Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây
18:00' 23/05/2004 (GMT+7)

Sản xuất dầu nhiên liệu từ máu, ruột, da, lông và xương gà tây trên thế giới đã trở thành hiện thực khi nhà máy Thermal Conversion Process (TCP) ở Carthage, Mỹ, tuyên bố bắt đầu bán 100-200 thùng mỗi ngày kể từ tuần trước.

Toàn cảnh nhà máy TCP.

Nhà máy trên do Công ty Renewable Environmental Solutions (RES, hay Các Giải pháp Môi trường Tái sinh) - một liên doanh giữa Công ty ConAgra và Changing World Technologies - quản lý. Một phương pháp có tên là Quy trình biến đổi nhiệt (TCP) giúp biến các phụ phẩm bỏ đi của gà tây tại Nhà máy Butterball lân cận thành dầu, a-xít béo, khí tự nhiên, khoáng chất và carbon. Quy trình có thể biến đổi mọi dạng vật chất được cấu tạo từ carbon hay các vật liệu hữu cơ, giá trị thấp thành dầu bằng cách tăng tốc phương pháp mà Trái đất sử dụng để phân huỷ xác động thực vật thành các hydrocarbon dầu mỏ.

Các phụ phẩm của gà tây và chất hữu cơ được trộn với nước và nghiền thành một chất sền sệt, đun nóng lên tới nhiệt độ 260 độ C, sau đó đem nén với áp suất 42kg/cm2 rồi đun khoảng 15-60 phút, đến khi các chuỗi phân tử dài phân rã thành khí. Khí được thu hồi để cấp năng lượng cho nhà máy. Nhiệt độ tiếp tục được gia tăng để tạo ra các sản phẩm phụ như khí tự nhiên, dầu thô, khoáng chất, và nước. Trừ chất thải hạt nhân, tất cả các loại rác cấu tạo từ carbon đều có thể được biến thành những sản phẩm tương tự. Chẳng hạn, 45kg lốp ô-tô có thể tạo nên 20kg dầu và các sản phẩm phụ, còn 45kg rác y tế có thể cho 30kg dầu.

Theo Brian Appel, chủ tịch đồng thời là giám đốc điều hành Changing World Technologies, tiến trình trên có nhiều lợi thế. Phương pháp sử dụng ít năng lượng hơn nhiều so với các kỹ thuật khác, tạo ra ít khí thải độc hại và tiêu diệt hầu hết mầm bệnh trong phụ phẩm của gà tây. Đồng thời, nó còn tạo ra nhiên liệu, phân bón hữu cơ, và không gây ô nhiễm môi trường. Nếu quy trình trên được sử dụng rộng rãi, nó giúp giảm nhiều núi chất thải động vật đang mọc lên ngày càng nhiều trên thế giới, giải quyết tình trạng ấm hoá toàn cầu, tạo việc làm và chứng tỏ biomass là một nguồn năng lượng thay thế khả thi.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng quy trình trên không hoạt động tốt như những gì mà mọi người ủng hộ đã khẳng định và không hữu ích về mặt kinh tế. Appel nói: ''Điều mà bạn phải làm là xây dựng nhà máy đầu tiên, làm cho những người nghi ngờ im tiếng và sau đó chứng tỏ bạn có thể xây dựng nhà máy với quy mô lớn. Điều đó cần thời gian và nhà máy TCP là sự khởi đầu. Công nghệ TCP sẽ cách mạng hoá năng lượng tái sinh, thay đổi cách thức vứt bỏ chất hữu cơ và là nền tảng cho phát triển bền vững''.

Leonard Bull, phó giám đốc Trung tâm Động vật và Gia cầm ở ĐH Bắc Carolina nói: ''Tôi rất ủng hộ công nghệ này bởi nó có nhiều tiềm năng''. Theo Bull, trở ngại lớn nhất mà Công ty Giải pháp Môi trường Tái sinh gặp phải là tìm thị trường tiêu thụ để làm cho nhà máy sinh lợi. Dầu được sản xuất đang được bán cho những công ty trộn dầu và cư dân địa phương làm nhiên liệu sưởi ấm. Khi hoạt động hết công suất vào mùa hè này, từ 200 tấn chất thải hữu cơ, trong đó có phụ phẩm của gà tây, nhà máy sẽ sản xuất khoảng 500 thùng dầu mỗi ngày với giá cạnh tranh so với dầu diesel số 2 cũng như các sản phẩm phụ có giá trị khác.

Chi phí của toàn bộ dự án, bao gồm thử nghiệm ban đầu tại Trung tâm Kinh doanh Naval ở Philadelphia, dự tính khoảng 80 triệu USD. Chi phí xây dựng nhà máy tại Carthage là 25 triệu USD. Chính phủ liên bang tài trợ 5 triệu USD trong khi các thương gia đầu tư 25 triệu USD. Hiện RES đang tiến hành những đánh giá về môi trường cần để xây dựng các nhà máy khác ở Colorado, Alabama và Nevada. Các công ty và nhà đầu tư khác quan tâm tới những dự án năng lượng thay thế sẽ theo dõi chặt chẽ nhà máy ở Carthage.

Sử dụng rác thải để sản xuất năng lượng đã được thử nghiệm từ những năm 1970. Tuy nhiên, phương pháp thêm nước và dùng áp lực là cách làm vừa ít gây hại cho môi trường, lại vừa đạt hiệu suất cao nhất, tới 85%.

Trong bối cảnh thế giới đang cạn dần nguồn năng lượng, phương pháp này là một bước đi tích cực trên con đường tìm kiếm năng lượng mới. Hơn thế nữa, nó có thể giúp con người giải quyết được lượng rác thải khổng lồ. Mỗi năm, hàng tỷ tấn rác thải được đổ ra môi trường. Chỉ riêng ở Mỹ, lượng rác thải nông nghiệp hàng năm đã là bốn tỷ tấn. Nếu đem xử lý, nước Mỹ sẽ thu được lượng dầu tương đương mức nhập khẩu dầu mỏ mua từ Trung Đông.

  • Minh Sơn (Theo AP, National Geographic, TCP) 
Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho những... cái đáng ngờ (11/05/2004)
Lời kêu gọi Paris: Loài người bị đe doạ nghiêm trọng! (09/05/2004)
Báo động: Thế giới chỉ còn 12 con tê giác trắng! (08/05/2004)
Tại sao nhiều người Anh phản đối... lò đốt rác? (07/05/2004)
Đại dương = "thùng rác lớn"! (07/05/2004)
Kền kền rơi hàng loạt vì... thuốc thú y (05/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang