tre mỗi ngày. Nhà bảo tồn Andrew Laurie thuộc Cơ quan Môi trường Toàn cầu cho biết: ''Không nghi ngờ gì nữa, gấu trúc sẽ không tồn tại nếu vắng bóng tre''. Phá rừng cũng làm phân tán môi trường sống của loài này, dẫn tới những nhóm gấu trúc nhỏ, bị cô lập. Các nhóm bị cô lập có thể lai cùng dòng và chắc chắn bị tuyệt chủng.

Gorilla đang ăn búp tre.

Loài dơi nhỏ nhất thế giới (Tylonycteris pachypus) cũng phụ thuộc vào tre. Loài động vật châu Á có kích cỡ bằng con tem thư này đậu giữa những mấu tre trưởng thành cũng như chui vào những lỗ trên thân tre do bọ cánh cứng tạo ra. Tại châu Phi, loài khỉ đột gorilla (Gorilla gorilla beringei) và bongo núi (một loại linh dương) phụ thuộc vào tre để lấy thức ăn và nơi ở. Tại Madagascar, vượn cáo, ếch tre và loài rùa hiếm nhất thế giới (Geochelone yniphora) cũng gặp những nguy cơ tương tự khi tre trên bờ vực tuyệt chủng.

Rừng tre.

Tại rừng Amazone, các diện tích rừng lớn hoàn toàn bị tre bao phủ. Gấu có vòng quanh mắt (Tremarctos ornatus) và heo vòi (Tapirus pinchaque) ăn một lượng lớn lá tre và có tới 5% tổng số loài chim trong khu vực này phụ thuộc vào tre.

Kapos cho biết: ''Tuy nhiên, vẫn chưa quá muộn để cứu tre''. Bà hy vọng Liên minh Bảo tồn Thế giới, tổ chức liệt kê các loài có nguy cơ tuyệt chủng, sẽ sử dụng kết quả khảo sát trên để hoạch định các chính sách bảo tồn tre trong tương lai.

  • Minh Sơn (Theo Nature) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Tại sao nhiều người Anh phản đối... lò đốt rác? (07/05/2004)
Đại dương = "thùng rác lớn"! (07/05/2004)
Kền kền rơi hàng loạt vì... thuốc thú y (05/05/2004)
Nhạy cảm san hô: Lời kêu cứu từ biển (05/05/2004)
Koala Úc may hơn... hải cẩu Canada (04/05/2004)
Ô nhiễm cadmium: Báo động từ gạo hương lài Thái Lan (04/05/2004)
EU mới và sự... lộn xộn về chính sách hạt nhân (03/05/2004)
Truy kích HIV tận các "thánh địa"! (01/05/2004)
Phi công bay thử: nghề nguy hiểm (29/04/2004)
Dùng muỗi... "hạt nhân" tấn công bệnh sốt rét! (28/04/2004)
Nghiệm thu chất phụ gia PDP: Tranh cãi nảy lửa! (27/04/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang