TP.HCM:
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học
10:01' 28/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - Các nhà khoa học nói gì, đề nghị gì, khi hoạt động nghiên cứu khoa học bị đình trệ, chất xám bị xem thường? Tiếp tục loạt bài điều tra về thực trạng sử dụng đội ngũ khoa học – công nghệ (KH-CN) trên địa bàn TP.HCM. 

Gặp lại GS Hoàng Anh Tuấn

Chiều 27/5, phóng viên báo điện tử VietNamNet đã gặp lại GS Hoàng Anh Tuấn, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM" vừa được nghiệm thu vào ngày 25/5.

Như bạn đọc VietNamNet đã theo dõi, báo cáo nghiên cứu của GS Hoàng Anh Tuấn phơi bày khá rõ ràng thực trạng sử dụng chất xám trên địa bàn TP.HCM với nhiều bất cập không đáng có, đặc biệt là tình trạng xem thường trí thức ở một Thành phố đầy tiềm năng chất xám như ở TP.HCM.

"Cần rà soát lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu, xem xét lại định hướng nghiên cứu khoa học ở TP.HCM." - GS Hoàng Anh Tuấn.

GS TS Hoàng Anh Tuấn tâm sự: Từng nhiều năm làm công tác quản lý khoa học, ông luôn trăn trở với việc làm thế nào để nghiên cứu khoa học có hiệu quả, đầu tư tiền bạc đúng nơi, đúng  chỗ. Với đề tài nghiên cứu về đội ngũ KH-CN ở TP.HCM, ông mong muốn lãnh đạo TP.HCM “hiểu và chia sẻ” những khó khăn của người làm công tác nghiên cứu. Nếu cần thiết, phải có sự rà soát lại đội ngũ cán bộ nghiên cứu, xem xét lại định hướng nghiên cứu khoa học ở TP.HCM.

GS Hoàng Anh Tuấn: “Tôi sẽ nỗ lực để đưa được các kiến nghị vào Nghị quyết Đại hội VIII  Đảng bộ TP.HCM."

Sau khi đề tài được báo cáo nghiệm thu, GS Hoàng Anh Tuấn cho biết: Ông đang có kế hoạch làm việc và báo cáo tình hình với UBND TP.HCM. Ông cũng sẽ gửi tài liệu báo cáo cho Bí thư Thành Uỷ Lê Minh Triết, người rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ khoa học ở TP.HCM. Dự định của ông là gửi thư kèm với đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu để báo cáo với Thành Uỷ TP.HCM. Ông cũng tỏ ra bức xúc đối với Dự án đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ mà Thành phố đang chủ trì, với mong muốn việc đào tạo này đi vào đúng trọng tâm định hướng nghiên cứu khoa học ở Thành phố.

"Tôi sẵn sàng bộc bạch với lãnh đạo Thành phố về những vấn đề được nêu ra trong bản báo cáo khoa học của mình. Tôi cũng sẽ gửi báo cáo khoa học đã được nghiệm thu này đến đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ." - GS Hoàng Anh Tuấn nói.

GS Tuấn hy vọng: Với uy tín của vị cựu Thủ tướng luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh đổi mới, phát triển KH-CN, điều này sẽ có tác động đến các cơ quan có thẩm quyền.

“Tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa được các kiến nghị trong bản Báo cáo khoa học vào Nghị quyết của Đại hội VIII  Đảng bộ TP.HCM trong thời gian tới.” - GS Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Ghi nhanh ở hai đơn vị nghiên cứu khoa học

Phóng viên VietNamNet cũng đã đến thăm hai đơn vị nghiên cứu khoa học. Ghi nhanh ở hai đơn vị này cho thấy: Tuy cùng một cơ chế và sự đãi ngộ eo hẹp nhưng về sâu xa, lương và điều kiện làm việc là hai yếu tố “cần và đủ” để phát huy chất xám.

Nghiên cứu viên chính: Cần lương tương xứng để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Nghiên cứu viên trẻ: Lương thấp cũng được, nhưng cần điều kiện làm việc tốt.

Sau giờ hành chính, Phòng Điện tử Ứng dụng, Phân viện Vật lý tại TP.HCM vẫn sáng đèn làm việc, không khí khá sôi động so với sự trầm lắng thường thấy ở Cơ sở II của Viện KH-CN Quốc gia tại số 1 Mạc Đỉnh Chi, Quận 1. Phòng gần giống với nhà xưởng hơn là viện nghiên cứu, ngổn ngang các bộ vi mạch điện tử...

Ông Dương Minh Trí, trưởng Phòng, cho biết: Phòng đang thực hiện những lô hàng máy đo độ độ ẩm. Khoảng hơn mười loại máy đo độ  khác nhau trưng bày ở tủ kính - "những sản phẩm do chúng tôi chế tạo từ A-Z", ông Trí cho biết. Đến nay, nhiều loại máy đo đã được ứng dụng trong thực tế và được đánh giá cao về tính hiệu quả.

Hẳn sự đầu tư của Nhà nước phải nhiều lắm? chúng tôi hỏi. Ông Trí cười: "Chủ yếu là huy động anh em trong Phòng bỏ tiền túi để tự nghiên cứu ra sản phẩm"!

Ông Dương Minh Trí: "Giá có điều kiện làm việc tốt hơn, đồng lương được trả cao hơn thì nhà khoa học sẽ giải quyết được khối lượng công việc một cách dễ dàng và hiệu quả hơn!" - Ảnh: Thu Thảo

Kinh phí do Viện KH-CN, trước là Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, cấp cho Phòng để nghiên cứu khoa học là 30 triệu đồng/năm, tức chưa đến 2.000 USD. “Khoản tiền đó được xem là... sự ưu ái, linh động hết mức của Trung tâm dành cho những Phòng thuộc Trung tâm có nhiều hoạt động tốt, tích cực. Còn nếu đúng theo mức quy định của Nhà nước, Phòng chỉ có thể được cấp một nửa số tiền nói trên mà thôi!” - ông Trí giải thích. Tuy nhiên, toàn bộ kinh phí “nghiên cứu khoa học” như nói trên còn phải tính gộp luôn vào đó cả... tiền nước, tiền điện thoại! Chưa hết, vì sắp tới, nghe nói Phòng còn có thể phải trả luôn tiền điện, do Trung tâm có dự định “xoá bao cấp” về khoản này.

Vì vậy, hàng tháng, sau khi trích từ kinh phí "nghiên cứu khoa học" để trả các khoản tiền nước, điện thoại, phần kinh phí còn lại được chia cho tám thành viên trong Phòng để sử dụng vào mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, để sử dụng số tiền đó cũng không phải dễ dàng: Bởi muốn được thanh toán, phải có hoá đơn, chứng từ liệt kê chi tiết để chứng minh đã “chi” cho nghiên cứu.

Để ít nhiều cải thiện thu nhập của các nghiên cứu viên khoa học (mức lương hiện nay chỉ từ 500.000 đến hơn một triệu đồng/tháng), Phòng Điện tử Ứng dụng đã tìm cách đưa những thiết bị, máy móc do mình làm ra vào sản xuất thực tế. Một nghiên cứu viên cho biết: Anh làm ở Viện đã được bốn năm, lương trên 600.000đ/tháng. Tùy theo số lượng máy được bán ra mà thu nhập của anh có thể tăng thêm 400.000-500.000đ/tháng.

Trong khi đó, ThS Đỗ Anh Tuấn, cán bộ trẻ Khoa Sinh, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM ví von khi nói về lương của mình: "Đủ nuôi bản thân một cách... thoi thóp"! Lương của một thạc sĩ như anh vào khoảng trên 600.000đ/tháng, cộng thêm các khoản coi thi, chấm thi... ”tất tần tật” cũng chỉ được khoảng 800.000đ/tháng. Nhưng Tuấn nói: ”Đó là mức lương chung mà nhiều người trong xã hội đều chịu chung. Điều đó không làm ảnh hưởng đến nhiệt tình nghiên cứu của tôi”!

Tốt nghiệp đại học năm 2002, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ năm 2004, lĩnh vực nghiên cứu mà Tuấn lựa chọn là công nghệ sinh học mô phỏng. Tuấn cho biết: Ở Khoa Sinh hiện nay, lực lượng nghiên cứu trẻ rất đông, khoảng trên 20 người. Không khí nghiên cứu khoa học ở đây khá sôi nổi. Tâm lý chung của các bạn trẻ ở đây là muốn cạnh tranh và khẳng định. Ngoài ra, các bạn đều có cơ hội ra nước ngoài để học tập, nâng cao trình độ nên chuyện lương thấp đều chấp nhận được để chờ một cơ hội tốt đẹp hơn.

Sinh viên Khoa Sinh làm thí nghiệm PCR. (Ảnh: Thu Thảo)

Do có quan hệ xã hội rộng và có uy tín, chủ nhiệm Khoa Sinh là PGS TS Trần Linh Thước đã nhận được khá nhiều đơn đặt hàng nghiên cứu về công nghệ sinh học. Các đề tài thường được chia nhỏ thành từng phần và giao cho các nhóm. Mỗi nhóm nghiên cứu khoảng bảy - tám người, mỗi nhóm có một trưởng nhóm để điều hành công việc chung và báo cáo tình hình công việc với thầy. Cách làm này tỏ ra có hiệu quả và chuyên nghiệp, nhưng nhờ thế mà lực lượng nghiên cứu trẻ có cơ hội làm khoa học. Thông qua các đề tài nghiên cứu, nghiên cứu viên có thêm điều kiện kinh phí để mua các loại hóa chất đắt đỏ, tiếp cận công nghệ mới để tự nâng cao trình độ. Qua đó, các nhà khoa học trẻ đã ngày càng trưởng thành hơn qua công việc.

Khi các nhà khoa học lên tiếng
 
● GS TS Nguyễn Thị Kê, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Vệ sinh Y tế công cộng: Thiếu điều kiện, phương tiện để nghiên cứu. Thiếu chuẩn để nghiệm thu đề tài. Làm sao công trình nghiên cứu đạt chất lượng?

Nghiên cứu khoa học chưa thật sự hiệu quả  là do điều kiện nghiên cứu thiếu đồng bộ. Thiếu các thiết bị chuẩn để thẩm định chất lượng, thiếu các hóa chất chuẩn, đặc biệt là dược chất độc, động vật thí nghiệm chuẩn...

Chẳng hạn, muốn nghiên cứu sản xuất ra một loại thuốc mới, người nghiên cứu cần có những động vật thí nghiệm sạch, được bảo đảm không bị nhiễm bệnh để quan sát tác dụng của thuốc. Vì vậy, động vật thí nghiệm cần được nuôi dưỡng trong môi trường sạch, có thể kiểm soát được, nhưng đến nay ở Việt Nam vẫn chưa có nơi nào chuyên nuôi về động vật thí nghiệm. Không chỉ thiếu động vật thí nghiệm, ngay các dược chất chuẩn, sạch cũng rất khan hiếm mặc dù phải nhập từ nước ngoài với giá rất cao.

Khi làm ra sản phẩm, lại thiếu những thiết bị chuyên dụng đạt chuẩn để kiểm tra về chất lượng. Trong kinh phí làm đề tài, vẫn không có những khoản chi về việc này. Chất lượng sản phẩm nghiên cứu không đảm bảo được độ chính xác, hiệu quả đề tài  khó lòng đạt hiệu quả cao.

Theo tôi, không thể đưa thành quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế là do nghiên cứu không gắn kết với sản xuất. Các nhà khoa học cần tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để kết quả nghiên cứu có thể đưa ngay vào thực tế.

Nhìn chung, hiện nay, việc xét duyệt và nghiệm thu đề tài vẫn chủ yếu là dựa vào... báo cáo viên và tài liệu báo cáo nghiệm thu. Quá trình làm việc, kết quả thật sự của đề tài đến đâu thì nhiều khi hội đồng thẩm định vẫn... chưa thể nắm hết được. Chưa có những đòi hỏi, yêu cầu chặt chẽ về tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng chất lượng nghiên cứu khoa học chưa cao!
 
Tiếp theo, những ý kiến dưới đây của các nhà khoa học được trích từ Báo cáo khoa học của GS Hoàng Anh Tuấn (”Thực trạng sử dụng đội ngũ KH-CN trên địa bàn TP.HCM”): 

GS Hồ Sĩ Thoảng: Đừng "công chức hóa" các nhà khoa học! (Ảnh: Trương Hiệu)

GS TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Một sự thật không mấy ngọt ngào là khi nhiều nhà khoa học, nhà giáo không còn tiếp cận với thông tin mới nhưng vẫn cứ liên tục giảng hoặc tham gia hết hội đồng này đến hội đồng khác. Việc công chức hoá các nhà khoa học khiến cho họ không còn gắn bó máu thịt với công tác nghiên cứu khoa học nữa!
 
PGS TS Lưu Cẩm Lộc (Giám đốc Viện Công nghệ Hoá học - Viện KH-CN Quốc gia): Hạn chế bao trùm nhất là quản lý cơ quan khoa học theo cách quản lý hành chánh là không phù hợp. Mức lương chưa có sự phù hợp với trình độ chuyên môn. Chưa có sự công bằng trong quyền lợi và nghĩa vụ đối với cán bộ khoa học.

Cử nhân Vũ Việt Chí (Viện KH-CN Quốc gia): Việc phân bổ kinh phí cho các đề tài cấp cơ sở hiện nay vẫn còn theo chủ nghĩa bình quân. Việc quyết toán kinh phí quá rườm rà, nhiều khi bắt cán bộ phải gian dối trong quyết toán. Trong nhiều trường hợp, các đề tài nghiên cứu cấp Trung tâm hoặc cấp Nhà nước được xét duyệt chưa công minh, đôi khi dựa vào sự quen biết, luồn lách!
 
TS Ngô Kiều Oanh (Viện KH-CN Quốc gia): Đề nghị trưng cầu ý kiến cán bộ khoa học, cả những cán bộ trẻ, về mục đích sử dụng tiền đầu tư của Nhà nước cho khoa học hiệu quả hơn!
 
TS Lã Văn Kính (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam): Lương bổng quá thấp. Kinh phí phân tán nhỏ giọt. Thủ tục thanh toán rườm rà. Cần thực hiện cơ chế khoán trong khoa học, thủ tục thanh - quyết toán phải đơn giản và trả công cao cho chất xám.  
 
TSKH Lê Ngọc Trà (Viện Nghiên cứu Giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM): Phải đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trẻ. Trong năm 2002, ĐH Sư phạm TP.HCM được phân chỉ tiêu đào tạo mười tiến sĩ và năm thạc sĩ, nhưng đến giờ... chưa thấy ai đăng ký! Trong kinh phí cấp 40 tỷ đồng cho ĐH Sư phạm TPH.CM, kinh phí nghiên cứu khoa học chỉ có... 300 triệu đồng (tỷ lệ 0,0075%!).

Cử nhân Trần Thị Túc (giám đốc Trung tâm Giải quyết Việc làm cho Trí thức): Nên quan tâm chú ý nhiều đến các trí thức trẻ, đặc biệt là công tác đào tạo. Lớp trẻ thích làm việc cho công ty nước ngoài vì không chỉ lương cao mà cơ bản là ở đó, họ có cơ hội học hỏi nhiều việc bổ ích. 

VietNamNet thân mời bạn đọc tham gia ý kiến về vấn đề cơ chế sử dụng đội ngũ KH-CN ở TP.HCM và cả nước nói chung.

Góp ý và bài viết xin gởi về địa chỉ: bangiaoduc@vasc.com.vn

● Phan Thảo - Bích Vân (thực hiện) 

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Không nên phớt lờ năng lượng biomass (13/05/2004)
Cần xem xét lại chiến lược trồng ngô GM (12/05/2004)
Bước lùi của lúa mì chuyển đổi gien (12/05/2004)
Các loài tre kêu cứu (11/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang