"Gạch Chăm ông Chỉnh" và bức xúc của nhà sáng chế
19:26' 31/05/2004 (GMT+7)

(VietNamNet) - “Tại sao có thể xây tháp Chăm mà không cần vôi vữa?". Bí ẩn tồn tại cả trăm năm nay đã được một nông dân Quảng Nam giải mã. Thế nhưng giới khoa học Việt Nam vẫn... thờ ơ với sự kiện này.

Chuyện thật mà cứ y hệt "cổ tích" về... thói quan liêu của cơ chế quản lý khoa học, với một đoạn kết có thể xem là khá có hậu. Mời các bạn theo dõi chuyện gạch Chăm ông Chỉnh trong tuyến bài riêng của VietNamNet về thực trạng quản lý khoa học - công nghệ ở Việt Nam:

"Giải mã" gạch Chăm, vợ con phát ngán!

"Nhà sáng chế nông dân" Lê Văn Chỉnh với lò gạch thực nghiệm ở xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

"Từ lúc còn là cậu bé chăn bò bên tháp Chăm Khương Mỹ ở gần nhà, tui từng tò mò tự hỏi: Vì sao người xưa có thể xây dựng được những ngôi tháp hoành tráng như thế mà không cần vôi vữa?" - ông Lê Văn Chỉnh (ở Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng câu hỏi như thế.

Ông Chỉnh kể tiếp hành trình của các... câu hỏi: "Lớn lên một chút, tui lại thấy những ngôi tháp Chăm tuy không có mạch vữa nhưng kết cấu vẫn rất vững, chịu lực tốt, độ kết dính của gạch bền chắc và đã trường tồn qua gần 20 thế kỷ. Vì sao? Và nhờ đâu mà người Chăm xưa có thể chạm khắc được những hoạ tiết chi li, tinh tế đến thế trên gạch?"

Chính những câu hỏi về các bí ẩn từ hàng trăm năm qua của các tháp Chăm đã đeo bám suốt cuộc đời ông. Không đơn giản, vì ròng rã suốt 20 năm nay, ông phải vật lộn với bệnh tật, nghèo túng để tìm cho được câu trả lời, bất chấp có lúc đã phải đối diện với sự sinh tử vì nỗi thờ ơ, rẻ rúng!

"Sự tò mò ấy đã thành niềm đam mê dày vò trong con người tui, rồi đưa đẩy tui xin làm cán bộ của Bảo tàng Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), công tác ngay tại Bảo tàng Điêu khắc Chàm!" - ông Chỉnh cho biết. Đó cũng là thời điểm di tích Mỹ Sơn bắt đầu được các cơ quan chức năng trong và ngoài nước chú ý đến. Câu hỏi về vật liệu xây tháp Chăm và phương pháp kết dính đã được giới khoa học trong nước đưa ra qua hàng chục cuộc hội thảo song vẫn chưa có giả thuyết nào thực sự thuyết phục. Các nhà khoa học nước ngoài, nổi bật là kiến trúc sư Ba Lan K. Kazik (nay đã qua đời), cũng đã tìm đến khám phá những bí ẩn trong các khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn, trong đó có sự bí ẩn của những viên gạch Chăm...

Tiếp tục các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, xong tất cả hầu như đều mở ra rồi khép lại trong sự tranh luận chưa bao giờ kết thúc. Cùng KTS K. Kazik lăn lộn nơi đất Mỹ Sơn để giải mã bí ẩn của những viên gạch Chăm, ông Chỉnh càng lâm vào cảnh túng bấn và có lúc chỉ còn mỗi chiếc xe đạp cũng phải bán đi để... nghiên cứu. “Vợ con cũng phát ngán tui luôn! “ - ông Chỉnh cười. Không chỉ thế, căn bệnh hen suyễn lại cứ nỗi lên dày vò, buộc lòng ông phải xin nghỉ việc từ năm 1989 vì sức khoẻ quá yếu. Thế nhưng ông vẫn không khỏi băn khoăn vì "các nhà khoa học thì cứ cãi nhau, còn Mỹ Sơn thì đang ngày càng trở thành phế tích". Vậy là ông quyết định đi theo con đường riêng của mình, bằng thực nghiệm để tìm câu trả lời!

Nghiên cứu kỹ viên gạch, ông Chỉnh phát hiện những vết xước trượt dài. Một ý tưởng loé lên: "Người Chăm đã dùng cách mài gạch để kết dính chúng?". Ông lấy hai viên gạch Chăm mài với nhau. Quả nhiên, chúng dính chặt lại như có một lớp keo dán. "Phải có gạch Chăm mới xây được tháp Chăm!” - Phát hiện này đã giúp ông đánh đổ giả thuyết gạch được nung sau khi tháp đã xây xong; đồng thời mở ra cho ông những tia hy vọng giải mã bí ẩn còn ẩn chứa nơi viên gạch.

Ông tự làm khuôn đúc, xây lò gạch thủ công tại nhà. Mỗi ngày, vợ ông phải rây hàng tạ đất sét thật mịn cho chồng làm... thí nghiệm. Qua thực nghiệm phương pháp mài chập, ông lại tiếp tục phát hiện: "Gạch Chăm làm từ đất sét có thể kết dính với nhau là nhờ người xưa đã sử dụng chất phụ gia khi xây tháp. Do vậy, khi điêu khắc các hoa văn trên tháp, viên gạch chỉ vỡ thành bột mịn và chính chất này khi mài trộn với nước đã tạo thành một chất hồ sền sệt giúp cho gạch càng dính chặt với nhau." - ông Chỉnh suy luận.

Nhưng chất phụ gia ấy là gì, nguồn gốc ở đâu, chế biến thế nào thì vẫn là một ẩn số cực kỳ bí hiểm.

Hàng chục mẻ gạch đầu tiên ra đời hoặc là... vỡ vụn, hoặc chỉ kết dính ít lâu rồi lại rời ra. Mò mẫm mãi, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền, thậm chí bán sạch lúa trong nhà khiến vợ phải sang nhà hàng xóm mượn gạo, mãi tới năm 1988, tức ngót sau mười năm dính vào "món nợ" gạch Chăm, nút thắt trong mớ bòng bong rối rắm và ký bí của những ngôi tháp Chăm mới được ông “giải mã”: "Chất phụ gia đó được tổng hợp từ nhựa cây bời lời và một số phụ gia khác có nguồn gốc từ các loài thực vật sẵn có quanh vùng. Ngoài ra, phải xác định cho được thành phần và tỉ lệ các chất phụ gia, nhiệt độ nung và số lần nung gạch phù hợp!". Không những thế, qua những ngày mót chút tài sản cuối cùng của vợ để len lỏi trong các khu tháp cổ ở Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ, ông Chỉnh còn nhận ra: Sau khi nung, viên gạch phải được chôn dưới lòng đất trong một thời gian nhất định để tạo độ ẩm cần thiết cho sự kết dính...

Thành công đến với ông từ đó. Những viên gạch Chăm hoàn thiện đầu tiên được ra lò từ sự trợ giúp 1.000 USD của Quỹ Thuỵ Điển tại Việt Nam dành cho ông. Đây là loại gạch được chế tác cực kỳ công phu, rất mịn và xốp. Nhờ vậy, qua hàng thế kỷ, màu gạch vẫn luôn tươi nhuận!

Cũng như người Chăm xưa: Không có... học vị!

Cứ ngỡ sau thành công đó, ông Chỉnh sẽ có cơ hội phát huy hơn nữa những phát hiện cực kỳ quan trọng của mình trong quá trình bảo tồn, trùng tu các di tích Chăm. Thế nhưng: "Rất nhiều lần tui mang mấy viên gạch tìm gõ cửa các cơ quan văn hoá có liên quan ở tận Hà Nội. Họ bắt phải chờ. Ngày này qua tháng khác, chờ miết mà có thấy chi mô. Tui đâu có xin tiền bạc gì, chỉ mong họ xác nhận xem thành quả lao động của tui thế nào thôi!" - giọng ông Chỉnh trở nên tức nghẹn. Cả chục năm lao tâm lao lực nơi chốn núi rừng xa xôi, hẻo lánh không quật ngã nổi ông. Vậy mà thái độ thờ ơ, rẻ rúng của ai đó đã khiến ông lâm cơn bạo bệnh, suýt thập tử nhất sinh.

"Có lẽ chỉ có lòng đam mê mới vực nổi tui dậy lúc đó. Tui mời một số vị đại diện chính quyền tỉnh và đơn vị quản lý di tích Mỹ Sơn đến để trình bày mong muốn cống hiến của mình!". Các vị ấy đều đánh giá rất cao tâm nguyện của tui nhưng lại không ai dám nhận vì... những viên gạch Chăm mà tui làm ra chưa được cơ quan có thẩm quyền nào thẩm định giá trị đích thực của nó. Song các vị ấy cũng cố gắng tạo điều kiện cho tui đưa gạch Chăm đi tham dự một số cuộc triển lãm. Qua đó, nhiều chuyên gia khảo cổ, giới chức văn hoá mới biết, tới tận nhà thăm và tham khảo cách làm của tui!". Tuy nhiên, không phải ai trong số những người "đến thăm” ấy cũng đồng ý với ông Chỉnh.

Một mặt vì gạch Chăm ông làm ra chưa có... đề tài khoa học để bảo vệ (!). Mặt khác, vì ông chỉ là một "nhà sáng chế tay ngang". Một số người có hứa hẹn này nọ rồi cũng bặt tăm. Một số người nhiệt tâm hơn thì khuyên ông nên làm thành một đề tài nghiên cứu khoa học hẳn hoi để có cơ sở cho các cơ quan thẩm quyền xem xét. "Nhưng tui chỉ giỏi thực nghiệm, làm tay ngang thôi chứ nói nhiều đến cơ sở lý luận, khoa học này nọ là đuối. Vì vậy mà tui mới mong được các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp làm cái đề tài khoa học để thuyết phục các cấp trên chứ!" - ông Chỉnh phân trần.

Bức xúc trước sự thờ ơ, rẻ rúng đối với những cống hiến đầy trách nhiệm và tâm huyết của "nhà sáng chế nông dân" Lê Văn Chỉnh, đầu năm 2002, ông Hồ Việt - trưởng đại diện Tổng Cục Du lịch tại miền Trung – đã viết thư gửi bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị. Bức thư nêu rõ những bất cập trong việc trùng tu tháp Chăm, nhất là dùng hồ vữa, gạch thường, thậm chí cả bê tông đã phá vỡ giá trị của tháp. Qua đó, ông Hồ Việt nhấn mạnh: “Ở nước ta đã có những người không có bằng cấp gì song đã làm được những việc mà đáng lý những người có học vị phải làm như thần đèn Nguyễn Cẩm Luỹ, hay một thanh niên đã thiết kế nhiều cầu treo ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân tự chế ra máy gặt, máy đập... Vậy việc anh Chỉnh nghiên cứu ra được chất kết dính, làm được gạch Chăm giá rẻ sao không là điều thực tế? Mặt khác, người Chăm xưa có học vị gì đâu mà đã làm được tháp Chăm?”.

Và, ông Hồ Việt khẩn thiết đề nghị Bộ VH-TT nên cử ngay cán bộ vào gặp ông Chỉnh để đánh giá kết quả mà ông Chỉnh đã nghiên cứu. Sau đó, Bộ VH-TT có cử đoàn công tác vào khảo sát. Họ đưa cho ông Chỉnh tập hồ sơ để làm đề tài nghiên cứu, song "nhà sáng chế nông dân" Lê Văn Chỉnh đành... chịu thua vì không đủ cơ sở lý luận để làm!

Ông Hồ Việt nêu rõ: "Mỗi năm, Nhà nước dành gần nửa tỉ đồng cho các cơ quan nghiên cứu để tìm kiếm vật liệu xây dựng trùng tu tháp Chăm nhưng không hiệu quả. Vì vậy, trường hợp của ông Chỉnh cần phải được Nhà nước quan tâm hỗ trợ chứ không thể hờ hững mãi như vậy được. Một người tâm huyết như ông Chỉnh thì không thể không được thừa nhận. Không ai giúp thì tôi phải bằng cách riêng của mình để giúp ông khẳng định thực tài!”.

Đi cùng lời nói chắc nịch ấy, ông Hồ Việt đã tư vấn và lập đề cương cho dự án khoa học cấp tỉnh mang tên: "Nghiên cứu thực nghiệm về vật liệu và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm phục vụ trùng tu và phát huy di sản văn hoá Mỹ Sơn” với kinh phí đề xuất 250 triệu đồng do Ban Quản lý Mỹ Sơn chủ trì, ông trực tiếp làm chủ nhiệm nhằm giúp ông Chỉnh bảo vệ công trình của mình trước hội đồng khoa học. Đáng tiếc là gần hai năm nay, dự án vẫn còn bị "treo" vì "vướng" phải quá nhiều "cửa"...

Khi các doanh nghiệp làm "bà đỡ"

Trong cái khó ló cái khôn, ông Hồ Việt nảy ra ý tưởng tư vấn cho ông Chỉnh lập... Công ty TNHH để “lấy công trình nuôi công trình".

Và ngôi tháp Chăm được ông Chỉnh xây dựng hoàn toàn bằng kỹ thuật của người Chăm xưa tại nhà hàng Apsara (Đà Nẵng).

Và, ước mơ xây dựng một ngôi tháp Chăm hoàn toàn bằng kỹ thuật của người Chăm xưa của ông Chỉnh đã thành sự thật khi ông Lê Tuấn Khải, giám đốc Nhà hàng Apsara (222 Trần Phú, Đà Nẵng) có ý tưởng xây một tháp Chăm trong khuôn viên nhà hàng. Hợp đồng được ký kết và đầu năm 2003, ông Lê Văn Chỉnh cùng con trai Lê Nguyên Vũ và một số thợ kéo quân từ Núi Thành ra Đà Nẵng. Sau năm tháng thi công, ngôi tháp cao 6,7m được xây bằng 22.000 viên "gạch Chăm ông Chỉnh" và phương pháp mài chập với những đường nét điêu khắc, chạm trổ tinh xảo đã mọc lên bề thế trước sự thán phục của du khách. Công trình đầu tay càng chứng tỏ ông đã thành công khi vén được phần nào bức màn bí ẩn của tháp Chăm.

Tiếp đó, ông Nguyễn Trung Dân, giám đốc Công ty Danatol Đà Nẵng, mời ông về xây dựng hai ngôi tháp khác tại Khu du lịch Suối Lương ở Nam Hải Vân, do công ty này làm chủ đầu tư. Thậm chí hai ngôi tháp này còn cao (tới 10m) và hoành tráng hơn ngôi tháp ở nhà hàng Apsara!

Riêng ông Hồ Việt thì vác đơn đi vận động các tổ chức trong và ngoài nước để có nguồn kinh phí hơn 20 tỉ đồng phục vụ cho việc xây dựng Làng Văn hoá Chăm ở Hòn Bằng (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Bên con đường dẫn vào khu di tích Mỹ Sơn, một khoảng đất đã được Tổng Cục Du lịch và cơ quan văn hoá địa phương chấm chọn. Ông Hồ Việt cho biết: “Chúng tôi sẽ mời ông Chỉnh xây dựng tại đây một cụm mười tháp Chăm theo mô hình của các ngôi tháp nổi tiếng như tháp Bàng An, tháp Khương Mỹ, tháp Chiên Đàn... để quảng bá văn hoá Chăm, phục vụ phát triển du lịch. Qua đó, cũng nhằm giúp ông Chỉnh có thêm cơ hội để khẳng định thực tài, khẳng định một thương hiệu “Gạch Chăm ông Chỉnh!”.

Ở vào tuổi 65, ông Chỉnh tự biết mình không còn nhiều thời gian dành cho tâm huyết suốt một đời. Nên dù đã được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ để thể hiện tài năng trên thực tiễn thì ông hãy còn đau đáu một nỗi niềm. Đó là những kết quả thu lượm được từ quá trình thực nghiệm vẫn chưa được các cơ quan thực sự có chức năng và thẩm quyền thẩm định, nhằm đúc rút thành những công thức có tính chất khoa học mà truyền lại cho đời sau tiếp tục nghiên cứu, phát huy!

Hơn 20 năm ròng rã vật lộn với bệnh tật và thất bại, ông Lê Văn Chỉnh vẫn cố bám lấy từng viên gạch Chăm để đi tìm và giải mã những bí ẩn mà nhiều nhà khoa học đầu ngành còn bó tay từ cả trăm năm nay. Thế nhưng cho đến cuối đời thì sự tìm tòi đầy sáng tạo và công phu ấy vẫn còn chứa chất đầy những trăn trở. Liệu có ai trong các nhà khoa học, nhà quản lý khoa học Việt Nam thấu hiểu được điều này?

  • Hải Châu

 Tin, bài liên quan:

Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập!

Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học

Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp

Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức

Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Sẽ có chiến tranh về... nước ở châu Phi? (31/05/2004)
Đừng xem khoa học - công nghệ như một thứ trang sức (31/05/2004)
Chuyện "ông già Lương" và... bầu sữa bao cấp (29/05/2004)
Rà soát lại đội ngũ và định hướng nghiên cứu khoa học (28/05/2004)
Sử dụng đội ngũ KH-CN: Cơ chế bất cập! (27/05/2004)
Cái chết bí ẩn của "gã khổng lồ" baobab Nam Phi (26/05/2004)
Xu thế điện hạt nhân: Thế giới vẫn phân cực! (26/05/2004)
Yangqiao - ngôi làng của thần chết ở Trung Quốc (25/05/2004)
Bao giờ thế giới sẽ có điện nhiệt hạch? (24/05/2004)
Bán dầu nhiên liệu từ phụ phẩm gà tây (23/05/2004)
Hàng nghìn người Anh có thể mang mầm bệnh bò điên (22/05/2004)
Khai trương ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của thế giới (19/05/2004)
Hồ sơ UFO (vật thể bay lạ) càng thêm dày (14/05/2004)
Lò đốt rác của "ông Hội đồng": Thật không? (13/05/2004)
Xem tiep Tro ve dau trang